Học sinh hỏi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tương lai nghề nào sẽ không còn tồn tại

12/01/2021 14:02
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những ngành nghề mới, triển vọng của từng nghề trong tương lai, hành trang bước vào thời đại 4.0 là những băn khoăn mà học sinh gửi đến Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Ngày 11/01/2021, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (Quốc Oai , Hà Nội) đã tổ chức buổi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Hơn 1.500 học sinh của Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú say sưa lắng nghe, vỗ tay tán thưởng trước những chia sẻ, câu chuyện ý nghĩa của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Chọn nghề, khởi nghiệp đừng lo sợ thất bại

Mặc dù thời tiết Hà Nội có lúc xuống dưới 10 độ C nhưng hành trình "truyền lửa" của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chưa bao giờ làm không khí cả sân trường thôi rạo rực. Đặc biệt, các em học sinh liên tục đặt những câu hỏi về khởi nghiệp trong thời đại số hóa dành cho giáo sư.

Hơn 1500 học sinh say sưa với những câu chuyện khởi nghiệp thời đại 4.0 của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Phạm Minh)

Hơn 1500 học sinh say sưa với những câu chuyện khởi nghiệp thời đại 4.0 của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Phạm Minh)

Tại buổi hội thảo, em Nguyễn Ánh Dương, học sinh lớp 12A9 chia sẻ băn khoăn của bản thân: "Thưa giáo sư, trong 50 năm nữa, những ngành nghề nào có thể sẽ không còn tồn tại, ngành nghề nào có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất".

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết: "Trong tương lai, robot có thể thay thế con người làm rất nhiều việc. Tuy nhiên, cũng có những ngành nghề robot không thể làm thay con người.

Một số nghề có thể tương lai không còn tồn tại như nghề bán thuốc, nghề luật sư, nghề lái xe. Hiện tại đã có xe tự hành hoạt động ở một số quốc gia. Người máy luật sư có thể làm việc giỏi hơn cả con người,...

Tuy nhiên, để robot có thể thay thế con người làm nhiều việc như vậy còn cần rất nhiều thời gian. Ví dụ, hệ thống giao thông ở Việt Nam như hiện tại thì xe tự hành sẽ không thể hoạt động.

Chính vì vậy, cơ hội nghề nghiệp của các em rất nhiều, các em cần phải học hỏi, học tập để trở thành những công dân toàn cầu.

Tuy nhiên, có 3 ngành nghề hiện nay gần như robot đã thay thế hoạt động của con người, đó là ngành dệt may, ngành giày da, ngành lắp ráp điện tử. Các em phải có những hiểu biết về ngành nghề thời đại 4.0 để chọn con đường tốt nhất cho mình".

Học sinh hỏi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng ngành nghề có tỷ lệ thất nghiệp thấp trong tương lai (Ảnh: Phạm Minh)

Học sinh hỏi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng ngành nghề có tỷ lệ thất nghiệp thấp trong tương lai (Ảnh: Phạm Minh)

Cô Nguyễn Minh Xuyến, giáo viên môn Công nghệ cũng đã gửi câu hỏi đến Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: "Thưa giáo sư, nhiều em học sinh có định hướng sẽ đi xuất khẩu lao động hoặc mở gara ô tô, tuy nhiên, những định hướng của các em lại mâu thuẫn với mong muốn của gia đình, thầy có thể đưa ra lời khuyên cho các em không ạ".

Theo chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, trong thời đại công nghiệp 4.0, các em học tập để trở thành người tự do, để làm chủ cuộc đời mình.

Các em có thể tham khảo, lắng nghe ý kiến của bố mẹ, thầy cô nhưng các em cần quyết định việc mình là ai, mình sẽ trở thành người như thế nào, mình phải quyết định cuộc đời mình.

Hãy lắng nghe bản thân nhiều hơn, rất nhiều ngành nghề có tương lai, miễn sao các em cố gắng hết mình, không ngại thử thách, không từ bỏ khi thất bại.

Học sinh Lương Thế Phong tiếp tục đặt câu hỏi: "Thưa giáo sư, chúng ta phải làm gì khi đã cố gắng hết sức nhưng vẫn thất bại, vẫn không đạt được ước mơ của mình"?

Để trả lời câu hỏi này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã kể cho các em học sinh nghe câu chuyện của Thomas Alva Edison - nhà sáng chế với 10.000 lần thất bại để mang đến ánh sáng cho nhân loại.

