Hơn 85% sinh viên Công nghiệp Dệt May Hà Nội có việc làm ngay sau tốt nghiệp

18/10/2020 06:32
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sinh viên khóa 1 Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội có thu nhập cao nhất là 30 triệu/tháng thuộc về ngành quản lý công nghiệp chuyên ngành Merchandiser.

Ngày 17/10/2020, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tổ chức Lễ tốt nghiệp đại học khóa 1 của trường.

Tới dự với thầy trò nhà trường có Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng cùng các vị quan khách.

Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tiền thân là Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ may mặc thuộc Bộ Nội Thương, được thành lập năm 1967. Sau nhiều lần nâng cấp và đổi tên, đến năm 2015, Trường được Thủ tướng Chính phủ cho phép nâng cấp từ trường cao đẳng thành trường Đại học theo quyết định số 769/QĐ-TTg ngày 4/6/2015.

Lễ tốt nghiệp của hơn 400 cử nhân, kỹ sư khóa 1 trường Đại học Công nghiệp Dệt may thời trang Hà Nội. Ảnh: LC

Lễ tốt nghiệp của hơn 400 cử nhân, kỹ sư khóa 1 trường Đại học Công nghiệp Dệt may thời trang Hà Nội. Ảnh: LC

Trường hoạt động theo mô hình trường đại học công lập, tự chủ, định hướng ứng dụng theo quy định của Luật giáo dục đại học.

Trường có Quy mô đào tạo từ 5000-7000 sinh viên đại học chính quy, với đội ngũ 282 giảng viên trong đó có 74% giảng viên vừa có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ vừa có kinh nghiệm công tác tại doanh nghiệp.

Trường hiện có 200 phòng học lý thuyết, thực hành, thí nghiệm; 4000 thiết bị hiện đại trong đó có nhiều thiết bị được đầu tư công nghệ số của cách mạng công nghiệp 4.0; một Trung tâm sản xuất dịch vụ với 500 lao động, chuyên sản xuất và xuất khẩu sản phẩm veston cao cấp, jacket thời trang...sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật bản, Hàn Quốc...

Đây là môi trường thực tập cập nhật với chuẩn quốc tế cho sinh viên khối ngành kinh tế, kỹ thuật và công nghệ của trường.

Phát biểu tại buổi Lễ tốt nghiệp, Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho biết, đến tháng 8/2020, sinh viên đại học khóa 1 của Trường đã hoàn thành chương trình đào tạo và đạt được nhiều kết quả hết sức khả quan sau hai tháng tốt nghiệp.

Cụ thể, về tỷ lệ có việc làm, thống kê cho thấy, 85,4% sinh viên đại học khóa 1 đã có việc làm và ngành có tỷ lệ việc làm cao nhất là ngành Công nghệ may: 88,1%. Đây là tỷ lệ có việc làm rất cao trong bối cảnh chịu sự tác động của đại dịch covid-19.

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: LC

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: LC

Trong tổng số sinh viên đại học khóa 1 đã đi làm cho thấy có 3% làm việc tại các vị trí quản lý; 77,3% làm việc tại các vị trí cán bộ kỹ thuật; 19,7% làm việc tại các vị trí khác.

Hơn 80% sinh viên đại học khóa 1 đang làm việc tại ví trí quản lý, kỹ thuật chủ chốt trong các doanh nghiệp dệt may.

Tỷ lệ tự tạo việc làm (khởi nghiệp) là 7,9%, cao hơn cao đẳng trước đây (tỷ lệ khởi nghiệp chỉ là 5%).

Đặc biệt, trong số sinh viên khóa 1 của nhà trường, sinh viên mới tốt nghiệp có thu nhập cao nhất đạt tới 30 triệu đồng/tháng thuộc về ngành Quản lý công nghiệp chuyên ngành Merchandiser.

Thu nhập cao nhất của ngành công nghệ Sợi dệt là 15 triệu/tháng và thu nhập cao nhất của ngành công nghệ may là 13 triệu/tháng, mức thu nhập bình quân của các sinh viên còn lại là 6,4 triệu/tháng.

Thống kê cho thấy, sinh viên đại học khóa 1 cao hơn 7,7% so với sinh viên cao đẳng xét cùng thời điểm tốt nghiệp sau 2-3 tháng thể hiện sự vượt trội của sinh viên đại học khóa 1 so với sinh viên cao đẳng về khả năng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp liên quan đến khâu thiết kế, quản trị và thiết lập hệ thống cho doanh nghiệp dệt may.

Phát biểu trong buổi Lễ tốt nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã thay mặt lãnh đạo Quốc hội đã gửi lời chúc mừng đến hơn 400 tân cử nhân khoá 1 của Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội được nhận bằng tốt nghiệp, chính thức gia nhập đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật có trình độ cao của ngành dệt may Việt Nam.

Phó chủ tịch Quốc hội đã đánh giá đây là nhân tố quan trọng trong quá trình đổi mới, sáng tạo và nâng cao giá trị gia tăng của ngành dệt may Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã thay mặt lãnh đạo Quốc hội gửi lời chúc mừng đến hơn 400 tân cử nhân khoá 1 của Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội . Ảnh: LC

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã thay mặt lãnh đạo Quốc hội gửi lời chúc mừng đến hơn 400 tân cử nhân khoá 1 của Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội . Ảnh: LC

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đã đánh giá cao nỗ lực của Tập đoàn Dệt may Việt Nam và của nhà trường quyết tâm xây dựng một trường đại học chuyên ngành dệt may định hướng ứng dụng, gắn bó chặt chẽ, mật thiết với doanh nghiệp, đưa nhanh các thành tựu công nghệ của thế giới vào đào tạo.

Đồng thời, Phó chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận và ủng hộ những nỗ lực trong việc tự chủ đại học của nhà trường. Đây là một chủ trương quan trọng đã được nhấn mạnh trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018.

Từ một trường cao đẳng thuộc tập đoàn kinh tế 100% vốn nhà nước, đến nay là một trường đại học tạm giao cho Tập đoàn Dệt may đã cổ phần hoá quản lý, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhất là về cơ chế quản trị nhưng 5 năm qua nhà trường đã thực sự tự chủ đầy đủ cả về tài chính, học thuật và nhân lực.

Những thủ khoa đầu ra của trường Đại học Công nghiệp dệt may thời trang Hà Nội nhận bằng tốt nghiệp từ Phó chủ tịch Quốc hội. Ảnh: LC

Những thủ khoa đầu ra của trường Đại học Công nghiệp dệt may thời trang Hà Nội nhận bằng tốt nghiệp từ Phó chủ tịch Quốc hội. Ảnh: LC

“Tôi đề nghị Nhà trường tiếp tục tập trung thu hút và đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên vừa có kiến thức chuyên môn vững vàng, vừa có kinh nghiệm thực tế để làm tốt nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nhận chuyển giao, sáng tạo công nghệ tiên tiến, hiện đại;

Đồng thời kết hợp giữa vật liệu hiện đại với truyền thống; sớm làm chủ khâu thiết kế, mẫu mã hàng hóa… dần tham gia sâu và đầy đủ hơn vào chuỗi giá trị của ngành dệt may toàn cầu” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đồng thời tin tưởng:

“Nhà trường sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình phát triển riêng của mình, thu hút hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu của trường trở thành trung tâm đào tào, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành dệt may”.

Trong buổi Lễ tốt nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đã trao bằng tốt nghiệp cho 3 thủ khoa đầu ra của trường.

Lại Cường