Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non đến trung học phổ thông công lập ngày 02/2/2021 đang gây ra những lo lắng cho một bộ phận giáo viên trên cả nước.
Dù lãnh đạo Bộ và một số Sở nói rằng không yêu cầu giáo viên học chứng chỉ này nhưng muốn giữ hạng, bắt buộc giáo viên phải học vì theo hướng dẫn của các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT thì giáo viên các hạng III, II, I đều phải có chứng chỉ tương ứng.
Giáo viên các hạng đang được yêu cầu phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp để giữ hạng
Từ nhiều năm qua, thực hiện hướng dẫn của các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV thì giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông đã được bổ nhiệm vào các hạng tương ứng theo bằng cấp.
Nhiều giáo viên cũng căn cứ vào các hạng của mình đã được bổ nhiệm để đi học chứng chỉ còn thiếu như: chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và một số giáo viên cũng đã học chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp nhằm hoàn thiện văn bằng, chứng chỉ của mình theo hướng dẫn trước đây.
Tuy nhiên, ngày 02/2/2021 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non đến trung học phổ thông công lập thì giáo viên lại nháo nhào về chuyện xếp hạng của mình.
Bởi căn cứ vào các Thông tư này thì nhiệm vụ, văn bằng, chứng chỉ, chuyên môn, nghiệp vụ và các danh hiệu thi đua đã khác hoàn toàn so với các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV trước đây.
Phần lớn giáo viên các cấp hiện nay đã được bổ nhiệm là giáo viên hạng II nhưng so sánh với các Thông tư mới ban hành thì giáo viên sẽ khó có thể giữ được hạng này vì có nhiều tiêu chí khắt khe hơn.
Chẳng hạn, muốn là giáo viên hạng II cấp Trung học cơ sở thì đội ngũ nhà giáo phải đạt rất nhiều tiêu chí nhưng có những tiêu chí giáo viên không có cơ hội với tới như: “Chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn hoặc tham gia xây dựng học liệu điện tử;
Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ từ cấp trường trở lên; Tham gia đoàn đánh giá ngoài; hoặc công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên từ cấp trường trở lên;
Tham gia ban giám khảo hoặc ban ra đề hoặc người hướng dẫn trong các hội thi (của giáo viên hoặc học sinh) từ cấp trường trở lên…”.
Những nhiệm vụ này thì ít nhất giáo viên phải kiêm nhiệm chức danh từ tổ trưởng chuyên môn trở lên mới có cơ hội tham gia, những giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ thì làm sao có thể cơ cấu vào các nhiệm vụ này.
Chính vì thế mà những ngày qua thì đội ngũ nhà giáo trên cả nước đã liên tục có những thắc mắc, băn khoăn về chuyện giữ hạng, xuống hạng của mình.
Sự lo lắng của đội ngũ nhà giáo là điều dễ hiểu vì xuống hạng cũng đồng nghĩa là họ sẽ phải nhận mức lương hạng III (từ 2,34- 4,98 như hiện nay nhưng theo Luật Giáo dục năm 2019 thì phụ cấp thâm niên sẽ không còn).
Điều trớ trêu ở chỗ nếu như trước đây, giáo viên đã được bổ nhiệm là giáo viên hạng II theo hướng dẫn của các Thông tư liên tịch số 20, 21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV nên họ đã học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II.
Bây giờ, nếu như không đáp ứng được các tiêu chí của các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT thì cũng đồng nghĩa họ sẽ bổ nhiệm vào giáo viên hạng III và theo hướng dẫn thì giáo viên hạng nào sẽ phải học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tương ứng với hạng đó.
Lại thêm một lần tốn kém và tất nhiên là lãng phí chứng chỉ hạng II đã học trước đây. Dù lãnh đạo Bộ nói chứng chỉ hạng II đã học được bảo lưu nhưng thực ra việc bảo lưu chỉ có ý nghĩa khi giáo viên lên hạng.
Trong khi, các tiêu chí giáo viên hạng II, hạng I theo các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT thì rất khó để giáo viên đạt được.
5 buổi học online để có chứng chỉ!
Ngay sau khi Bộ ban hành các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT thì nhiều trường đại học, cao đẳng sư phạm đã gửi thông báo đến các địa phương, các trường học thông báo chiêu sinh lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Nhiều cá nhân nhanh chóng quảng cáo trên các trang mạng xã hội của giáo viên để chiêu sinh.
Theo lịch học của một số trường đại học thì học viên chỉ học từ 5-7 buổi học online vào các buổi tối nhưng học phí là 2,5 triệu đồng/ học viên.
Lịch học là vậy, nhưng có những “đầu mối” thầm thì, nhỏ to với giáo viên là đến giờ học chỉ cần mở máy tính hoặc điện thoại ra. Học cũng được mà không học cũng chẳng sao. Miễn là mình đăng ký, đóng tiền là sẽ có chứng chỉ bởi học lớp bồi dưỡng này thì có ai rớt đâu!
Trong khi đó, nội dung chương trình học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp gồm 10 chuyên đề đa phần trùng lặp với các nội dung mà giáo viên đã tập huấn trong những năm qua và trong nội dung 9 modul mà giáo viên đang tập huấn trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Mỗi chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp có giá 2,5 triệu - đây rõ ràng là một số tiền khá lớn mà giáo viên phải chi cho dịch vụ này.
Nhưng, nếu học mà nội dung thiết thực, hữu ích, giúp ích cho công việc hàng ngày của người thầy thì không có gì phải nói nhưng học những kiến thức cũ, học chủ yếu là để lấy chứng chỉ nên việc tổ chức dạy và học ở nhiều nơi cũng rất hình thức, chiếu lệ…
Nên chăng, ngành giáo dục cần sâu sát hơn việc mở lớp chiêu sinh ở các địa phương của các trường đại học và chỉ đạo cho các trường đang bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp loại bỏ những kiến thức trùng lặp, dư thừa.
Đồng thời, Bộ Giáo dục cần có sự bàn bạc, thống nhất với Bộ Nội vụ nên bỏ hay duy trì chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên.
Đừng để căn bệnh hình thức về văn bằng, chứng chỉ cứ mãi ám ảnh đối với đội ngũ nhà giáo trên cả nước.