Edison đã thất bại hơn 10.000 lần trước khi phát minh ra bóng đèn, nhưng ông không bao giờ gọi đó là thất bại, mà xem đó như những cơ hội để học hỏi. Ông nói rằng: "Tôi không thất bại. Tôi chỉ là đã tìm ra 10.000 cách không hoạt động".

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng muốn gửi gắm đến các em: Quan trọng là chúng ta nhìn vào thất bại của bản thân bằng thái độ như thế nào. Thất bại không đáng sợ như các em vẫn nghĩ, chỉ cần các em có quyết tâm, không chùn bước thì sẽ thành công.

Cũng giống như nhà bác học tài năng Thomas Alva Edison, bóng đèn chỉ là 1 sáng chế trong hàng ngàn sáng chế vĩ đại khác của ông.

Phần giao lưu chia sẻ giữa Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và học sinh diễn ra rất sôi nổi (Ảnh: Phạm Minh)

Phần giao lưu chia sẻ giữa Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và học sinh diễn ra rất sôi nổi (Ảnh: Phạm Minh)

Bên cạnh đó, các em học sinh Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú đã chia sẻ những thắc mắc của mình về nhiều ngành nghề như Thương mại điện tử, Ngành Luật, Sửa chữa ô tô, kinh doanh,...

Nói về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã cho các em học sinh một cái nhìn toàn cảnh về những sự phát triển bứt phá của thế giới nhờ cuộc cách mạng này.

Đó là sự xuất hiện của Robot, nó làm đủ công việc cho con người, robot làm tiếp tân, phục vụ, robot đánh cờ, chơi bóng bàn, robot làm luật sư, phóng viên, thậm chí là robot làm những công việc nguy hiểm như dò mìn,...

Đó còn là trí tuệ nhân tạo (AI), là Vạn vật kết nối (IOT), là công nghệ sinh sản vô tính, là dữ liệu lớn (Big Data), xe tự hành, máy bay không người lái, máy in 3D có khả năng in nhà cửa, linh kiện điện tử,...

Vô vàn những sản phẩm của công nghệ đã xuất hiện và làm thay đổi thế giới. Chúng ta không chỉ có những chiếc điện thoại thông minh mà sẽ có thành phố thông minh, ngôi nhà thông minh, trang trại thông minh,... Tất cả đều nhờ vào thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Kết thúc buổi hội thảo, Thầy giáo Nguyễn Thanh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú đã thay mặt các em học sinh và Ban giám hiệu nhà trường gửi lời cảm ơn đến Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Thầy Tuấn gửi lời cảm ơn đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo mang đến cho thầy cô và các em học sinh nhà trường nhiều bài học ý nghĩa để chuẩn bị hành trang bước vào thời đại 4.0.

Ban giám hiệu Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú tặng hoa và gửi lời cảm ơn đến Gi áo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Phạm Minh)

Ban giám hiệu Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú tặng hoa và gửi lời cảm ơn đến Gi áo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Phạm Minh)

Đẩy mạnh ứng dụng thông tin vào công tác quản lý và dạy học

Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú được thành lập từ năm 2018. Mặc dù là một ngôi trường còn non trẻ nhưng đã có sự nỗ lực vươn lên trong công tác dạy và học.

Hiện tại trường có 1509 học sinh với 24 phòng học , 5 phòng bộ môn.

Ngay từ năm học 2018 – 2019 nhà trường đã triển khai xây dựng hệ thống học và thi trực tuyến. Hệ thống hiện đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm trên nền Web và trên ứng dụng di động cả hệ điều hành Androd và IOS.

Hệ thống này bao gồm ngân hàng câu hỏi môn toán của cả 3 khối lớp có cả hướng dẫn giải chi tiết và phân loại câu hỏi theo 04 mức độ, hệ thống cho phép học sinh lựa chọn bài học phù hợp với năng lực của mình. Ngoài ra hệ thống còn gồm các bài giảng trực tuyến do các thầy cô nhà trường tự quay.

Năm học 2019 – 2020 cũng là năm đầu tiên nhà trường triển khai lớp học trực tuyến trên hệ thống MS Teams của Office 365 của hãng Microsoft.

Toàn bộ giáo viên, học sinh nhà trường được cấp tài khoản học trực tuyến, đồng thời được nhóm tin tập huấn hướng dẫn sử dụng thành thạo. Trong đợt dịch Covid 19, nhà trường đã tận dụng triệt để lớp học trực tuyến để truyền đạt nội dung kiến thức cho học sinh đồng thời cũng là kênh để tuyên truyền tới học sinh cách phòng, chống virut Corona.

