Hiện nay áp lực cho nhà giáo rất lớn, trong đó có những áp lực hợp lý để giáo viên cố gắng hơn, học tập nâng cao trình độ hơn, tu dưỡng và rèn luyện tốt hơn,… để giảng dạy và giáo dục tốt hơn, đây là các áp lực có lợi cho giáo viên và học sinh.
Tuy nhiên có những áp lực hết sức vô lý áp đặt lên giáo viên, làm cho giáo viên vô cùng bức xúc đó chính là những áp lực về chạy theo thành tích ảo hay áp lực duy trì sĩ số, áp lực học sinh giỏi,…
Trong bài viết xin được bàn về một chỉ tiêu hết sức bất cập và vô lý đó chính là việc học sinh nghỉ học (chỉ tiêu duy trì sĩ số), giáo viên bị cắt thi đua, bị xếp không hoàn thành nhiệm vụ.
(Ảnh chỉ mang tính minh họa: Nhandan.com.vn) |
Những lý do chính khiến học sinh bỏ học
Từng đi dạy nhiều năm, bản thân đúc kết kinh nghiệm thấy rằng hiện nay có nhiều nguyên nhân dẫn đến học sinh bỏ học, dù nhà trường tìm mọi cách giữ lại nhưng các em vẫn bỏ học, tuy nhiên người viết cho rằng có 2 nguyên nhân chính đó là:
Thứ nhất, do gia đình không quan tâm.
Đây phải được xem là nguyên nhân đầu tiên, đa số các em bỏ học đều do hoàn cảnh gia đình, gia đình thiếu quan tâm. Gia đình là cái gốc, nhiều gia đình bỏ mặc học sinh muốn học, muốn nghỉ gì mặc kệ, xem việc học là của trường, nên khi học sinh bỏ học khi giáo viên đến vận động thì gia đình mặc kệ, và cho nghỉ. Đây là các trường hợp rất khó vận động.
Một số trường hợp khác nghỉ học do không sống cùng bố, mẹ (do ly hôn hoặc do lý do khác) nên cũng không được quan tâm, dễ bỏ học.
Gia đình đã không quan tâm, học sinh không thiết tha học thì việc vận động sẽ vô cùng khó khăn.
Thứ hai, học sinh học quá kém do hậu quả của việc chạy theo các chỉ tiêu thành tích.
Hiện nay, do áp lực chỉ tiêu thành tích nên học sinh hầu như lên lớp gần 100% dẫn đến nhiều em học quá yếu kém, học mà không có kiến thức căn bản, không theo kịp bài,… nên dẫn đến quá chán nản và dẫn đến bỏ học, vì nếu không bỏ học thì có học tiếp cũng không thể biết được gì, không được lợi gì khi mỗi ngày đến lớp một cái đầu trống rỗng.
Đây cũng không hẳn là do lỗi của học sinh, đây là lỗi của áp lực chỉ tiêu thành tích, lỗi của chương trình quá nặng kiến thức hàn lâm, nếu có chỉ tiêu rõ ràng cụ thể, học sinh phải đạt hoặc bồi dưỡng đạt thì mới được học chương trình tiếp theo thì sẽ không có học sinh “ngồi nhầm lớp”, sẽ không có áp lực chỉ tiêu thành tích “khủng khiếp” như hiện nay và chắc chắn sẽ có ít học sinh bỏ học.
Tôi ví dụ nếu chỉ giao học sinh lớp 1 có 3 mục tiêu chính là biết đọc, biết viết và rèn chữ thì sau khi hết lớp 1 phải đảm bảo 100% đạt mục tiêu đó, học sinh chưa đạt phải được bồi dưỡng cho đạt, nếu giáo viên đã làm hết cách mà học sinh chưa viết, chưa đọc được thì dứt khoát phải cho ở lại để tiếp tục đạt được mục tiêu trên.
Tôi không hiểu dạy kiểu gì, đánh giá kiểu gì mà có học sinh lớp 6, 7 vẫn chưa thể đọc, viết trôi chảy.
Một số việc các trường đưa ra như giáo viên thiếu biện pháp, hoặc giáo viên dạy không thuyết phục hay học sinh bị bắt nạt,… là những con số rất ít, không đáng kể, đó không phải là nguyên nhân đáng quan tâm.
Do đó, để hạn chế học sinh bỏ học là phải giải quyết 2 nguyên nhân chính trên.
