Sửa thông tư về dạy thêm học thêm, Bộ nên giữ lại điều này

10/01/2021 06:30
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thông tư về dạy thêm, học thêm được bổ sung thì khoản b điều 4 không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa cần giữ lại.

Ngày 26 tháng 8 năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.

Một hoạt động dạy thêm, học thêm ở Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: P.L)Một hoạt động dạy thêm, học thêm ở Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: P.L)

Từ đó đến nay, nhiều trường học, nhiều cơ sở giáo dục vẫn đang chờ đợi những hướng dẫn mới nhất về các quy định dạy thêm, học thêm từ Bộ Giáo dục.

Tuy thế, tình trạng dạy thêm học thêm hiện nay ở nhiều địa phương vẫn diễn ra một cách sôi nổi trước sự bức xúc của dư luận xã hội.

Hiện vẫn có 2 luồng quan điểm trái ngược nhau. Người cho rằng, học thêm là nhu cầu của học sinh, phụ huynh. Người lại nói rằng vì sự thúc ép của giáo viên, vì sợ con mình bị để ý nên buộc phải cho các con đi học thêm. Đây là kiểu học thêm bắt buộc trên danh nghĩa tự nguyện.

Những ai có nhu cầu học thêm?

Thường thì có 2 nhóm đối tượng có nhu cầu học thêm, đó là những học sinh giỏi xuất sắc và những học sinh có lực học yếu kém.

Vì sao học sinh giỏi xuất sắc lại phải học thêm? Những học sinh này kiến thức trong sách giáo khoa đối với các em gần như không cần đến thầy cô giáo dạy. Các em chỉ đọc qua đã nắm chắc những kiến thức cơ bản.

Đi học thêm, các em chủ yếu muốn học những kiến thức nâng cao mà sách giáo khoa không có và thầy cô giáo cũng không có thời gian dạy trên lớp.

Cũng cần nói thêm rằng, không phải thầy cô giáo nào cũng có khả năng dạy những kiến thức nâng cao như thế.

Những em này đi học thêm sẽ tự mình tìm giáo viên phù hợp và tìm bạn học nhóm cùng trình độ với mình.

Nhóm thứ hai cần học thêm là những em có lực học yếu kém. Ở trên lớp, thầy cô phải dạy và kèm vài chục học sinh nên cũng chẳng thể có thời gian để kèm riêng những học sinh này.

Đi học thêm, giáo viên sẽ dạy lại những kiến thức học sinh nắm chưa chắc và chuẩn bị luôn bài học ngày hôm sau.

Nhu cầu học thêm chủ yếu 2 nhóm đối tượng vậy thì tại sao lại loạn học thêm?

Nguyên do dẫn đến học thêm tràn lan như hiện nay chính là do giáo viên dạy chính học sinh của mình đang dạy chính khóa.

Chúng tôi không nói tất cả vì vẫn còn nhiều thầy cô giáo dạy học bằng cái tâm của mình nên không bao giờ ép học sinh phải học thêm. Còn những giáo viên dạy thêm vì tiền sẽ tìm mọi cách để lùa học sinh đi học thêm.

Khi thầy cô giáo muốn sẽ có vô vàn cách để học sinh không muốn đi học thêm cũng phải đến lớp. Những học sinh này thường có lực học yếu, kém, muốn học để đạt học lực trung bình.

Học sinh trung bình đi học thêm để mong đạt điểm khá còn học sinh khá đi học để mong điểm giỏi đạt danh hiệu khen thưởng.

Vậy là, sĩ số lớp học 50 em có khi đi học thêm tới hơn 40 em. Nhờ đi học thêm nên điểm số được cải thiện rõ rệt đôi khi là điểm ảo.

Cấm tuyệt đối giáo viên dạy học sinh của mình tình trạng học thêm sẽ hạ nhiệt?

Thông tư số: 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định dạy thêm, học thêm đã nhấn mạnh trong Điều 4 các trường hợp không được dạy thêm:

b/ Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Tuy thế, cấm cứ cấm mà giáo viên dạy vẫn cứ dạy. Những thầy cô giáo dạy những môn mũi nhọn như toán, Anh văn và một số giáo viên dạy lý, hóa…dạy thêm chủ yếu là dạy học sinh chính khóa của mình.

Nếu không dạy học sinh chính khóa sẽ không có nhiều học sinh tìm học. Bởi, giáo viên được học sinh tìm học phải là những thầy cô giáo rất giỏi, có uy tín với học sinh và phụ huynh.

Có những phụ huynh chấp nhận chở con một tuần 2 buổi đi hai chục cây số để tìm thầy cô giáo mình ưng ý.

Vì thế, dù thông tư về dạy thêm, học thêm có được bổ sung các điều khoản thì khoản b điều 4 cần được giữ lại.

Cùng với đó là sự kiểm tra thật nghiêm khắc của nhà trường, của cơ quan chức năng thì chắc chắn tình trạng dạy thêm, học thêm sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất.

Thảo Ly