Môn Tiếng Việt quá tải, học sinh lớp 1 phải "gánh" 9 môn học là quá sức

07/10/2020 06:27
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên cho rằng, chương trình mới lớp 1 năm nay quá tải không chỉ riêng môn Tiếng Việt mà còn nằm ở vấn đề số lượng môn học quá nhiều.

Nhiều môn học chỉ mang ý nghĩa số lượng

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về chương trình mới năm nay, cô H.P - giáo viên Tiểu học tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Chương trình mới quá tải, lịch học của các em kín hết các buổi và không còn thời gian vui chơi”.

Năm học này, trường cô P lựa chọn kết hợp nhiều bộ sách khác nhau, trong đó có môn Toán và Tiếng Việt là nằm trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Theo cô P, dù chỉ là những đánh giá ban đầu nhưng chương trình mới thực sự khá nặng và gây khó khăn cho học sinh cũng như giáo viên.

Theo các giáo viên, chương trình mới lớp 1 năm nay quá nhiều môn học (Ảnh: Thanh Tùng)

Theo các giáo viên, chương trình mới lớp 1 năm nay quá nhiều môn học (Ảnh: Thanh Tùng)

“Môn học quá nhiều trong khi quỹ thời gian có hạn. Thời gian quy định ở chương trình tiểu học là 35 phút mỗi tiết, riêng môn Tiếng Việt được ưu tiên học 2 tiết liên tiếp.

Giáo viên phải cật lực, cố gắng lắm mới hoàn thành xong bài giảng. Học sinh học hành rất vất vả, đã thế lại không có thời gian vui chơi”, cô P chia sẻ.

Theo quan điểm của cô, đối với học sinh lớp 1, các em chỉ cần học Toán, Tiếng Việt, Đạo đức và Hoạt động trải nghiệm là đủ.

“Lớp 1 quan trọng nhất là giúp các con đọc thông viết thạo, chỉ khi mục tiêu này đã đạt được thì các con mới có khả năng tiếp thu những kiến thức khác.

Mặc dù có nhiều môn học hay nhưng đưa vào chương trình lớp 1 là chưa phù hợp.

Các môn như Tự nhiên và Xã hội, Tiếng Anh, Hoạt động trải nghiệm,…bổ sung vào chương trình lớp 1 chỉ mang ý nghĩa về số lượng, còn chất lượng khó mà đạt được”.

Cô P cũng cho rằng với chương trình nặng như vậy, nhiều học sinh có thể phải học thêm cả cuối tuần, không còn thời gian để vui chơi.

Cô T.L, giáo viên Bắc Giang cũng khẳng định chương trình mới lớp 1 nặng hơn về thời lượng, nội dung và cả yêu cầu của chương trình.

“Có một số môn học không cần thiết, ví dụ như Tiếng Anh, trẻ đọc viết tiếng Việt còn rất khó khăn thì các em không tiếp thu nổi.

Môn Tự nhiên và Xã hội không cần thiết phải tăng thời lượng 2 tiết mỗi tuần. Nội dung các môn chồng chéo nên tốn thời gian”.

Để chứng minh, cô L chia sẻ 2 môn Hoạt động trải nghiệm và môn Tự nhiên và Xã hội đều có chung nội dung hướng dẫn bé dọn dẹp và sắp xếp đồ đạc trong nhà.

Cô T.L cũng tâm sự: “Sách giáo khoa chắc chẳng thể thay được nhưng hi vọng sẽ giảm tải về yêu cầu”.

Phải dạy kèm thêm cho các em cuối giờ

Dù 4h30 tiếng trống trường báo hiệu kết thúc buổi học nhưng cô T.N (giáo viên huyện Quản Bạ, Hà Giang) và các cô giáo dạy học sinh lớp 1 vẫn tình nguyện ở lại thêm 30 phút đến 1 giờ để dạy thêm vì “chương trình năm nay khá nặng”.

Cô N chia sẻ: “Ở vùng cao điều kiện học tập của các em vốn đã khó khăn, năm nay lại học đến 8 môn (bắt buộc, môn tiếng Anh tự chọn), chương trình lại nặng nên việc dạy học càng vất vả hơn.

Nặng nhất là chương trình Tiếng Việt, đa số các em không tiếp thu kịp, không đọc nổi.

Cô giáo phải giúp học sinh ôn bảng chữ cái, vừa ghép tiếng, vừa tập viết, tiến độ chương trình nhanh và quá sức với cả cô và trò”.

Ở trường cô N dạy học kết hợp nhiều bộ sách khác nhau, môn Toán nằm trong bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, môn Tiếng Việt thuộc bộ sách Cùng học để phát triển năng lực.

Cô N cũng nhận định số lượng môn học tăng so với chương trình cũ nhưng nội dung lại có nhiều bất cập

“Chương trình năm nay dạy học khó khăn. Môn Tiếng Việt ở tuần thứ 2 đã bắt học sinh đọc hai câu rồi. Tuần thứ 5 đã xuất hiện 8 dòng thơ, mỗi dòng 4 chữ. Học sinh khó mà theo kịp.

Một số môn nội dung có những câu dài, học sinh tất nhiên không thể đọc được. Như môn Đạo đức có bài tập điền từ trong khi học sinh đang còn tập đọc, tập viết”.

Nội dung bài tập trong sách bài tập Đạo Đức bắt học sinh lớp 1 điền từ với những câu văn dài (Ảnh: Giáo viên cung cấp)

Nội dung bài tập trong sách bài tập Đạo Đức bắt học sinh lớp 1 điền từ với những câu văn dài (Ảnh: Giáo viên cung cấp)

Đối với những nội dung môn học chứa những câu dài, quá sức đối với học trò thì cô N sẽ đọc và hỏi lại học sinh. Tuy nhiên, cô N cũng khẳng định học sinh khó tiếp thu được.

“Quá trình tập huấn giáo viên chúng tôi cũng đã đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, câu trả lời nhận được là nhà trường và giáo viên sẽ linh hoạt để dạy học.

Như môn Tiếng Việt, tôi phải dạy học sinh nhận biết chữ cái, tập đọc trên bảng trước, Vì nếu mở sách ra, các con chỉ lật sách để xem hình ảnh, khó nhớ được mặt chữ”.

Nội dung nhiều môn học quá sức với học sinh lớp 1 là vấn đề được nhiều giáo viên phản ánh. Cô H.N – giáo viên tiểu học tại Thanh Hóa cũng chia sẻ rằng:

“Hiện tại, sau 1 buổi học để học sinh hoàn thành bài ngay trên lớp là rất khó.

Các môn Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội các cô phải hướng dẫn gợi mở học sinh trả lời miệng vì các tiếng chứa âm vần đó các con chưa học, cả câu dài các con không đọc nổi.

Nếu không là phải chuyển bài đó lùi vào thời gian sau khi các con đã biết đọc biết viết”.

Cô H.N cũng cho biết, giáo viên dạy Tiếng Anh trong trường cũng than khó với chương trình cho học sinh lớp 1.

Những ngày qua, trên các diễn đàn mạng xã hội, có nhiều dòng chia sẻ về nỗi lòng của giáo viên dạy lớp 1 năm nay.

Đa số các giáo viên đều khẳng định chương trình mới khiến giáo viên gặp nhiều khó khăn trong khi học sinh tiếp thu chậm.

Có giáo viên còn bình luận rằng học sinh phải đọc vẹt với những câu văn dài và học sinh không thể theo kịp tiến độ chương trình năm nay.

Phạm Minh