Đến hẹn lại lên, vào đầu năm học mới câu chuyện lạm thu đầu năm học lại khiến không ít phụ huynh đau đầu vì gánh nặng đóng góp. Đặc biệt phụ huynh đầu cấp khối tiểu học, có trường cứ 2 học sinh lớp 1 sẽ phải “cõng tiền” một bộ bàn ghế mới.
Đa phần khi thông tin phụ huynh phản ánh đến cơ quan báo chí, đưa lên mạng xã hội vì quá búc xúc, rất ít trường nhận trách nhiệm mà đổ cho giáo viên chủ nhiệm truyền đạt không đúng và nhà trường kêu gọi phụ huynh trên tinh thần tự nguyện.
Để yên thân, nhiều phụ huynh chọn cách im lặng theo kiểu cam chịu, ngậm bồ hòn làm ngọt vì nếu có nói cũng khó giải quyết được vấn đề, thậm chí có ý kiến còn bị coi là người nhiều chuyện, thiếu tinh thần xây dựng tập thể.
Có không ít hiệu trưởng bị kỷ luật mất chức, thậm chí vướng vòng lao lý, nhưng có lẽ cần phải có những hình thức kỷ luật nặng hơn mới đủ sức răn đe cho việc lạm thu…để nó không còn len lỏi vào các trường.
Đáng nói, tình trạng không ít ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường đang trở thành cánh tay nối dài cho ban giám hiệu nhà trường. Họ đứng ra tự ý áp đặt mức thu chi rồi bổ đầu học sinh.
Nhiều phụ huynh vì ngại lên tiếng trước tập thể lớp cũng như sợ những lời nói không hay đến tai, thậm chí còn bị cho rằng là người “ki bo” không vì tập thể, con mình đến lớp sẽ khó tránh khỏi sự dè bỉu, phân biệt đối xử nên họ chọn cách im lặng.
Năm học 2020-2021, quá bức xúc trước những khoản đóng góp của ban phụ huynh lớp theo kiểu “bổ đầu”, một phụ huynh có con vào lớp 1 Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) đã phải lên tiếng trước hàng loạt thứ đồ dùng từ điều hòa đến việc lắp khóa cửa…
Phụ huynh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Thành phố Ninh Bình) bức xúc trước một số khoản ban phụ huynh lớp thu. Ảnh: Trường TH Lê Hồng Phong. |
Cụ thể, một phụ huynh lớp 1C Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) đã chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nỗi bức xúc và đính kèm bảng kê danh sách hàng loạt đồ dùng lớp phải mua theo ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đưa ra với tổng số tiền lên đến trên 41,8 triệu đồng.
Theo đó số tiền trên sẽ bổ đầu trên 38 học sinh, mỗi em phải đóng 1.551.000 đồng. Ngoài ra, mỗi học sinh còn phải đóng thêm khoản quỹ lớp cả năm 450.000 đồng.
Như vậy, mỗi học sinh lớp 1C Trường Tiểu học Lê Hồng Phong phải đóng góp riêng cho ban phụ huynh lớp thu lên đến trên 2 triệu đồng vào đầu năm học.
Phụ huynh này cho rằng: "Nếu như điều hòa lớp 5 ra trường không để lại thì đầu cấp phụ huynh có thể đóng tiền vào mua để cho các con mát mẻ trong 5 năm học tiểu học.
Tuy nhiên, còn có quá nhiều khoản khác phụ huynh lớp phải đóng tiền mua như tủ gỗ, rèm lớp, lắp khóa cửa, tivi....chẳng lẽ những đồ dùng, thiết bị này dùng mấy năm đã hỏng mà phải thay mới. Đây là những khoản rất vô lý và trở thành gánh nặng cho phụ huynh.
Đâu phải một nhà có một cháu đi học mà mấy cháu cùng đi học mà lớp nào cũng đóng như này thì đầu năm học mới còn gì là vui nữa".
17 hạng mục học sinh một lớp 1 Trường Tiểu học Lê Hồng Phong phải đóng góp cho ban đại diện cha mẹ học sinh lớp. Ảnh: PHCC. |
Theo một phụ huynh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, đây là khoản đóng góp quá lớn khi vào đầu năm học mới. Việc ban phụ huynh lớp tự ý đưa ra các khoản này rồi sau đó bổ đầu trên số học sinh lớp phải đóng góp là trái với quy định, trái với thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cũng theo phụ huynh này, phụ huynh đồng ý đóng những khoản cần thiết phục vụ cho con em như điều hòa để các con trong suốt 5 năm, nhưng ban phụ huynh phải công khai minh bạch, cùng bàn bạc, thống nhất với các phụ huynh trong lớp.
Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong cho biết: “Khi các con vào học lớp 1, phụ huynh tiến hành họp và có đề xuất lắp điều hòa cho các con. Điều hòa khối 5 có 3 lớp khi ra trường họ đã tự tháo đi và thanh lý.
Do vậy, lớp 1 năm nay vào học không có điều hòa nên các lớp đề xuất mua điều hòa mới cho các con. Phụ huynh cũng có đơn, tờ trình lắp điều hòa, tivi cho lớp.
Nhà trường cũng nói với phụ huynh là nhà trường mới đang xây dựng kế hoạch vận động xã hội hóa, cấp trên cũng chưa phê duyệt nên đề nghị phụ huynh chưa lắp đặt.
Nhiều phụ huynh mong muốn lắp cho con rồi làm đơn, cam kết. Đến ngày học thứ 2 các con nóng quá, phụ huynh có ý kiến nên nhà trường đã lên báo cáo lãnh đạo Phòng Giáo dục và đào tạo thành phố.
Tôi cũng trình bày với lãnh đạo phòng các khối 2,3,4,5 đều có điều hòa trong khi đó khối 1 chưa có mà phụ huynh đã mua rồi, họ rất lo lắng cho con. Phụ huynh rất bức xúc nếu nhà trường không cho phụ huynh lắp điều hòa cho con thì rất khó.
Trường không cho phụ huynh lắp điều hòa là gây khó cho phụ huynh. Trường đã yêu cầu phụ huynh cam kết vì các con nên nhà trường đồng ý khi đã báo cáo lên các cấp”.
Về khoản tiền thu 2 triệu đồng trên mỗi học sinh vào đầu năm học mới, cô Nguyễn Thị Bích Thủy lý giải: “Nhà trường không cho phép giáo viên chủ nhiệm được phép thu hay liên quan đến quỹ phụ huynh lớp. Nhà trường chưa nắm được thông tin này.
Các giáo viên chủ nhiệm cũng báo cáo từ đầu năm học đến nay nhà trường chưa thu đồng nào. Cũng có thể việc thu do ban phụ huynh đứng ra thu. Nhà trường không thu một khoản gì đóng góp từ phụ huynh”.
Nghiêm cấm Ban đại diện cha mẹ học sinh thu những khoản sau
Theo khoản 4 Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT quy định rất rõ ban đại diện phụ huynh không được quyên góp của người học và gia đình người học những khoản ủng hộ không tự nguyện và không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban, bao gồm:
- Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường;
- Bảo vệ an ninh nhà trường;
- Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh;
- Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;
- Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường;
- Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường;
- Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục;
- Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.