Bắt đầu tháng 12/2020 thì đa phần các địa phương triển khai việc bồi dưỡng đại trà qua mạng internet về chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho đội ngũ giáo viên phổ thông ở những modul đầu tiên.
Phải thừa nhận một điều là kiến thức bồi dưỡng trực tuyến có phần nặng bởi chẳng hạn như modul 2 được xây dựng theo định hướng kết hợp giữa “trực tuyến” và “trực tiếp” với thời lượng là 12 ngày học trực tuyến và 3 ngày học trực tiếp.
Trong khi, tháng 12/2020 thì giáo viên phải tập huấn 2 modul mà những công việc hàng ngày ở trường lúc này không thay đổi, thậm chí là nặng hơn bởi thời điểm này cũng là lúc các nhà trường đang diễn ra ôn tập, kiểm tra học kỳ cho học trò.
Trong khi đó, Bộ lại cho rằng kiến thức tập huấn không nặng, đây là những kiến thức cũ đã được tập huấn nhiều năm qua. Nếu nói như vậy thì Bộ còn chủ trương đưa những kiến thức cũ vào các modul bồi dưỡng trực tuyến để làm gì?
Nội dung bồi dưỡng trực tuyến hiện nay có phần nặng đối với nhiều giáo viên (Ảnh chụp từ màn hình trang web bồi dưỡng trực tuyến). |
Giáo viên căng mình với việc trường lớp, việc tập huấn
Nhìn lại 2 modul chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà Bộ đã tập huấn cho giáo viên cốt cán ở các địa phương. Sau đó, các nội dung này tiếp tục được triển khai đại trà đến toàn bộ giáo viên phổ thông sẽ thấy sự choáng ngợp về lượng kiến thức đã được Bộ và các trường sư phạm thiết kế.
Modul 1 có 2 nội dung lớn và tất cả các giáo viên sẽ phải tự bồi dưỡng, đó là: chương trình tổng thể và chương trình môn học. Modul 1 được thiết kế mục tiêu của chương trình tổng thể, chương trình môn học với nhiều video và nhiều bài tập khác nhau.
Giáo viên phải đọc chương trình tổng thể, chương trình môn học, xem video, làm bài tập, soạn kế hoạch bài học (giáo án) thì mới được công nhận hoàn thành nội dung tập huấn.
Nếu chưa hoàn thành, hoặc làm không tốt thì không được chấm điểm và cấp trên sẽ gửi email thống kê về các đơn vị yêu cầu giáo viên làm lại. Vì thế, giáo viên bắt buộc phải đọc, xem và làm bài tập đã được thiết kế sẵn trên trang tập huấn trực tuyến qua tài khoản của mình
Đối với modul thứ 2 được xây dựng 40 tiết (16 tiết lý thuyết và 24 tiết thực hành) và chia làm 3 giai đoạn, cụ thể: giai đoạn trực tuyến 1 là 5 ngày; giai đoạn trực tiếp là 3 ngày và giai đoạn trực tuyến 2 là 7 ngày.
Chính vì lượng kiến thức nhiều, thời gian tập huấn được thiết kế nhiều ngày mà trong giai đoạn tháng 12 đa phần giáo viên được bồi dưỡng 2 modul đầu tiên của chương trình mới. Nhưng, giai đoạn này lại trùng với thời điểm ôn tập và kiểm tra học kỳ I.
Giáo viên phải căng mình học tập mới có thể hoàn thành nội dung, kế hoạch mà cấp trên đề ra và hoàn thành công việc trường lớp của mình. Cũng chính vì thế mà nhiều dịch vụ học thuê, làm bài tập thuê được quảng cáo, bán tràn lan trên mạng xã hội.
Bộ Giáo dục nói về nội dung tập huấn như thế nào?
Ngày 7/1/2021, chia sẻ với Báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định: “nội dung giáo viên đang được tập huấn có nhiều cái đã triển khai nhiều năm qua, chính giáo viên cũng đang thực hiện.
Chẳng hạn như thí điểm, áp dụng đại trà, khích lệ giáo viên đổi mới sáng tạo. Giáo viên có tâm lý phải áp dụng "đổi mới" nhiều quá. Bây giờ khi tiếp cận modul tập huấn phương pháp dạy học lại mới nên lo lắng.
Nhưng tựu trung các phương pháp dạy học tích cực đều có điểm chung là tổ chức cho học sinh hoạt động.
Trước đây, giáo viên quen với khái niệm "lý thuyết và bài tập" thì bây giờ tên gọi chỉ khác đi là xây dựng kiến thức mới và luyện tập. Luyện tập ở đây không chỉ là làm bài tập mà là hoạt động thực hành, vận dụng vào thực tế, trải nghiệm...
