Trách nhiệm Sở Giáo dục ở đâu khi gần 500 trung tâm ở Sài Gòn hoạt động "chui"?

31/01/2021 06:25
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để gần 500 trung tâm hoạt động không phép, cần làm rõ trách nhiệm thuộc về ai? Chỉ rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm đối với những người để lọt lưới các trung tâm này.

Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố danh sách 494 trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn hoạt động không phép, trong đó có 253 trung tâm đã có phép thành lập nhưng chưa đăng ký hoạt động giáo dục, 241 trung tâm phép hoạt động hết hạn nên phải gia hạn.

Điều này khiến nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng về chất lượng đào tạo của những trung tâm này. Bên cạnh đó, sự việc này còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của học viên khi những trung tâm mình đang theo học bỗng nhiên bị đóng cửa.

Chia sẻ vấn đề này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm vụ việc này thuộc về ai? Phải chỉ rõ nguyên nhân để xảy ra tình trạng đó, đồng thời phải xử lý cơ quan, cá nhân đã để lọt lưới tới gần 500 trung tâm không phép, hoạt động chui.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cho rằng cần làm rõ trách nhiệm trong vụ việc gần 500 trung tâm hoạt động không phép (Ảnh: Cao Kim Anh)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cho rằng cần làm rõ trách nhiệm trong vụ việc gần 500 trung tâm hoạt động không phép (Ảnh: Cao Kim Anh)

Phó Giáo sư Bùi Thị An nêu quan điểm: "Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh phát hiện ra sai sót và công bố danh sách những trung tâm hoạt động không phép tôi hoan nghênh.

Tuy nhiên, các đồng chí cũng cần phải xem xét lại trong quá trình quản lý, khâu nào yếu kém để xảy ra tình trạng này.

Trung tâm hoạt động không phép có nghĩa là không kiểm chứng được chất lượng. Chính điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người học, ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra. Kể cả đầu vào, khi không có sự kiểm duyệt, trung tâm làm sai các quy định, tiêu chí, nâng cao chi phí,... sẽ rất thiệt thòi cho học viên".

Giáo dục ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và thành phố nói riêng, ảnh hưởng đến toàn xã hội và mọi người dân nên cần xử lý nghiêm sai phạm trong lĩnh vực này.

"Rà soát lại chuỗi quản lý, tìm rõ trách nhiệm thuộc về ai, cấp địa phương hay cơ sở, phường (xã), quận (huyện) hay thành phố? Mội khi đã làm rõ được trách nhiệm thì cần xử lý, đảm bảo không để sự việc tương tự tiếp diễn", Phó Giáo sư Bùi Thị An khẳng định.

Chia vẻ về vấn đề này, thầy Ngô Thành Nam - Cố vấn học tập Microsoft cho rằng: Với số lượng trung tâm đào tạo lớn như hiện nay đòi hỏi công tác quản lý cần được thực hiện chặt chẽ hơn để đảm bảo quyền lợi cho người học cũng như trật tự xã hội.

Những trung tâm hoạt động không phép tại thành phố Hồ Chí Minh ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người học (Ảnh: PL)

Những trung tâm hoạt động không phép tại thành phố Hồ Chí Minh ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người học (Ảnh: PL)

Theo quan điểm của thầy Nam, sự ra đời của nhiều trung tâm, nơi đào tạo là một tín hiệu tích cực để người học có thêm nhiều lựa chọn, giúp nâng cao mặt bằng chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những yêu cầu, thách thức đối với cơ quan quản lý cũng như đòi hỏi việc tìm hiểu, lựa chọn sáng suốt ở người học.

Đối với vụ việc gần 500 trung tâm ngoại ngữ, tin học hoạt động không phép tại thành phố Hồ Chí Minh, thầy Ngô Thành Nam khẳng định, vụ việc này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người học.

"Những ảnh hưởng mà người học nhận lãnh trong sự việc vừa qua không hề nhỏ. Trong số gần 500 trung tâm được nêu tên chưa được cấp giấy phép hoặc giấy phép hết hạn, có trung tâm với 10 chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng đều không được cấp phép. Số lượng học viên theo học ở trung tâm này lên đến hàng nghìn người.

Sau khi học viên đóng hàng chục triệu đồng với vài buổi học, các trung tâm bỗng nhiên đóng cửa. Học viên nhốn nháo tự kêu cứu, tự tìm bằng chứng để khởi kiện.