Bên cạnh đó, trường còn tổ chức các chuyên đề giúp học sinh có cơ hội trải nghiệm thực tế với những điều mình đã được học lý thuyết như chuyên đề: Vật lý ứng dụng của nhóm vật lý, tìm hiểu các nhà Toán học của nhóm Toán, bảo mật thông tin trong thời đại công nghệ 4.0 của nhóm Tin học…

Các cuộc thi như: Lớp học thông thái, đường lên đỉnh Olympia, dịch vụ công trực tuyến, tìm hiểu pháp luật, lịch sử Việt Nam…cũng được trường tổ chức để tạo sân chơi cho các em học tập và phát triển.

Nhà trường cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và quản lí các hoạt động chuyên môn; quản lý kết quả học tập của học sinh; tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và cộng đồng. qua các bài giảng, giáo án điện tử, câu lạc bộ, lớp học thông minh.

Việc tổ chức nhiều hoạt động thiết thực cũng được đẩy mạnh, giúp cán bộ giáo viên, công nhân viên nhà trường có điều kiện nâng cao chuyên môn; học sinh có môi trường rèn luyện bản thân, được tham gia nhiều hoạt động có ý nghĩa góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân với gia đình, nhà trường và xã hội.

Trường cũng tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động gia tâm giúp sức góp phần gìn giữ bảo vệ di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chùa thầy. Hoạt động được phụ huynh và học sinh nhiệt tình hưởng ứng, các trò cảm thấy vui và tự hào vì những gì mình đã làm được đã đóng góp được cho quê hương.

Một số hình ảnh tại buổi Hội thảo "Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0" tại Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát:

Quang cảnh buổi hội thảo (Ảnh: Phạm Minh)

Quang cảnh buổi hội thảo (Ảnh: Phạm Minh)

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng vẫy tay chào học sinh bằng cử chỉ thân mật, gần gũi (Ảnh: Phạm Minh)

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng vẫy tay chào học sinh bằng cử chỉ thân mật, gần gũi (Ảnh: Phạm Minh)

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và hành trình "truyền lửa" tại Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (Ảnh: Phạm Minh)

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và hành trình "truyền lửa" tại Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (Ảnh: Phạm Minh)

Buổi hội thảo là cơ hội để học sinh chia sẻ những băn khoăn về việc chọn ngành nghề trong tương lai (Ảnh: Phạm Minh)

Buổi hội thảo là cơ hội để học sinh chia sẻ những băn khoăn về việc chọn ngành nghề trong tương lai (Ảnh: Phạm Minh)

Học sinh say sưa, thích thú với những câu chuyện truyền cảm hứng của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Phạm Minh)

Học sinh say sưa, thích thú với những câu chuyện truyền cảm hứng của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Phạm Minh)

Các em học sinh nhận được nhiều lời khuyên ý nghĩa và chuẩn bị hành trang để nhập cuộc với làn sóng công nghiệp 4.0 (Ảnh: Phạm Minh)

Các em học sinh nhận được nhiều lời khuyên ý nghĩa và chuẩn bị hành trang để nhập cuộc với làn sóng công nghiệp 4.0 (Ảnh: Phạm Minh)

Học sinh Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú vui vẻ giao lưu chia sẻ cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Phạm Minh)

Học sinh Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú vui vẻ giao lưu chia sẻ cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Phạm Minh)

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng ký tặng sach cho học sinh (Ảnh: Phạm Minh)

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng ký tặng sach cho học sinh (Ảnh: Phạm Minh)

Học sinh chụp ảnh kỷ niệm cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Phạm Minh)

Học sinh chụp ảnh kỷ niệm cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Phạm Minh)

Thầy cô giáo lưu giữ khoảnh khắc kỷ niệm bên Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Phạm Minh)

Thầy cô giáo lưu giữ khoảnh khắc kỷ niệm bên Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Phạm Minh)

Buổi hội thảo là trải nghiệm ý nghĩa và đáng nhớ dành cho các em học sinh (Ảnh: Phạm Minh)

Buổi hội thảo là trải nghiệm ý nghĩa và đáng nhớ dành cho các em học sinh (Ảnh: Phạm Minh)

Chuỗi Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước tổ chức.

Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh các trường.

Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi Hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Các nhà trường có thể đăng ký qua số điện thoại đường dây nóng: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777. Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.

Phạm Minh