Vài năm về trước, địa phương tôi đã đưa công văn về trường khuyến khích giáo viên đăng ký đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Nhiều thầy cô đều thấy rằng, bỏ công, bỏ tiền ra học cái chứng chỉ cũng chỉ có tác dụng kẹp hồ sơ chứ bản thân cũng không thêm được kiến thức nào giúp cho việc dạy của mình cũng như việc học của học sinh tốt hơn.
Giáo viên đi dạy 30 năm mà giờ vẫn cần cái chứng chỉ như này (Ảnh minh họa: Vũ Ninh) |
Vì thế, cũng chẳng mấy thầy cô đăng ký đi học trừ những giáo viên có bằng đại học nhưng đang ăn lương trung cấp muốn được thăng hạng như viễn cảnh mà một số lãnh đạo đã vẽ ra.
Vậy mà lần này, khi nghe tin tôi đăng ký đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, khá nhiều đồng nghiệp của tôi thắc mắc kiểu chị từng phản đối việc học lấy chứng chỉ, sao giờ chị cũng đi học?
Người lại lo lắng, bất an bởi họ nói rằng: chị ấy hiểu luật, tìm hiểu kỹ thông tư mà nay vẫn phải đi học thì có lẽ giáo viên phải đi học hết rồi.
Thông tư đã quy định dù không muốn cũng phải theo
Ngày 2/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư 01;02;03;04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập mà theo đó giáo viên 4 cấp học ở các hạng đều phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Trước quy định này, giáo viên dù có vững tin (trước sau gì cũng sẽ bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp) vẫn phải lo đi học.
Bởi nếu không có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, nghĩa là theo quy định giáo viên đang thiếu điều kiện trụ hạng, lên hạng…điều này sẽ ảnh hưởng đến việc xếp lương.
Mà với giáo viên gần như chỉ có nguồn thu nhập duy nhất là đồng lương, nếu chỉ vì lý do ấy lương bị giảm quả thật là oan uổng.
Thế là tôi nghĩ, thà mất vài triệu đồng để có được cái chứng chỉ phòng thân còn hơn mỗi tháng biết đâu lại mất đi mấy trăm ngàn (do bị tụt hạng hoặc không được thăng hạng) thì sao.
1 tuần học online, học phí 2,4 triệu đồng để có chứng chỉ
Cùng 1 loại chứng chỉ chức danh khác nhau, mỗi đơn vị đào tạo lại đưa ra một mức giá, nơi 2,3 triệu đồng, nơi 2,5 triệu đồng…thậm chí có nơi giá một chứng chỉ lên đến 3 triệu đồng cho một tuần học quả là "đắt sắt ra miếng", nhưng dù không muốn cũng phải chi thôi.
Sau khi nộp đủ tiền, chúng tôi được người chiêu sinh cho thời gian và link để vào lớp học. Báo cáo viên được giới thiệu toàn là giáo sư, tiến sĩ của trường đại học mà mình đăng ký học chứng chỉ.
Có 10 chuyên đề phải học, đó là; Chuyên đề 1: Lí luận về nhà nước và hành chính nhà nước; Chuyên đề 2: Chiến lược và chính sách phát triển giáo dục và đào tạo;
Chuyên đề 3: Quản lí giáo dục và chính sách phát triển giáo dục trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;
Chuyên đề 4: Giáo viên với công tác tư vấn học đường trong trường; Chuyên đề 5: Tổ chức hoạt động dạy học xây dựng và phát triển kế hoạch giáo dục ở trường;
Chuyên đề 6: Phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên; Chuyên đề 7: Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh ;
Chuyên đề 8: Thanh tra, kiểm tra và một số hoạt động đảm bảo chất lượng ở trường; Chuyên đề 9: Sinh hoạt tổ chuyên môn và công tác bồi dưỡng giáo viên;
Chuyên đề 10: Xây dựng mối quan hệ trong và ngoài nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển.
Thời gian học khoảng 8 buổi, mỗi buổi học 2 tiếng rưỡi. Giảng viên mỗi lần giảng cho khoảng 3 lớp, mỗi lớp 100 học viên. Khi học, có giáo viên cũng học nhiệt tình, tương tác khá tích cực.
Lớp học trực tuyến chứng chỉ chức danh nghề nghiệp (Ảnh Đỗ Quyên) |
Tuy nhiên, một số thầy cô giáo nói rằng chỉ đăng nhập vào lớp học và để cho máy tự nói, còn mình đi làm việc khác, hết giờ sẽ điểm danh xem như đã học đầy đủ.
Cuối khóa học, giáo viên làm một bài thu hoạch nộp về nơi tuyển sinh. Ai không muốn làm sẽ có dịch vụ làm hộ, giá cho một bài làm là 100 ngàn đồng.
Khóa học kết thúc, ai cũng nhận được tấm giấy chứng chỉ có dấu đỏ dù vẫn thấy xót vì tiếc số tiền bằng hơn nửa tháng lương giáo viên mới ra trường.
Giáo viên mà đặc biệt là giáo viên dạy đã vài chục năm mà nay vẫn phải đi học lấy cái chứng chỉ để kẹp hồ sơ thật là nực cười. Dù biết là vô lý, biết là tốn thời gian và tiền bạc nhưng không đi học lại bất an vì những điều quy định buộc giáo viên có chứng chỉ vẫn còn sờ sờ ra đấy.
Chỉ khi nào, Bộ Nội vụ xóa bỏ điều này, Bộ Giáo dục ra lại thông tư khác thì những chuyện vô lý thế này mới được chấm dứt.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.