Giáo viên viết nhận xét mỏi tay chỉ để đủ thủ tục, học sinh không được đọc

17/01/2021 07:44
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh sẽ không đọc được phần nhận xét của giáo viên- cho dù các em mua dịch vụ tin nhắn điện tử cũng chỉ được thông báo điểm số chứ không có phần nhận xét.

Đầu năm học 2020-2021 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐ.

Ngay sau khi các đơn vị triển khai việc thực hiện Thông tư này thì tác giả Nguyễn Nguyên đã có bài viết Quy định mới làm tăng áp lực sổ sách với giáo viên như thế nào? đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 11/11/2020.

Ngày 13/1/2021, tác giả Đỗ Quyên tiếp tục chủ đề này với bài viết Giáo viên trung học vật vã với việc đánh giá học sinh bằng nhận xét.

Giáo viên vừa phải nhận xét trên phần mềm vừa phải viết vào sổ theo dõi rất mất thời gian nhưng gần như chẳng phát huy được tác dụng (Ảnh: Kim Oanh)

Giáo viên vừa phải nhận xét trên phần mềm vừa phải viết vào sổ theo dõi rất mất thời gian

nhưng gần như chẳng phát huy được tác dụng (Ảnh: Kim Oanh)

Cả hai bài viết đều có một lượng người đọc rất lớn và nhiều giáo viên cũng đã phản hồi , đồng tình với nội dung các bài viết về việc đánh giá học sinh kết hợp giữa điểm số ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông sẽ có nhiều áp lực và khó có hiệu quả.

Và, sự thực những gì đang diễn ra ở các nhà trường đã thể hiện những hạn chế này.

Việc đánh giá bằng nhận xét đang hình thức, chưa phát huy được tác dụng

Tại Khoản 1, Điều 1 của Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Điểm b, Khoản 1, Điều 1 như sau:

“b) Kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số đối với các môn học còn lại:

- Đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

- Đánh giá bằng điểm số kết quả thực hiện các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng đối với môn học quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành…".

Như vậy là chỉ trừ các môn Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật ra thì từ năm học 2020-2021 đã kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số đối với tất cả các môn học còn lại.

Thời điểm này thì học kỳ I đầu tiên đã đi qua, nhìn lại việc nhận xét của giáo viên dù tốn rất nhiều công sức nhưng thực tế nó chưa mang lại hiệu quả, thậm chí cũng chẳng có ai đọc những nhận xét của giáo viên bộ môn làm gì!

Bởi, các trường học yêu cầu giáo viên đánh giá học sinh bằng điểm số theo quy định và ghi vào sổ điểm cá nhân, nhập vào phần mềm điện tử, ghi vào sổ học bạ điểm trung bình môn.

Ngoài ra, giáo viên phải có sổ theo dõi đánh giá bằng nhận xét để ghi bằng chữ và nhập nhận xét vào phần mềm của điểm điện tử.

Thế nhưng, giáo viên nhận xét vào sổ theo dõi thì cũng chỉ là nhận xét… cho vui, nhập vào phần mềm thì cũng chỉ là nhập cho có theo quy định.

Học sinh sẽ không đọc được phần nhận xét của giáo viên- cho dù là học sinh mua dịch vụ tin nhắn điểm điện tử cũng chỉ được báo về điểm số chứ phần nhận xét là không có.

Học bạ hiện nay cũng không có phần ghi nhận xét cho giáo viên bộ môn mà chỉ có phần nhận xét cho giáo viên chủ nhiệm.

Vì thế, giáo viên bộ môn cũng là ghi cho có theo quy định chứ Ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm cũng hơi sức đâu mà đọc hết mười mấy môn học của học sinh cả lớp, cả trường.

Hơn nữa, đọc cũng có tác dụng gì đâu vì đó đều là những lời phê na ná như nhau bởi Thông tư 26 đã hướng dẫn: “nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh” nên giáo viên không được chê mà chỉ có khen học trò.

Chỉ nên quy định giáo viên chủ nhiệm nhận xét là đủ

Hiện nay, giáo viên cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đang dạy rất nhiều lớp theo quy định. Môn nhiều tiết nhất là môn Ngữ văn và Toán thì giáo viên cũng phải dạy từ 4-5 lớp.

Các môn khác đa phần dạy trên dưới 10 lớp, thậm chí môn Giáo dục công dân thì giáo viên cấp Trung học cơ sở dạy 19 lớp, trung học phổ thông dạy 17 lớp. Mỗi lớp trung bình 45 học sinh, mỗi tuần 1 tiết/ lớp thì tên học sinh giáo viên còn không nhớ làm sao mà nhận xét chính xác được.

Vì thế, nhận xét may ra chỉ chính xác được với những em học giỏi, tích cực xây dựng bài. Số còn lại, đa phần học sinh còn lại là nhận xét theo cảm tính và bám vào điểm số để nhận xét.

Nhận xét xong cũng chẳng để làm gì nhưng mất thời gian rất nhiều. Cho dù nhận xét trên phần mềm thì có thể coppy những câu nhận xét rồi dán vào cho từng học sinh nhưng nhận xét vào sổ thì bắt buộc giáo viên phải viết tay.

Nhưng, những em không tiến bộ, thậm chí học yếu xuống thì ghi cái gì? Trong khi Ban giám hiệu hướng dẫn là không được chê học trò. Thành ra những lời nhận xét vừa vừa không chính xác vừa vô bổ.

Nên chăng, Bộ cần nghiên cứu lại việc yêu cầu nhận xét, đánh giá học sinh theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông hiện nay để giảm tải cho giáo viên.

Chúng tôi thấy rằng, chỉ nên yêu cầu giáo viên chủ nhiệm có thêm đánh giá bằng nhận xét để giảm áp lực cho giáo viên bộ môn bởi 2 cấp học này thì gần như giáo viên nào cũng phải kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm lớp, áp lực vô cùng mỗi khi cuối kỳ, cuối năm học.

Chỉ nên yêu cầu giáo viên chủ nhiệm đánh giá nhận xét học sinh bởi một lý do giản đơn là họ có điều kiện gần gũi học sinh hơn, đánh giá chính xác hơn và điều quan trọng là những nhận xét đó được ghi học bạ và xếp hạnh kiểm cho học trò.

Giáo viên bộ môn chỉ nên là người tham gia góp ý, đề nghị nâng lên, hạ xuống một số trường hợp học sinh khi mà lớp, giáo viên chủ nhiệm xếp hạnh kiểm học trò.

Suy cho cùng, những lời nhận xét của giáo viên bộ môn chỉ là nhận xét cho có, không hề có tác dụng gì thì nhận xét làm gì cho lãng phí thời gian?

KIM OANH