Covid 19, khối lượng công việc của nữ giảng viên 8X tăng lên gấp đôi

15/01/2021 06:59
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phóng viên biết có những giảng viên làm không hết việc trong giai đoạn Covid-19 vì khối lượng công việc tăng lên gấp đôi so với năm trước.

Tình hình dịch Covid-19 đã làm đảo ngược tình thế ở tất cả mọi lĩnh vực trong đó có giáo dục, cụ thể là việc phải chuyển từ hình thức dạy – học trực tiếp sang trực tuyến. Đặc biệt, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2020 là hơn 1,2 triệu người, tăng 148,2 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019.

Ấy thế mà phóng viên biết có những giảng viên làm không hết việc trong giai đoạn Covid-19 vì khối lượng công việc tăng lên gấp đôi so với năm trước.

Người mà chúng tôi đang nhắc đến chính là Tiến sĩ Vũ Kim Ngân – giảng viên bộ môn Pháp luật thương mại quốc tế thuộc Khoa luật, trường Đại học Ngoại thương và là giảng viên thỉnh giảng môn Luật kinh doanh so sánh và Luật châu Âu, trường Đại học Thương mại Bocconi, Milan, Ý.

Để gặp gỡ trao đổi được với giảng viên này, tôi phải chờ chị bố trí vào sau Tết dương lịch bởi mọi công việc đều dồn vào những ngày cuối năm, rất bận rộn.

Nhiều thách thức trong tổ chức dạy – học trực tuyến

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Kim Ngân cho biết, khi dịch Covid-19 xảy ra, kể cả trường Đại học Ngoại thương hay trường Đại học Thương mại Bocconi đều chuyển sang hình thức dạy – học trực tuyến.

Có nhiều cách dạy – học trực tuyến, và Trường Đại học Ngoại thương chọn cách giảng dạy online ngay trên nền tảng công nghệ chứ không phải thu hình hay ghi âm trước, tuy vậy, vì đây vẫn là hình thức học tập mới nên lạ lẫm với cả sinh viên và giảng viên.

Tiến sĩ Vũ Kim Ngân (ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Vũ Kim Ngân (ảnh: NVCC)

Đặc biệt, muốn học online thì đòi hỏi sinh viên phải có máy tính, điện thoại kết nối internet trong khi nhiều sinh viên chưa chuẩn bị kịp.

Bởi thời điểm bắt đầu dạy online đúng ngay sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán 2020 nên nhiều em không mang máy tính về, còn điện thoại sóng 4G không ổn định để học trực tuyến, nhất là đối với các em ở nông thôn thì gặp nhiều khó khăn về vấn đề thiết bị công nghệ và đường truyền.

Cũng vì lẽ đó, giảng viên và sinh viên dạy-học online "ít" thấy mặt nhau hơn do việc yêu cầu toàn bộ sinh viên bật camera có thể khiến bài giảng bị đứt gãy, vì các tài khoản nhiều khi bị đăng xuất và liên tục phải đăng nhập lại.

Thời điểm đó, câu hỏi chọn nền tảng nào cũng khiến nhiều giảng viên “đau đầu” bởi mỗi lựa chọn như Zoom, Teams của Microsoft hay Google Meet kết hợp Google Classroom đều sẽ có những ưu, nhược điểm riêng. Cân đong đo đếm, cuối cùng, cô Ngân chọn nền tảng Microsoft Teams bởi tính năng tích hợp được nội dung giảng, giảng bài được xuyên suốt và không bị đứt gãy bởi thời gian.

Cô Ngân chia sẻ, mọi năm, khi chưa có Covid-19, cô vẫn sang trường Đại học Bocconi- thành phố Milan để giảng dạy, nhưng đến năm 2020 thì phải dạy online tại nhà. Trường thống nhất sẽ sử dụng những bài giảng ghi hình trước, tức là bản thân giảng viên phải tự ghi hình rồi chuyển lên nền tảng Blackboard của trường, sau đó sinh viên sẽ đăng nhập vào để xem bài giảng với số lần không hạn chế.

Vì có nền tảng ghi hình tương đối tốt tức là vừa ghi được khuôn hình của giảng viên vừa chiếu được slide rất rõ ràng, ổn định về tiếng nên các loại video, clip hay tương tác với sinh viên khá thuận tiện.

Nghiên cứu sinh Vũ Kim Ngân trong buổi lễ bảo vệ luận án tiến sĩ (ảnh: NVCC)

Nghiên cứu sinh Vũ Kim Ngân trong buổi lễ bảo vệ luận án tiến sĩ (ảnh: NVCC)

Ngoài ra, mỗi tuần học sẽ có 1-2 buổi ôn tập, giảng viên sẽ xếp lịch trên Blackboard để gặp sinh viên và giải đáp tất cả những câu hỏi, thắc mắc liên quan đến bài học trong tuần đó.

Khi tình hình dịch Covid-19 ở châu Âu phức tạp và nghiêm trọng, mà Milan lại là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất ở châu Âu, trường Đại học Bocconi đã chuyển sang sử dụng hình thức thi trực tuyến do phần lớn các sinh viên nước ngoài đã về nước và bị hạn chế đi lại.

Để tổ chức thi trực tuyến, đội ngũ hỗ trợ của nhà trường đã hướng dẫn hết cho giảng viên cách trông thi, cách ra đề online ra sao, chấm thi thế nào?

