Nữ sinh xuất sắc giành học bổng 7,3 tỷ đồng của Đại học Stanford

22/03/2021 06:19
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau khi nhận hơn 20 lá thư từ chối, Nguyễn Hà Vi vẫn không ngừng nỗ lực học tập và xuất sắc giành học bổng toàn phần trị giá 7,3 tỷ đồng của Đại học Stanford, Mỹ.

Nuôi ước mơ du học, từ chối tham dự thi học sinh giỏi quốc gia

Kể từ khi còn là học trò của Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Tĩnh, Nguyễn Hà Vi (sinh năm 2002) đã ấp ủ giấc mơ du học.

Trải qua không ít lần thất bại nhưng Hà Vi vẫn không ngừng nỗ lực, cố gắng để hoàn thiện bản thân, quyết tâm theo đuổi con đường đã chọn.

Nguyễn Hà Vi - Cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Tĩnh giành học bổng trị giá 7,3 tỷ đồng từ Đại học Stanford (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nguyễn Hà Vi - Cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Tĩnh giành học bổng trị giá 7,3 tỷ đồng từ Đại học Stanford (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Hà Vi chia sẻ: "Em đã từng từ chối tham gia cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia để tập trung cho mục tiêu của mình.

Trên hành trình ấy, em từng được nhận học bổng trại hè và tham gia chương trình do các anh chị sinh viên Đại học Harvard tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chuyến đi đó giúp em có thêm nhiều trải nghiệm, có cách nhìn đa diện hơn, biết mở rộng lòng mình và học cách tôn trọng sự khác biệt.

Em nghĩ thế giới bên ngoài còn biết bao điều mới lạ, diệu kỳ, con đường du học sẽ giúp em khám phá, tìm hiểu những điều đó".

Lần đầu tiên, Hà Vi nộp hồ sơ đăng ký học bổng UWC - United World Colleges. Tuy nhiên, vì thiếu kinh nghiệm, lại không nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn nào nên em đã bị từ chối.

Sau lần lỡ hẹn đó, Hà Vi nhận được bài học ý nghĩa. Cô gái biết học cách chấp nhận thất bại, nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân.

"Em tự hỏi bản thân đã làm được gì, chưa làm được gì và thực sự yêu thích điều gì, từ đó định hướng lại con đường mình đã chọn.

Cuối năm 11, em tiếp tục tìm hiểu về học bổng du học Mỹ và nộp đơn vào một số trường nhưng chỉ được nhận được hỗ trợ ở mức thấp.

Sau khi nhận hơn 20 lá thư từ chối từ nhiều trường đại học, em quyết định hi sinh thêm 1 năm và bắt đầu lại mọi thứ", Hà Vi tâm sự.

Năm 2020, sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Hà Vi quyết định trở thành một học sinh tự do, tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ học bổng.

Thời gian này, Vi còn làm tình nguyện viên thực hiện các dự án xã hội cá nhân về phụ nữ, trẻ em và giáo dục; đồng thời là thực tập sinh hỗ trợ nghiên cứu tại các tổ chức giáo dục, tâm lý tại Việt Nam và nước ngoài.

Theo kế hoạch, Hà Vi sẽ nhập học vào cuối tháng 8 năm nay nếu dịch Covid được kiểm soát tốt (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Theo kế hoạch, Hà Vi sẽ nhập học vào cuối tháng 8 năm nay nếu dịch Covid được kiểm soát tốt (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chia sẻ về hành trình săn học bổng, Hà Vi cho biết bản thân gặp không ít khó khăn: "Em bắt đầu từ con số không: không người hướng dẫn, không một ai ủng hộ, không có giải quốc tế, không ở trong đội tuyển quốc gia, cũng không nhận sự hỗ trợ từ trung tâm. Vì thế, em biết mình cần phải nỗ lực gấp nhiều lần so với những bạn khác.

Ba mẹ con ở với nhau nên mẹ và anh trai thương em lắm, không muốn em đi du học xa nhà, mà chỉ muốn em học đại học trong nước rồi ổn định cuộc sống. Nhưng du học là ước mơ để em khẳng định mình nên em rất mong mẹ và anh sẽ hiểu và ủng hộ hành trình nhiều khó khăn phía trước”.

Niềm vui đến với Hà Vi trong những ngày đầu tháng 3, em nhận được Email từ Đại học Stanford với kết quả là học bổng toàn phần giá trị 7,3 tỷ đồng.

Với thành tích mới cùng những nỗ lực không ngừng nghỉ, cuối cùng, Hà Vi đã thuyết phục được gia đình tin tưởng, ủng hộ con đường mình đã chọn.

Theo đuổi nghiên cứu giáo dục, khoa học tâm lý

Từng tham gia hỗ trợ chương trình nghiên cứu về giáo dục, tâm lý, Hà Vi càng say mê và khẳng định chắc chắn về con đường của mình.

