Hội họp đang chiếm quá nhiều thời gian của giáo viên

17/04/2021 07:01
Ngân Hoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có những cuộc họp phải bỏ tiết dạy giữa chừng để về văn phòng ngồi dự họp, có ngày họp sáng, họp chiều vẫn chưa xong.

Hội họp đang là nỗi ám ảnh cho nhiều giáo viên ở các trường học hiện nay mà đặc biệt là các trường mẫu giáo và tiểu học. Những cuộc họp cứ kéo dài triền miên, đôi khi cũng chẳng có nội dung gì quan trọng (nhiều khi chỉ là đọc công văn và các văn bản trên gửi về).

Thời gian họp nhiều khiến nhiều giáo viên cảm thấy quá tải. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net)Thời gian họp nhiều khiến nhiều giáo viên cảm thấy quá tải. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net)

Tuy thế, trường nào cũng buộc giáo viên phải đi họp và ghi biên bản cụ thể vì sợ vi phạm quy định về số cuộc họp trong tháng.

Ngoài những cuộc họp bắt buộc như thế vẫn còn hàng chục cuộc họp nhỏ, cuộc họp không tên (thường gọi là họp khẩn, họp đột xuất) vào giờ ra chơi hoặc cuối buổi dạy trong ngày.

Thế nên, nói giáo viên nhiều trường quay cuồng vì họp cũng chẳng ngoa tý nào.

Thông tư quy định việc hội họp ở nhà trường thế nào?

Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT cũng như Thông tư số: 28/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường tiểu học hiện nay đều quy định về việc tổ chức hội họp ở nhà trường. Cụ thể, tổ chuyên môn trong trường tiểu học sinh hoạt ít nhất 2 tuần/lần, họp chuyên môn trường 2 tuần/lần.

Hội đồng trường họp thường kì ít nhất ba lần trong một năm. Trong trường hợp cần thiết, khi hiệu trưởng hoặc ít nhất một phần ba số thành viên hội đồng trường đề nghị, chủ tịch hội đồng trường có quyền triệu tập phiên họp bất thường để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường.

Có nhất thiết phải tổ chức cuộc họp chỉ để đúng quy định hay không?

Trường học nào cũng thực hiện việc họp tổ và họp chuyên môn nhà trường theo quy định 2 tuần/lần. Nghĩa là trong 1 tháng sẽ có 2 cuộc họp tổ và họp chuyên môn trường.

Cũng có khi có khá nhiều việc nhưng đôi khi lại không có việc gì quan trọng nhưng theo quy định vẫn phải duy trì các cuộc họp ấy.

Có trường đã ấn định thời gian buộc phải tuân theo. Ví như họp tổ chuyên môn phải từ 3 tiếng trở lên. Họp Hội đồng, họp chuyên môn nhà trường ít nhất là 4 tiếng…

Có những cuộc họp, chỉ cần tổ trưởng thông báo vài nội dung, chuyển cho cái công văn là giáo viên thực hiện. Thế nhưng giáo viên vẫn phải đến trường ngồi cho đủ 3 tiếng mới được về.

Họp hội đồng nhà trường quy định một năm họp ít nhất 3 lần nhưng trường nào cũng tổ chức họp hàng chục lần mỗi năm.

Nhiều cuộc họp, giáo viên chỉ đến ngồi nghe hiệu trưởng, hiệu phó thay nhau đọc hết văn bản này sang văn bản kia và kèm theo những lời nhắc nhở giáo viên thực hiện. Sau đó, con cà con kê, chuyện nọ xọ chuyện kia rồi ra về.

Dù thế, giáo viên cũng mất một buổi chỉ ngồi nghe và tán gẫu. Nhưng nếu không đi họp là không được. Có trường còn kiểm tra sổ hội họp định kỳ xem giáo viên ghi chép thế nào? Nếu ghi chép đầy đủ xem như thực hiện tốt mà không cần kiểm tra hiệu quả công việc giáo viên đã thực hiện thế nào.

Hàng chục cuộc họp lớn nhỏ, đột xuất khác nữa

Việc họp ở nhiều trường học hiện nay đang được gọi là “loạn họp”. Vì sao lại thế? Bởi họp liên tục, họp triền miên, bất kể cái gì cũng họp.

