Khi tự chủ, mức học phí gần 70 triệu đồng/năm không phải là cao

29/11/2020 07:06
Thùy Linh - Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chúng ta cần ủng hộ việc xây dựng học phí tính đúng và đủ của các cơ sở giáo dục để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Vấn đề học phí tại Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh từng là chủ đề của báo chí khi có những ngành học học phí lên đến 68 triệu đồng/năm học/sinh viên, tính ra 6,8 triệu đồng/tháng/em.

Tại Hội nghị VEC 2020 do Ủy ban Văn Hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội tổ chức, ông Trần Diệp Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Theo đó, năm 2020 bắt đầu triển khai tự chủ tài chính theo Luật giáo dục đại học sửa đổi số 34/2018/QH-14 thì nhà trường đã đương đầu với các khó khăn.

Ông Trần Diệp Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: Phạm Minh)

Ông Trần Diệp Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: Phạm Minh)

Cụ thể, trường xây dựng mức thu học phí áp dụng cho đối tượng mới, thực hiện công khai, minh bạch theo quy định của Luật thì bị phản ứng mạnh từ xã hội và chưa được sự ủng hộ hoàn toàn từ các cơ quan quản lý cấp trên.

Thực hiện theo Luật, Trường đã giải trình và cung cấp đầy đủ minh chứng cho viêc xác định tự chủ tài chính trong thu học phí. Dù vậy, với trách nhiệm của một trường công lập trọng điểm quốc gia Trường vẫn chưa thu đủ và hết các khoản chi phí đào tạo khi không còn được hưởng kinh phí từ ngân sách cấp cho hoạt động thường xuyên.

Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã cam kết chất lượng đào tạo là chất lượng tốt nhất của khối ngành sức khỏe do đầu tư của nhà trường cho cơ sở vật chất, xây dựng chương trình đào tạo mới dựa trên chuẩn năng lực và đội ngũ giảng viên hàng đầu nhưng mức thu học phí chưa thật sự tính đúng tính đủ.

Trong khi đó, sinh viên trúng tuyển năm 2020-2021 sẽ có những trải nghiệm khác biệt so với các năm trước, ví dụ như:

Quản lý đào tạo bằng phần mềm công nghệ thông tin, mỗi sinh viên dều được cấp tài khoản email miễn phí, tài khoản này sinh viên dùng trong mọi hoạt động trong quá trình học tập bao gồm đăng ký học tập, xem điểm… toàn cơ sở được trang bị hệ thống wifi cho sinh viên truy cập miễn phí.

Sinh viên được sử dụng phần mềm Office 365 có bản quyền. Hệ thống phòng học thông minh, phòng lab slide ảo, hệ thống phòng lab máy vi tính phục vụ cho học tập và thi cử…

Trường xây dựng phòng học thông minh phù hợp cho dạy và học theo nhóm nhỏ, lấy sinh viên làm trung tâm, các phòng thí nghiệm đều được trang bị các máy móc thiết bị phù hợp, cụ thể như mỗi sinh viên Răng Hàm Mặt đều được thực hành riêng trên các mô hình và trên một ghế nha khoa, sinh viên Dược thực tập 1-2 sinh viên/bộ dụng cụ…

Cũng theo đại diện đến từ Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thì chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa, bác sĩ Răng Hàm Mặt và Điều Dưỡng được xây dựng mới và dựa trên chuẩn năng lực; Chương trình Y Khoa, Răng Hàm Mặt được xây dựng trong dự án hợp tác với Đại học Y Havard và Đại học Y Nha Havard;

Chương trình của trường hoàn toàn có thể gọi là chương trình tiên tiến. Tuy nhiên, thầy cô không muốn có hai chương trình song song (tiên tiến và đại trà) trong môi trường đào tạo khối ngành sức khỏe nên đã đăng ký chương trình chất lượng cao với mức học phí cao hơn hẳn.

Sinh viên học nhóm nhỏ, nên trước đây thầy cô giảng dạy 1-2 lần/năm, nay thầy cô phải dạy 4-8 lần/năm, thậm chí gần 20 lần/năm, thật sự xem sinh viên là trung tâm, đem đến trải nghiệm gần gũi thầy – trò cho sinh viên, và phát triển được các kỹ năng mềm cho sinh viên;

Phương pháp lượng giá dựa trên chuẩn năng lực nên tốn công hơn rất nhiều lần so với trước đây… nhằm đảm bảo năng lực cần đạt của sinh viên; Chương trình cũng có học phần tự chọn đi học nước ngoài được xây dựng công phu và bắt đầu triển khai từ năm học mới này.