Liệu rằng thời gian trôi qua, những tiếng kêu cứu ấy có được giải quyết? Có những bạn sinh viên xin tiền bố mẹ ở quê để đóng tiền theo học, rồi sự việc xảy ra chỉ biết kêu trời", thầy Nam thông tin thêm về sự việc.

Như vậy, một câu hỏi được đặt ra là quyền lợi của người học sẽ ra sao khi những trung tâm không phép bỗng chốc bị đóng cửa. Và liệu rằng những quyền lợi của họ có được giải quyết một cách công bằng, thỏa đáng.

Thầy Ngô Thành Nam cho rằng, cần phải giúp người học đảm bảo quyền lợi sau vụ việc gần 500 trung tâm hoạt động không phép (Ảnh: Thầy Nam cung cấp)

Thầy Ngô Thành Nam cho rằng, cần phải giúp người học đảm bảo quyền lợi sau vụ việc gần 500 trung tâm hoạt động không phép (Ảnh: Thầy Nam cung cấp)

Bàn về chất lượng của những trung tâm ngoại ngữ, tin học không phép này, thầy Ngô Thành Nam cho rằng chất lượng của mỗi trung tâm còn tùy thuộc vào quan điểm giáo dục, mục đích của người đầu tư giáo dục.

"Không thể phủ nhận chất lượng của tất cả những trung tâm này, sẽ có trung tâm đầu tư nghiêm túc cho công tác chuyên môn nên chất lượng đào tạo sẽ đáp ứng được mong đợi của phụ huynh, của người học.

Tuy nhiên, cũng không ít trung tâm xem nhẹ yếu tố người dạy nên người học bị ảnh hưởng đến quyền lợi. Chưa nói đến dạy hay, ngay cả việc dạy đúng nhiều nơi còn chưa đáp ứng được

Trường hợp trung tâm ngoại ngữ tuyển dụng giáo viên chưa đạt chất lượng, thiếu ổn định dẫn đến việc giáo viên không có chuyên môn, dạy sai kiến thức hay mỗi buổi học là một giáo viên khác nhau. Phía sau câu chuyện này, học viên là người hứng chịu những hệ lụy không mong muốn", thầy Nam chia sẻ.

Theo quan điểm của thầy Ngô Thành Nam, các cơ quan chức năng cần tích cực vào cuộc hỗ trợ người học để giành lại quyền lợi, đồng thởi chấn chỉnh lại hoạt động của một số trung tâm ngoại ngữ khi số lượng các trung tâm ngày càng nhiều. Quyền lợi của người học là một trong những vấn đề cần được ưu tiên giải quyết.

Bên cạnh đó, một điều vô cùng quan trọng, đó là bản thân người học, phụ huynh học sinh phải hết sức tỉnh táo trước các chiêu trò của các trung tâm chưa rõ năng lực hoạt động.

Người học phải tìm hiểu kỹ thông tin về các trung tâm để không trở thành nạn nhân của những trung tâm không phép, kém chất lượng.

Thầy Nam nêu ví dụ: "Có những trung tâm quảng cáo là dạy miễn phí, người học chỉ cần đóng tiền giáo trình nhưng khi đến nơi thì được tư vấn đóng hàng chục triệu đồng.

Chính vì vậy, người học cần tham khảo nhiều nguồn khác nhau, đánh giá kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư số tiền lớn cho việc học tập của mình tại các trung tâm".

Cũng theo thầy Ngô Thành Nam, cơ quan quản lý là một trong những yếu tố tiên quyết quyết định sự ra đời của các trung tâm, cơ quan quản lý đóng vai trò quan trọng trong việc cấp phép và quản lý hoạt động của trung tâm.

Với vụ việc gần 500 trung tâm hoạt động không phép, cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá, tích cực hỗ trợ giúp người học đảm bảo được quyền lợi của mình.

Hoạt động quản lý cũng cần phân cấp và tiến hành triển khai chặt chẽ, tránh để xảy ra sự việc như vừa qua.

"Công tác đánh giá năng lực hoạt động của một đơn vị giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi cho người học về sau. Chính việc kiểm tra giúp đảm bảo các yếu tố cần thiết của một cơ sở giáo dục như điều kiện cơ sở vật chất, công tác quản lý, chất lượng đội ngũ giáo viên,…", thầy Nam khẳng định.

Phạm Minh