Không giao bài tập về nhà có giúp giảm tải cho học sinh lớp 1?

11/10/2020 06:24
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên, phụ huynh đều khẳng định việc giáo viên không giao bài tập về nhà cho học sinh không phải là một biện pháp hữu hiệu để giảm tải chương trình.

Sau khi có phản ánh của giáo viên, phụ huynh về chương trình mới lớp 1 năm nay, đặc biệt môn Tiếng Việt tiến độ nhanh, nội dung nặng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn về việc tăng cường thực hiện chương trình giáo dục đối với học sinh lớp 1.

Theo đó, trong văn bản hướng dẫn có nội dung chỉ đạo “giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh”.

Bài tập, ôn luyện tại nhà là cần thiết với học sinh

Cô S.K – giáo viên tiểu học công tác tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk cho rằng việc không giao bài tập về nhà cho học sinh là bất hợp lý.

Cô K khẳng định: “Chương trình nặng mà không giao bài tập về nhà thì các em không thể theo kịp và không thể đảm bảo tiến độ học tập”.

Theo cô K, chương trình mới nếu triển khai ở những vùng thuận lợi, có điều kiện cơ sở vật chất tốt và học sinh học mẫu giáo đã biết hết bảng chữ cái thì mới có khả năng đạt hiệu quả.

Riêng đối với học sinh ở vùng nông thôn và vùng dân tộc thiểu số thì thực sự quá nặng với các em.

Cô S.K chia sẻ: “Năm nay chương trình rất nặng, cô luôn phải nhắc nhở phụ huynh về nhà kèm cặp con học bài, nếu không học ở nhà sẽ không thể theo kịp”.

Lượng kiến thức, chương trình như vậy, không giao bài tập về nhà thì kết quả học tập của các em càng khó đạt được yêu cầu đã đặt ra, bố mẹ không quan tâm kèm cặp thêm thì con sẽ chẳng nhớ được chữ cái, âm vần đã học.

Nếu như vậy, chỉ e rằng, học sinh không biết đọc, không biết viết. Hôm nay chưa kịp nhớ âm này ngày mai đã học sang âm khác trong khi học sinh lớp 1 chỉ cần đọc thông, viết thạo, và biết làm toán là đủ”.

Không giao bài tập về nhà không phải là biện pháp giảm tải chương trình mới lớp 1. (Ảnh: Phạm Minh)

Không giao bài tập về nhà không phải là biện pháp giảm tải chương trình mới lớp 1. (Ảnh: Phạm Minh)

Chị Ngô Thảo (Bình Dương) có con năm nay học lớp 1 cũng khẳng định: “Dù cô giáo không giao bài tập, bố mẹ vẫn phải cho con tập đọc, luyện chữ ở nhà. Nếu không kèm cặp, làm sao con học nổi”.

Theo chị Thảo, con gái chị phải đi học từ thứ 2 đến sáng thứ 7. Chị muốn cho con học thêm tiếng Anh nhưng cũng không có thời gian vì con đã học gần như kín lịch.

“Ở nhà, cả mẹ và con đều loay hoay nào đọc, nào viết, rồi học lại bài trên lớp khi chưa thuộc. Tiếp đó là đọc trước bài hôm sau. Tiến độ học nhanh nên rất áp lực, hôm nào cũng hơn 10 giờ tối con mới được đi ngủ”, chị Thảo chia sẻ.

Chị Thảo khẳng định thêm: “Không cho các con bài tập về nhà không có nghĩa là giảm tải chương trình. Điều cần làm là giảm tải chương trình học và cho thêm bài tập về nhà. Như vậy, các con sẽ không còn áp lực và rèn được tính tự giác trong học tập”.

Đủ cách học thêm cho học sinh lớp 1

Mặc dù Bộ có văn bản chỉ đạo không giao bài tập về nhà cho học sinh nhưng căn cứ vào tình hình thực tế, nhiều giáo viên vẫn phải giao bài tập cho các em, phụ huynh vẫn tìm đủ mọi cách giúp con học thêm để theo kịp chương trình.

Chị Thanh Huyền (Đống Đa, Hà Nội) - phụ huynh có con học chương trình lớp mới lớp 1 năm nay cho biết, ngoài học ở lớp, chị phải thuê gia sư về dạy học tại nhà.

Chị Huyền chia sẻ: “Vấn đề là chương trình học trong sách quá nặng, nếu không giao bài tập về nhà hay không ôn luyện thêm thì con không nắm được kiến thức.

Tôi phải cho con học cùng gia sư mỗi tuần 2 buổi, mỗi buổi 2 giờ đồng hồ. Ngoài ra, ở nhà bố mẹ cũng kèm cặp con học. Riêng tập đọc thôi cũng mất cả giờ đồng hồ rồi”.

Theo chị Huyền, trường của con đang học bộ sách Cánh Diều, lượng kiến thức quá nhiều, chỉ hai ngày đầu làm quen với các nét cơ bản, ngày thứ 3 bắt đầu học chữ và ghép chữ. Tuần thứ 5 đã phải đọc một đoạn văn dài 3 đến 4 câu.

Dù Bộ có chỉ đạo nhưng phụ huynh không hề bớt lo lắng. (Ảnh minh họa: Phạm Minh)

Dù Bộ có chỉ đạo nhưng phụ huynh không hề bớt lo lắng. (Ảnh minh họa: Phạm Minh)

“Với những cháu chưa học tiền tiểu học, bố mẹ không kèm cặp, không học thêm ở nhà thì tôi khẳng định con không đọc được.

Mặc dù con tôi đã học tiền tiểu học nhưng vẫn phải kèm cặp thêm”, chị Huyền chia sẻ.

Theo đó, con chị Huyền vẫn được cô giao bài tập về nhà nhưng cô không ép buộc phải hoàn thành, chỉ khuyến khích phụ huynh đồng hành cùng con trong việc học.

“Mình rất thông cảm với các giáo viên vì có lớp sĩ số đông từ 40 đến 50 em, thời lượng tiết học có hạn, rất khó để theo sát từng em. Chính vì vậy, bài tập về nhà là cần thiết để các con theo kịp chương trình”, chị Huyền tâm sự.

Phạm Minh