Lựa chọn đăng ký học bổng Đại học Stanford, Hà Vi khẳng định không vì bảng xếp hạng hay danh tiếng mà bởi trường có cách xây dựng hệ thống có sự tham gia của sinh viên. Đặc biệt, đây cũng là một ngôi trường lý tưởng để em theo đuổi con đường nghiên cứu giáo dục.

"Càng tìm hiểu, em càng thấy giáo dục thực sự quan trọng, em dự định học ngành liên quan đến tâm lý học, giáo dục hoặc về chính sách giáo dục.

Học không đơn thuần là những giờ cày cuốc trên lớp, ở lò luyện thi hay những đêm không ngủ ôn bài. Học là việc mình hiểu và yêu lấy thế giới xung quanh, như học cách yêu thương mọi người, học tôn trọng sự khác biệt, học cách vượt qua khủng hoảng, học cách vượt lên những định kiến.

Em mong muốn mọi người hiểu hơn về giáo dục theo hướng tích cực, đó cũng là lý do hiện tại em đang tham gia hộ trợ những dự án nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực này”, Hà Vi chia sẻ.

Ngoài mơ ước làm nghiên cứu giáo dục, Hà Vi còn có đam mê với các bộ môn nghệ thuật (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ngoài mơ ước làm nghiên cứu giáo dục, Hà Vi còn có đam mê với các bộ môn nghệ thuật (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Theo Hà Vi, hồ sơ học bổng có nhiều yếu tố quan trọng như kết quả IELTS/TOEFL; bài thi SAT; bài luận và các thành tích bổ sung. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tính thống nhất của tất cả các yếu tố đó.

"Hồ sơ từ bài luận đến hoạt động ngoại khoá, học thuật, hay những tài liệu bổ sung đều phải thống nhất thể hiện được mình là ai, tính cách con người mình, những điều mình muốn chia sẻ, những điều mình muốn làm và muốn cống hiến.

Điều cần chú ý là phải thể hiện sự chân thành, chân thật của bản thân. Đây cũng là cách chúng ta tạo sự thiện cảm và lựa chọn một môi trường giáo dục phù hợp cho chính mình.

Đối với giáo dục ở Mỹ, sự phù hợp là điều vô cùng quan trọng. Nếu bạn có giải quốc tế nhưng không phù hợp với trường thì chưa hẳn đã là điều tốt. Nếu bạn giải thấp hơn nhưng thể hiện được con người chân thành và tìm thấy sự phù hợp thì khả năng được nhận sẽ cao hơn".

Cũng theo kinh nghiệm của Hà Vi, điểm SAT là một trong những yếu tố quan trọng mà thí sinh không thể xem nhẹ. Thông thường, thí sinh đạt từ 1500 điểm trở lên thì cơ hội nhận học bổng giá trị sẽ cao hơn.

Để làm tốt bài thi SAT, khi gặp câu hỏi hoặc dạng bài nào khó thì không nên né tránh hay khoanh bừa mà phải giải quyết đến bao giờ hiểu ra vấn đề.

Quá trình tìm hiểu lỗi sai sẽ khó khăn với các bạn tự học, nhưng việc tự nhìn nhận lại sẽ giúp nắm chắc tất cả dạng bài. Nhờ vậy mà càng về sau sẽ càng giảm thiểu lỗi sai ở các dạng bài khác nhau.

Bên cạnh đó, cần đọc nhiều tài liệu bằng tiếng Anh với mọi thể loại. Kỹ năng đọc hiểu khó có thể giỏi trong ngày một ngày hai, vì vậy, cần kiên trì và trau dồi, rèn luyện trong một thời gian dài.

Về phần phỏng vấn với trường, Hà Vi cho rằng không nên xem đó là một cuộc phỏng vấn căng thẳng hay ép buộc bản thân tham gia mà hãy xem đó là một cơ hội chia sẻ giữa những người bạn.

Tham gia phỏng vấn với tâm lý thoải mái, tự tin chia sẻ những câu chuyện của chính mình và sẵn sàng lắng nghe câu chuyện của người khác là cách để có thêm nhiều trải nghiệm thú vị.

Đặc biệt, theo Hà Vi, trên hành trình tìm kiếm cơ hội du học, mỗi người đều phải kiên trì, không sợ thất bại, dám đối diện với thử thách.

"Tất cả mọi người đều có khả năng làm được nhiều hơn so với những gì xã hội đang áp đặt lên mình. Giấc mơ du học không lung linh nhưng không có nghĩa bạn không thể chinh phục nó. Cũng như câu chuyện của bản thân mình, trước khi nhận được học bổng toàn phần từ Đại học Stanford là hơn 20 lá thư từ chối từ các trường đại học và hơn 20 email thông báo không thể nhận thực tập từ nhiều tổ chức khác nhau", Hà Vi chia sẻ.

Sau lá thư của Đại học Stanford, Hà Vi vẫn tiếp tục chờ kết quả từ các trường đại học khác, bởi trong đợt “săn” học bổng vừa qua, em đã nộp hồ sơ 23 trường để theo đuổi ước mơ nghiên cứu giáo dục.

Phạm Minh