Ngoài ra còn hàng chục cuộc họp nhỏ, cuộc họp không tên (thường gọi là họp khẩn, họp đột xuất) vào giờ ra chơi hoặc cuối buổi dạy trong ngày.

Ví như họp lên kế hoạch ngoại khóa, họp để rút kinh nghiệm buổi giao lưu, họp thay đổi lịch dạy, họp phân công lịch trực, họp lên lịch báo giảng, họp lấy ý kiến bổ nhiệm, góp ý, họp liên tịch, họp hội đồng thi đua, họp hội đồng cấp, họp chuyên môn cấp, họp hội đồng giám khảo…

Nếu ai đó than van sao họp hành nhiều thế? Sẽ dễ dàng nghe được câu nói không họp sẽ không triển khai được công việc, không họp giáo viên sẽ không biết đường đâu mà thực hiện…

Có những cuộc họp thì thật sự cần nhưng không ít cuộc họp chỉ gặp mặt nói dăm ba điều, đọc một lô một lốc công văn, chỉ thị xong là giải tán.

Có lần họp, giáo viên ở xa trường vài chục cây số cũng phải tất tả chạy lên ngồi chưa nóng chỗ đã phải chạy về.

Có những cuộc họp phải bỏ tiết dạy giữa chừng để về văn phòng ngồi dự họp, có ngày họp sáng, họp chiều vẫn chưa xong.

Nhiều cuộc họp chỉ cần gửi tài liệu qua mạng để giáo viên nghiên cứu là xong nhưng Ban giám hiệu luôn sợ giáo viên không đọc.

Vì thế, nhất quyết phải tổ chức cuộc họp chỉ để lên ngồi nghe đọc hết tài liệu này đến tài liệu kia xong rồi về.

Nên quản lý kết quả công việc đừng nên quản lý các cuộc họp

Đã có rất nhiều góp ý, có nhiều bài viết phản ánh những nhiêu khê về các cuộc họp trong nhưng nhiều trường học vẫn không hề thay đổi.

Giáo viên cũng đã từng thắc mắc, thời đại 4.0 ai cũng có điện thoại thông minh, sử dụng thường xuyên sử dụng email, Zalo, facebook…Những cuộc họp thật sự quan trọng, cần thiết để lấy ý kiến của tập thể mới nên tổ chức họp trực tiếp, đại trà.

Những cuộc họp chỉ cần đọc văn bản, nêu thông tin thì chỉ cần nhà trường chuyển các văn bản cho giáo viên là đủ.

Thế nhưng, hiệu trưởng luôn sợ giáo viên không đọc nên phải tổ chức họp để đọc cho giáo viên nghe.

Chuyện không ít trường học hiện nay, hở một tí là triệu tập họp (chủ yếu ngồi nghe hiệu trưởng, hiệu phó nói và đọc văn bản), vẫn quy định thời gian họp cứng (dù họp hết nội dung vẫn phải ngồi chờ cho hết giờ mới được về) đã tạo cho giáo viên nhiều áp lực, mệt mỏi mà hiệu quả mang lại từ những cuộc họp như thế không cao.

Thay vì luôn quản lý số lần họp, thời gian họp sao người lãnh đạo không chịu thay đổi cách nhìn chỉ cần kiểm tra xem hiệu quả công việc của giáo viên ấy thế nào? Nếu thực hiện tốt nghĩa là họ đã đọc, đã nghiên cứu các công văn, các thông tư hướng dẫn và đã thực hiện tốt việc chỉ đạo của nhà trường.

Ngược lại, giáo viên nào không thực hiện hoặc làm chưa tốt chứng tỏ chưa xem công văn hướng dẫn, chưa chú ý đến chỉ đạo của nhà trường. Hiệu trưởng sẽ trực tiếp chấn chỉnh, chắc chắn sẽ có kết quả ngay.

Làm được thế, sẽ mang lại nhiều điều lợi cho nhà trường. Đó là việc, giáo viên sẽ không bị mất thời gian cho những cuộc họp vô bổ mà dành nhiều thời gian cho việc đầu tư chuyên môn, dẫn đến hiệu quả công việc mang lại cũng rất cao. Và, người hưởng lợi chính là các em học sinh.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện câu chuyện, góc nhìn của tác giả.

Ngân Hoa