Hoạt động đảm bảo chất lượng theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế được nhà trường đầu tư rất nhiều trong thời gian qua, sẽ giúp cải tiến chất lượng giáo dục liên tục; Nhà trường đang hướng đến kiểm định các chương trình theo tiêu chuẩn khu vực (AUN-QA) và quốc tế khác như tiêu chuẩn của Liên đoàn giáo dục y khoa thế giới (WFME).

Đại diện Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, giảng viên của trường thường xuyên tham gia các lớp đào tạo phát triển giảng viên, nâng cao năng lực về giáo dục và chuyên môn tại các hội nghị/hội thảo quốc tế và khu vực;

Là đội ngũ thầy cô tốt nhất khu vực phía nam; Đặt ra nhu cầu thu hút và giữ chân nguồn nhân lực để phòng ngừa chảy máu chất xám.

So với hệ thống giáo dục công và tư trong nước, học phí là không cao. So với học phí của trường trong khu vực ASEAN và quốc tế thì lại càng không cao.

Với ý thức trách nhiệm của một trường công lập trọng điểm quốc gia, Trường trích 20% trên tổng thu học phí, gồm 15% để chi các suất học bổng có giá trị tương đương từ 25% đến 100% học phí, và 5% cho đầu tư nghiên cứu khoa học;

Tổng cộng có 800 suất học bổng/2100 chỉ tiêu năm học 2020-2021 dành cho các em thuộc diện chính sách, học giỏi và có hoàn cảnh khó khăn. Trong khi hiện nay chỉ có hơn 202 đơn xin học phí.

Ngoài ra, Trường còn tìm kiếm các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân khác cho Học bổng Khuyến Học và Học Bổng Vượt Khó; Hỗ trợ cho sinh viên vay tiền ngân hàng để đóng học phí. Bên cạnh đó, Trường còn tổ chức nhiều hoạt động đoàn hội phong phú nhằm trợ giúp cho sinh viên.

Từ thực tiễn đại diện Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh có đề xuất, một là, đổi mới phương thức phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục công lập trọng điểm qua hình thức đầu tư công (nguồn không thường xuyên hàng năm).

Nhà nước tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các trường đại học công lập ở một số lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế để thực hiện chính sách quốc gia thông qua cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu công khai, cạnh tranh lành mạnh.

Thứ hai, thống nhất trong quản lý nhà nước về trao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục, phát huy vai trò của Hội đồng Trường trong các cơ sở giáo dục công lập khi triển khai tự chủ theo Luật và gắn trách nhiệm giải trình.

Thứ ba, có các biện pháp phối hợp với các cơ quan quản lý liên Bộ về việc triển khai thực hiện Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung số 34/2018/QH14, để các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện quyền tự chủ không bị vướng mắc trong khi Luật cho phép.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận ở các ngành, các cấp, các đơn vị sự nghiệp và toàn xã hội trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ giáo dục công.

Thứ năm, tạo điều kiện và ủng hộ sự cạnh tranh công bằng cho các trường trong khối ngành sức khỏe, cho hệ thống giáo dục công và tư.

Sự đánh giá và lựa chọn trường học sẽ do xã hội quyết định, phụ huynh học sinh có quyền lựa chọn trường đại học với mức thu học phí tương ứng với chất lượng đào tạo thật sự của các trường đại học, không thực hiện chủ nghĩa bình quân trong chính sách học phí.

Thứ sáu, tạo mọi điều kiện cho các cơ sở giáo dục công lập, đặc biệt là đào tạo khối ngành sức khỏe có đủ nguồn kinh phí, cụ thể là có chính sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật cao, và cho các chuyên ngành sâu đặc thù theo định hướng chiến lược phát triển quốc gia;

Ủng hộ việc xây dựng học phí tính đúng và đủ của các cơ sở giáo dục để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, bao gồm việc phát triển và cải tiến chương trình đào tạo, đầu tư trang thiết bị dạy học, tăng thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên giỏi trong hệ thống giáo dục công lập.

Thùy Linh - Phạm Minh