Gánh nặng hồ sơ sổ sách đè lên giáo viên một phần do sở, phòng vẫn muốn ôm

16/02/2021 06:25
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Gánh nặng hồ sơ sổ sách của giáo viên hiện nay là do lãnh đạo Sở, Phòng, Hội đồng bộ môn không dám tin tưởng vào các trường học, không tin vào giáo viên đứng lớp.

Chỉ cần dạy 1-2 năm đứng lớp dạy một khối là giáo viên đều có thể thuộc giáo án giảng dạy của mình, chỉ có những giáo viên không chịu khó đầu tư mới lệ thuộc vào giáo án khi giảng dạy trên lớp.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành thì giáo án là một trong 3-4 loại (chủ nhiệm 4 loại) hồ sơ quy định bắt buộc của người thầy, nên giáo viên phải có giáo án, phải soạn giáo án cho các bài dạy của mình.

Nhưng, có lẽ đã đến lúc các trường học cần thay đổi cách quản lý, duyệt giáo án in giấy bằng giáo án điện tử gửi qua email cho tổ trưởng chuyên môn và sau đó có thể đăng tải trên website của nhà trường.

Nếu năm sau vẫn dạy khối học đó thì giáo án chỉ cần bổ sung những điểm mới là mọi thứ sẽ trở nên giản đơn và tránh được những lãng phí không cần thiết đang tồn tại trong nhiều năm qua.

Duyệt giáo án điện tử là phù hợp trong thời điểm hiện nay (Ảnh minh họa: Tailieugiangday.com)

Duyệt giáo án điện tử là phù hợp trong thời điểm hiện nay (Ảnh minh họa: Tailieugiangday.com)

Khi lãnh đạo cấp trên không tin tưởng vào cấp dưới, cấp dưới lại quá sợ cấp trên

Chúng tôi rất đồng cảm với bài viết Giáo viên không được dùng giáo án điện tử là do cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn? của tác giả Lê Mai đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 01/11/2020.

Suy cho cùng, một trong những cái gốc của gánh nặng hồ sơ sổ sách của giáo viên hiện nay là do các cấp lãnh đạo sở, phòng, hội đồng bộ môn không tin tưởng vào các trường học, không tin vào giáo viên đứng lớp.

Chính vì không tin vào cấp dưới nên năm nào về kiểm tra, thanh tra chuyên môn cũng lật từng trang giáo án của giáo viên, săm soi từng hoạt động trong giáo án, đếm từng tiết dạy để bắt lỗi và ghi biên bản…

Vì thế, ban giám hiệu nhà trường luôn yêu cầu giáo viên soạn giáo án, in ra đầy đủ mỗi khi lên lớp và mỗi năm ban giám hiệu duyệt định kỳ 2 lần. Ngoài ra, khi kiểm tra nội bộ còn kiểm thêm giáo án một lần nữa.

Đó là chưa kể theo quy định hiện nay thì tổ trưởng chuyên môn phải duyệt giáo án của tổ viên 2 tuần/lần. Vì thế, giáo án của giáo viên luôn phải đầy đủ, chuẩn xác theo quy định của tổ, của trường và được kiểm tra, duyệt thường xuyên.

Nhiều giáo viên lên lớp không bao giờ nhìn vào giáo án nhưng trong cặp phải luôn mang theo để đề phòng kiểm tra đột xuất của cấp trên.

Chính vì thế, không chỉ giáo viên vất vả, lãng phí tiền in ấn mà ngay cả các cán bộ quản lý từ tổ trưởng chuyên môn trở lên cũng vất vả theo nhưng hàng chục năm qua đã thế và có lẽ trong những năm tới đây vẫn vậy.

Cách quản lý có phần quan liêu, lạc hậu này đang tồn tại trong thời kỳ mà công nghệ thông tin đã phát triển như vũ bão. Trường nào cũng có website, gần như cá nhân nào cũng đều có thể sử sụng email và đều soạn được giáo án điện tử.

Giao quyền cho tổ trưởng chuyên môn duyệt và chịu trách nhiệm về giáo án, phát triển bộ môn là hợp lý nhất

Tại khoản 2, điều 14, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT đã quy định Tổ chuyên môn có những nhiệm vụ sau:

a) Chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục thuộc chuyên môn phụ trách theo tuần, tháng, học kỳ, năm học; phối hợp với các tổ chuyên môn khác xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.

b) Đề xuất lựa chọn sách giáo khoa, xuất bản phẩm tham khảo để sử dụng trong nhà trường theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

c) Thực hiện kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn theo kế hoạch giáo dục của nhà trường đã được hội đồng trường phê duyệt.

d) Tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

đ) Tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch của tổ chuyên môn và của nhà trường.

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.

Thế nhưng, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn lại không được giao quyền tự chủ, tự quyết ngay đến giáo án cũng phải lệ thuộc vào cấp trên thì chủ động cái gì?

Chúng tôi cho rằng, ban giám hiệu nhà trường cứ giao hẳn chuyện giáo án cho tổ trưởng chuyên môn chịu trách nhiệm và tự duyệt giáo án điện tử qua email, nếu cần thiết thì đăng tải lên website của nhà trường.

Ban giám hiệu nhà trường, hội đồng bộ môn, phòng, sở quản lý bằng cách kiểm tra trên website, dự giờ giáo viên trên lớp và kết quả đầu ra của học sinh, đánh giá giáo viên bằng hiệu quả công việc sẽ thiết thực hơn nhiều mớ hồ sơ sổ sách vô bổ.

Những lãng phí in ấn giáo án không đếm xuể, chỉ riêng giáo án môn Ngữ văn lớp 9 hiện nay thì mỗi năm giáo viên phải in cỡ trên dưới 800 trang giáo án, trong khi mỗi giáo viên bao giờ cũng được phân công dạy 2 khối lớp.

Tốn kém, nhiêu khê và ngay cả người duyệt giáo án giấy cũng mệt mỏi không kém vì các tổ trưởng chuyên môn dù không đọc thì cũng phải lật từng trang để đếm số tiết bài soạn của giáo viên thì mới dám ký duyệt.

Nếu không làm kĩ lưỡng thì khi bị thanh tra hay nhà trường kiểm tra tổ viên mà có sai sót thì tổ trưởng lại bị phê bình. Thành ra, cấp trên cứ mãi làm khổ cấp dưới ngay cả chuyện giáo án lên lớp hàng ngày.

Bộ kêu gọi, hướng dẫn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy nhưng nhiều trường học, thậm chí là sở, phòng không chịu nhúc nhíc, vẫn quản lý hồ sơ sổ sách như những năm tháng còn bao cấp thì “đẩy mạnh”, “ứng dụng” cái nỗi gì?

Chỉ riêng chuyện giáo án cũng đã thấy lãng phí, bất cập nhưng nó vẫn đang tồn tại từ năm này sang năm khác ở phần lớn các trường học hiện nay!

NHẬT DUY