"Dự kiến, trong thời gian tới công việc sẽ nhiều hơn nữa vì hình thức trực tuyến hiện vẫn tiếp tục được duy trì ở nhiều nơi”, Tiến sĩ Vũ Kim Ngân (ngoài cùng bên phải) tiết lộ.(ảnh: NVCC)

"Dự kiến, trong thời gian tới công việc sẽ nhiều hơn nữa vì hình thức trực tuyến hiện vẫn tiếp tục được duy trì ở nhiều nơi”, Tiến sĩ Vũ Kim Ngân (ngoài cùng bên phải) tiết lộ.(ảnh: NVCC)

Phải nói rằng, việc chuyển sang hình thức dạy học online bước đầu là thách thức với giảng viên bởi nó đòi hỏi thầy cô phải nghiên cứu cách sử dụng các nền tảng trực tuyến như học cách làm Zoom thế nào, xây dựng bài giảng trên Teams ra sao, cách tương tác trên Blackboard, cách ra đề thi hay thậm chí trông thi và chấm thi trực tuyến như thế nào…

“Đó là những thách thức đòi hỏi chúng tôi phải học hỏi rất nhiều, riêng lần đầu tiên quay của tôi mất nguyên ngày vì phải quay đi quay lại rất nhiều lần, lúc thì do nặng tiếng, lúc lại do nặng hình, lúc thì đường truyền không ổn định”, Tiến sĩ Vũ Kim Ngân chia sẻ những thách thức khi chuyển sang hình thức dạy học online.

Qua những chia sẻ của cô Ngân cho thấy, việc chuyển sang dạy trực tuyến đặt ra những thách thức nhưng là vô cùng cần thiết, bởi nếu không chuyển sang dạy online thì hoạt động dạy và học sẽ khó có thể được duy trì trong bối cảnh dịch Covid diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng mở ra cơ hội đẩy nhanh quá trình số hóa mọi thứ, khiến cho xu hướng dạy-học trực tuyến bùng nổ và đến gần hơn so với dự kiến.

Khối lượng công việc tăng lên gấp đôi

Thách thức là vậy nhưng cũng mở ra không ít cơ hội cho Tiến sĩ Vũ Kim Ngân bởi cô có thể liên tục tham gia các dự án, hội thảo, toạ đàm với tổ chức nước ngoài dù chỉ … ngồi nhà, do phần lớn các chương trình này hiện đã chuyển sang hình thức trực tuyến dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tiến sĩ Vũ Kim Ngân chụp ảnh cùng sinh viên (ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Vũ Kim Ngân chụp ảnh cùng sinh viên (ảnh: NVCC)

“Năm 2020 số lượng dự án, hội thảo mà tôi tham dự tăng lên một cách đáng kể so với năm 2019 vì các tổ chức quốc tế đó họ đều chuyển sang tổ chức hội thảo, toạ đàm, thậm chí họp trực tuyến. Dự kiến, trong thời gian tới công việc sẽ nhiều hơn nữa vì hình thức trực tuyến hiện vẫn tiếp tục được duy trì ở nhiều nơi”, Tiến sĩ Vũ Kim Ngân tiết lộ.

Đến nay tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đã được kiểm soát tương đối do đó công việc giảng dạy ở Trường Đại học Ngoại thương đã đi vào quỹ đạo như trước. Tuy nhiên ở Ý, nơi cô Ngân làm giảng viên thỉnh giảng, Trường Đại học Bocconi đã thông báo hình thức học online vẫn tiếp tục được tiến hành, có thể song song với hình thức học trực tiếp trên lớp, tuỳ điều kiện và diễn biến của dịch Covid-19.

Sự bận rộn không chỉ đến từ việc tham dự nhiều hội thảo, chương trình mà theo cô Ngân chia sẻ: “Covid khiến tôi bận hơn bình thường vì soạn bài, ghi âm, ghi hình bài giảng mất nhiều thời gian, slide phải điều chỉnh lại vì slide dạy trực tuyến cần cụ thể hơn, chi tiết hơn. Trong khi đó, bài giảng nhiều nội dung hơn, nhiều tình huống hơn, nhiều hoạt động nhỏ tương tác với sinh viên hơn nhằm thu hút sự chú ý của sinh viên để “giữ chân” các em trong bài giảng.

Ngoài ra, tôi có thêm rất nhiều dự án quốc tế, công việc tăng lên gấp đôi so với trước năm 2019, đặc biệt ở 6 tháng cuối năm khi các cơ sở quyết định làm online thì thư mời, thư chào đến liên tục, dồn dập, “phải nói rằng, 6 tháng cuối năm 2020 tôi trở tay không kịp”, cô Ngân nói.

Được biết, hiện nay, Tiến sĩ Vũ Kim Ngân còn là giảng viên thỉnh giảng của một số cơ sở đào tạo trong nước như Học viện Tư pháp, Học viện Ngân hàng, Đại học Kinh tế quốc dân...

Là sinh viên chuyên ngành Luật kinh doanh quốc tế, ngành quản trị kinh doanh của Trường Đại học Ngoại thương khóa 2004-2008, sau khi tốt nghiệp đại học, cô Ngân trở thành trợ giảng của Trường.

Làm trợ giảng hơn 1 năm thì cô Ngân giành học bổng toàn phần đi du học thạc sĩ ngành Luật kinh tế quốc tế ở Thụy Sỹ. Có bằng thạc sĩ, cô Ngân tham gia làm chuyên viên tư vấn dạng hợp đồng cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 2011-2013.

Sau khi kết thúc hợp đồng, cô Ngân giành học bổng toàn phần sang Ý học tiến sĩ tại trường Đại học Thương mại Bocconi. Trong quá trình làm nghiên cứu sinh, cô tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu và trợ giảng cho các giáo sư; sau khi kết thúc khóa học và bảo vệ tiến sĩ vào tháng 1/2018, cô trở thành giảng viên thỉnh giảng của Trường từ đó đến nay.

Thùy Linh