Giáo viên không bị khuôn cứng vào bài dạy lý thuyết và hướng dẫn bài tập như trong sách giáo khoa mà được giao quyền chủ động lựa chọn các phương pháp khác nhau, hình thức luyện tập khác nhau áp dụng cho học sinh.
Trong quá trình đó, giáo viên cũng thực hiện đổi mới kiểm tra thường xuyên, như hỏi - đáp, chấm sản phẩm học tập. Tôi nghĩ việc này nhiều nhà trường làm rồi, nhiều giáo viên làm tốt rồi.
Nếu chúng ta trao đổi với giáo viên một cách giản dị, ứng với bài dạy thực tế của từng môn học mà các thầy cô đang làm thì tôi tin giáo viên sẽ không thấy khó khăn, mơ hồ". [*]
Nếu nói như ông Nguyễn Xuân Thành thì rõ ràng mọi người cảm thấy việc tập huấn rất nhẹ nhàng bởi việc tập huấn chủ yếu là “cố làm sáng tỏ những gì đã rõ” của thời gian qua mà thôi.
Nhưng thực tế, những gì mà giáo viên đang tập huấn có phải vậy không? Xin thưa rất nhiều điểm mới, nhất là đối với các nhà trường, giáo viên chưa dạy chương trình VNEN.
Và nếu không mới thì chỉ riêng modul 2 giáo viên không phải in ra hơn 126 trang giấy A4 để làm tài liệu bồi dưỡng trực tiếp và phần mềm trực tuyến cũng không dài dằng dặc với rất nhiều video, bài tập như vậy.
Hơn nữa, các trường sư phạm cũng không thiết kế thời lượng học modul này lên đến 12 ngày trực tuyến và 3 ngày trực tiếp!
Bộ và các trường sư phạm nên thiết kế ngắn gọn lại nội dung bồi dưỡng tập huấn
Chúng tôi cho rằng việc bồi dưỡng trực tuyến dù có một số hạn chế nhất định nhưng về cơ bản nó vẫn khá phù hợp với số đông giáo viên. Bởi lẽ, mỗi giáo viên có một tài khoản riêng, có thể học đi, học lại nhiều lần khi rảnh rỗi.
Song, chúng tôi cho rằng Bộ và các địa phương nên điều chỉnh nội dung tập huấn và thời điểm tập huấn cho giáo viên.
Thứ nhất: các modul bồi dưỡng trực tuyến nên thiết kế ngắn gọn lại, chỉ nên tập trung vào những nội dung mới, trọng điểm, thiết thực. Cái gì đã tập huấn cho giáo viên (như lời ông Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì nên lược bỏ.
Bởi, dù Vụ trưởng nói như thế nhưng nội dung bồi dưỡng nào cũng vậy, dù cũ hay mới thì giáo viên cũng phải đọc, phải xem và làm bài tập mới được công nhận hoàn thành.
Thứ hai: phần bài tập khảo sát cũng không cần thiết phải đưa vào từng nội dung bồi dưỡng nhiều như hiện nay bởi mới chỉ có 2 modul mà có đến 4 bài tập khảo sát.
Trong khi, việc khảo sát được thiết kế ở 5 mức: "Hoàn toàn không đồng ý; không đồng ý; đồng ý; hoàn toàn đồng ý; Còn phân vân, chưa quyết định đánh dấu vào mức độ nào".
Với cách hỏi như vậy quá dư thừa vì đố giáo viên nào dám trả lời “Hoàn toàn không đồng ý; không đồng ý”. Trong khi, giáo viên mất nhiều thời gian không cần thiết cho các phần khảo sát.
Thứ ba: Bộ và các địa phương nên lựa chọn thời điểm tập huấn cho phù hợp. Tránh tập huấn vào thời điểm ôn và kiểm tra học kỳ như 2 modul đầu tiên. Khiến cho giáo viên quá tải, áp lực mà hiệu quả tập huấn không cao.
Thứ tư: giảm thời gian bồi dưỡng trực tuyến và tăng thời gian bồi dưỡng trực tiếp lên. Bởi, Bộ và các trường sư phạm bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên cốt cán 3 ngày thì về đến cơ sở chỉ còn có 1 ngày. Trong một ngày bồi dưỡng trực tiếp thì hơn 1 nửa thời gian là giáo viên làm bài tập nhóm và báo cáo..
Hy vọng, từ những tiếng nói của thầy cô giáo ở các cơ sở sẽ được Bộ và các Sở Giáo dục lắng nghe, điều chỉnh nội dung, thời gian, thời điểm tập huấn cho phù hợp đối với những modul tiếp theo nhằm giúp cho giáo viên lĩnh hội được kiến thức của chương trình mới một cách tốt nhất.
Tài liệu tham khảo:
[*] https://tuoitre.vn/vua-day-vua-tap-huan-kin-mit-tuan-thay-co-giao-than-khong-con-suc-20210107090444108.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.