Đa số việc nghỉ học không phải do lỗi của giáo viên, nên giáo viên bị cắt thi đua khi học sinh nghỉ học là điều không nên.
Bi hài giáo viên vận động học sinh
Theo quy định hiện nay thì học sinh nghỉ học thì giáo viên chủ nhiệm phải đến nhà học sinh vận động 3 lần, mỗi lần vận động phải kèm biên bản, nếu sau 3 lần vận động mà học sinh không đến lớp, phụ huynh đồng ý ký tên cho học sinh nghỉ học thì mới coi như học sinh bỏ học, xóa tên trong danh sách lớp.
Dưới đây là một số trường hợp bi hài có thật khi vận động học sinh đến lớp
Trường hợp 1: Giáo viên đến nhà học sinh, gặp phụ huynh để vận động thì phụ huynh nói nó học dốt thì cho nó nghỉ, không vận động chi hết.
Trường hợp 2: Giáo viên đến nhà vận động, gặp hoàn cảnh cha mẹ ly dị, học sinh ở với ông bà, mà ông bà thì không quản lý cháu được nên đành cho học sinh nghỉ.
Trường hợp 3: Khi đến vận động học sinh đã bỏ đi làm ăn xa,…
Có những trường hợp khi vận động, giáo viên còn bị chính phụ huynh và ngay cả học sinh mắng nhiếc, chì chiết, đổ lỗi cho giáo viên,…
Còn có cả những trường hợp tế nhị khác, không tiện viết lên báo.
Gặp những trường hợp như trên thì giáo viên không thể nào vận động được, không cách gì vận động.
Học sinh bỏ học đâu phải lỗi giáo viên!
“Đau” nhất chính là việc giáo viên sau 3 lần vận động học sinh đầy khổ cực thì sau đó lại bị cắt thi đua năm học, bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ vì có học sinh bỏ học.
Hầu như ở bậc tiểu học thì chỉ tiêu duy trì sĩ số phải là 100%, nên chỉ cần 1 học sinh nghỉ học thì giáo viên sẽ bị cắt thi đua.
Ở bậc trung học cơ sở thì có “thoáng” hơn, tuy nhiên mỗi lớp tối đa cũng chỉ 1 học sinh, nếu nghỉ từ 2 học sinh thì cũng bị cắt thi đua, mà học sinh bậc trung học cơ sở nhất là khối 7, 8 thì có khá nhiều em bỏ học.
Như đã nói, học sinh bỏ học không phải do lỗi của giáo viên thì tại sao lại cắt thi đua giáo viên, học sinh do hoàn cảnh, do tâm lý, do học yếu kém từ nhiều năm trước,… nay bỏ học thì cắt thi đua của giáo viên là điều không nên.
Đây cũng là một trong những chỉ tiêu gây áp lực lớn lên giáo viên, có nhiều giáo viên khi mới nhận chủ nhiệm chỉ 1, 2 tháng đầu tiên thì có học sinh bỏ học nên coi như năm đó có hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ khác đi nữa cũng bị cắt thi đua là điều quá vô lý, cần phải loại bỏ càng sớm càng tốt.
Có giáo viên có học sinh bỏ học, xem như bị cắt thi đua nên làm việc kiểu đối phó, mặc kệ,… nên chất lượng xuống cấp là điều đương nhiên, mà nhà trường cũng khó mà thuyết phục vì mới đầu năm họ đã bị cắt thi đua thì làm gì còn động lực phấn đấu.
Áp lực chỉ tiêu thành tích, áp lực duy trì sĩ số,… là những áp lực, rào cản sự phát triển, động lực làm việc của giáo viên.
Không chỉ giáo viên, nếu học sinh nghỉ học nhiều thì trường học cũng bị cắt thi đua nên nhiều trường cũng gặp rất khó khăn trong việc này, nên mọi việc đổ lên giáo viên.
Những việc bất cập, không hợp lý về áp lực hồ sơ sổ sách, áp lực thành tích, áp lực duy trì sĩ số, chứng chỉ,… phải được thay thế bằng những biện pháp thiết thực hơn.
Nhân dân cả nước và giáo viên đang mong chờ, hy vọng sự thay đổi quyết liệt, hợp lý từ tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trong thời gian tới để loại bỏ những áp lực không đáng có trong giáo dục, thúc đẩy giáo dục phát triển mạnh mẽ, thực chất, không dối trá, chạy theo báo cáo, chỉ tiêu thành tích.