Sở Giáo dục và Đào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc, yêu cầu không giao bài tập về nhà cho học sinh khi nghỉ Tết để các em được hưởng cái Tết vui vẻ, thoải mái.
Chỉ mới 2 môn của bài tập Tết đã mấy chục câu hỏi rồi (Ảnh PT) |
Được biết, nhiều năm qua, sở đã nhận được phản ánh của phụ huynh về việc con em họ được giao quá nhiều bài tập về nhà trong dịp Tết. Vì thế, văn bản được ban hành đã nhận được sự ủng hộ của nhiều phụ huynh và cộng đồng mạng.
Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng muốn con được thoát khỏi sách vở trong thời gian nghỉ Tết. Từ chính thực tế trải nghiệm của người viết, học sinh chỉ mới nghỉ học một ngày, giáo viên chúng tôi đã nhận được không ít lời đề nghị của phụ huynh yêu cầu thầy cô cho bài để con ôn tập vì chính họ cũng sợ con mải chơi mà quên hết bài vở.
Cho bài tập để học sinh ôn trong những ngày nghỉ Tết có thật sự cần thiết?
Thời gian nghỉ Tết của học sinh thường kéo dài cả nửa tháng, với những đứa trẻ ham học, có trí nhớ lâu, có phụ huynh quan tâm thì không vấn đề gì, nhưng với những em ham chơi, học trước quên sau mà ba mẹ lại quá bận rộn thì thời gian nghỉ học quá lâu thế này lại không ôn luyện gì cả thì quả thật không ổn tí nào.
Ngay học sinh tiểu học quê tôi (đặc biệt là học sinh lớp 1) chỉ nghỉ 2 ngày cuối tuần thứ Bảy và Chủ nhật nhưng ngày thứ Hai đến lớp, nhiều em đã quên khá nhiều bài vở.
Những âm vần đã học, bài tập đọc vừa đọc xong đã không còn nhớ. Giáo viên phải bỏ thời gian ôn lại kiến thức cũ, nhiều em mới bắt nhịp lại chương trình.
Nay, học sinh nghỉ học nửa tháng trời mà không ôn bài vở, có trẻ lớp 1 (vốn có lực học yếu) có nguy cơ tái mù cũng khá cao.
Cứ sau mỗi mùa Tết, khi gặp lại học sinh nhiều em đã không còn nhớ bảng nhân chia, các công thức toán học, những kỹ năng tính toán đơn giản nhất như cộng trừ, nhân chia…giáo viên phải vô cùng vất vả để bù kiến thức hổng cho các em.
Vậy vì sao, việc giao bài tập về nhà dịp Tết hữu ích như thế mà phụ huynh lại phản ứng và học sinh lại mệt mỏi?
Những sai lầm giáo viên hay mắc phải khi giao bài tập Tết
Phụ huynh phản ứng, học sinh than vãn vì bài tập Tết một trong những nguyên nhân tạo ra sự áp lực này lỗi một phần cũng xuất phát từ một số giáo viên.
Thứ nhất, nhiều thầy cô giáo giao bài tập kiểu “đồng phục”. Giáo viên phô tô hàng xấp đề giống y chang nhau buộc cả lớp cùng làm.
Trong khi đó, có những bài tập, những kiến thức yêu cầu lại quá dễ, quá bình thường đối với một số học sinh nên bắt các em làm những điều mình quá hiểu sẽ nảy sinh sự chán chường.
Còn những bài tập nâng cao chỉ dành cho những em thực sự giỏi lại là áp lực rất lớn cho các học sinh đại trà.
Thứ hai, thầy cô nào cũng cho môn dạy của mình quan trọng hơn. Các thầy cô giáo dạy chung một lớp nhưng không có sự hội ý để giao bài. Mạnh người nào người ấy ra, mạnh môn nào môn ấy buộc.
Thế là, bài tập một môn thì ít nhưng gộp 10 môn lại ra số lượng bài tập rất lớn, bảo sao học sinh, phụ huynh không ám ảnh?
Chúng tôi đã từng thấy, có học sinh miệt mài làm bài tập suốt mùa Tết mà chưa xong. Bởi, có môn hàng trăm câu hỏi trắc nghiệm, hàng chục bài tập tự luận. Gộp các môn lại ra số bài tập khổng lồ, học sinh vật vã làm, phụ huynh cũng phải bỏ công việc để cùng học với con.
Thứ ba, với tâm lý lo sợ học sinh quên kiến thức nên có thầy cô cũng khá ôm đồm cho quá nhiều bài tập dẫn đến học sinh không còn thời gian nhiều để vui chơi.
Giao bài tập thế nào để học sinh vẻ ôn bài và phụ huynh cũng không áp lực?
Thứ nhất, cần phân loại học lực của học sinh để tránh kiểu giao bài “đồng phục”.
Với học sinh giỏi, giáo viên chỉ nhắc nhở các em tự ôn kiến thức và hướng dẫn các em tìm hiểu thêm những kiến thức bổ trợ nâng cao sự hiểu biết là đủ.
Với học sinh yếu, học sinh tiếp thu chậm, thầy cô cần ra bài tập ở mức độ vừa phải, lượng bài cũng không nhiều, chủ yếu để học sinh không quên kiến thức.
Thứ hai, với 2 bậc học còn lại trung học cơ sở và trung học phổ thông, các thầy cô giáo chủ nhiệm và bộ môn cần ngồi lại với nhau để thống nhất lượng bài sẽ giao cho học sinh tránh tình mặc ai nấy giao và số lượng bài tập các em phải làm là quá nhiều.
Chúng tôi nghĩ rằng, nếu giáo viên làm tốt khâu phân loại học sinh và ra lượng bài phù hợp để các em vừa có thời gian ôn kiến thức nhưng vẫn không ảnh hưởng đến việc vui chơi thì cũng chẳng có phụ huynh nào lại phản ứng cả.