Dù năm học mới diễn ra được hơn một tháng nhưng nhìn lại khoảng thời gian này thì nhiều giáo viên ngao ngán với những cuộc họp vô bổ của nhà trường đã tổ chức. Có những buổi, giáo viên chúng tôi phải dự đến 3 cuộc họp, họp từ 13h30 đến đúng 18 giờ chiều thì mới được đứng lên để ra về.
Nhìn trời đang mưa lất phất trong không gian nhá nhem tối, nghĩ quãng đường về nhà phải đi hơn 20 km mà sợ. Thế nhưng, nhiều giáo nữ còn xa hơn nữa…Những lúc rơi vào hoàn cảnh như thế này sao mà giáo viên chúng tôi sợ họp đến vậy!
Ngoài giờ dạy trên lớp, giáo viên phải dự vô số các cuộc họp (Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Họp- tất nhiên cơ quan, tập thể nào cũng đều phải họp mới có thể duy trì sự hoạt động của mình. Họp để nhìn lại những hoạt động mà đơn vị đã làm được, những hoạt động chưa làm được để đưa ra những giải pháp trong thời gian tới thực hiện tốt hơn.
Họp để bàn bạc những kế hoạch của nhà trường sẽ được triển khai trong thời gian nhằm tổ chức, thực hiện ra sao cho hiệu quả.
Nhưng, họp mà không có gì mới, vẫn là những tổng kết sơ sài, chung chung mà thuật ngữ hay gọi là “họp lệ” thì có cần thiết phải tổ chức nhiều cuộc họp trùng lặp về nội dung hay không?
Bởi, trong trường học thì ngoài số giờ dạy trên lớp theo quy định thì giáo viên còn phải chuẩn bị nhiều việc lúc ở nhà như chấm bài, soạn giáo án, chuẩn bị các loại hồ sơ sổ sách, tự bồi dưỡng chuyên môn và tất nhiên là họ cũng phải còn lo công việc gia đình nữa.
Những cuộc họp thực sự cần thiết thì cả nên huy động giáo viên vào trường, những cuộc họp nào không cần thiết thì chỉ cần thông báo qua tin nhắn hoặc Ban giám hiệu nhà trường chỉ cần triển khai qua đội ngũ cốt cán để họ về triển khai lại trong buổi họp tổ chuyên môn cũng được.
Đằng này, họp đi họp lại nhiều cuộc họp như họp chi bộ, họp tổ trưởng, họp hội đồng sư phạm nhà trường, họp tổ chuyên môn mà cũng chừng ấy nội dung thì họp làm gì cho tốn công, tốn sức của tập thể giáo viên trong nhà trường?
Chỉ mỗi việc tổ chức hội nghị cán bộ, viên chức đầu năm học mà giáo viên chúng tôi phải họp đến 4 lần.
Đầu tiên là tổ chuyên môn họp để thống nhất các chỉ tiêu của tổ trong năm học, sau đó nhà trường tổ chức họp để đăng ký chỉ tiêu, rồi đến hội nghị trù bị và cuối cùng mới tới hội nghị chính thức.
Trong một tuần mà có đến 4 lần vào trường để họp với một nội dung duy nhất là chuẩn bị và tổ chức cho hội nghị cán bộ viên chức nhà trường thì liệu có cần thiết không?
Những ngày đầu năm, nhà trường thường đón nhiều đoàn kiểm tra của Phòng, Ủy ban nhân huyện, xã vào kiểm tra các hoạt động nhà trường và cứ mỗi đợt như vậy, nhà trường đều yêu cầu là giáo viên nào có tiết thì dạy bình thường, giáo viên nào không có tiết thì phải dự để đón đoàn.
Có những lần lên trường dự các đón đoàn như vậy chỉ mất chừng 10 phút nhưng có giáo viên phải vượt qua quãng đường gần 40 km đến trường. Gần 80 km cả đi và về như vậy để lên ngồi không 10 phút cho có mặt như vậy thực sự là lãng phí vô cùng.
Ngoài các cuộc họp nhà trường, giáo viên còn họp tổ chuyên môn, họp hội đồng bộ môn, dự chuyên đề, dự thao giảng tổ, trường, hội đồng bộ môn. Mỗi tuần có vài lần đi họp khiến giáo viên ngán ngẩm.
Nhiều lúc, tranh thủ những cuộc họp như vậy thì một giáo giáo viên mang bài kiểm tra của học trò ra chấm. Bởi, nội dung cũng chẳng có gì mới, chỉ cần dự một cuộc họp trong rất nhiều cuộc họp đã biết được nội dung của tháng đó nhà trường có những hoạt động gì rồi.
Đối với những giáo viên chủ nhiệm lớp thì mỗi tuần còn thêm một số cuộc họp nữa. Lúc thì họp chủ nhiệm, họp để xử lý học sinh vi phạm, họp triển khai các hoạt động ngoài giờ, hoạt động Đoàn- Đội...
Chính vì “họp” nhiều quá, “hành” nhiều quá khiến cho giáo viên sợ họp sau mỗi lần nhận được tin nhắn mời họp.
Những giáo viên gần trường thì còn đỡ nhưng trường học bây giờ có rất nhiều giáo viên xa trường đến vài chục km thì họp là nỗi ám ảnh mỗi khi được triệu tập vào trường để họp.
Họp mà quá tối, họp mà trời mưa gió những lúc đi- về thì đó là nỗi cực hình. Không đi thì không được, không đi thì bị ghi tên vào bảng chấm công và trừ điểm thi đua trong năm, bị góp ý, nhắc nhở trong các cuộc họp kế tiếp...
Nhiều trường còn ra nội quy là tất cả các hoạt động ngoài giờ như tổ chức trung thu, sinh hoạt ngoài giờ, văn nghệ, thể thao đều bắt 100% giáo viên trong trường phải tham dự.
Cho dù tổ chức ban ngày, buổi tối hay ngày nghỉ đều yêu cầu giáo viên phải có mặt dù nhiều giáo viên không kiêm nhiệm công tác chủ nhiêm, dù giáo viên ở xa, hoàn cảnh neo đơn. Nếu không đi là ngày hôm sau hiệu trưởng gọi vào văn phòng góp ý.
Thời đại công nghệ thông tin, trường nào cũng có dịch vụ tin nhắn điện tử, cũng có hộp thư điện tử chung. Những cuộc họp nào thực sự cần thiết thì cả nên triệu tập toàn thể giáo viên nhà trường.
Những cuộc họp mà nội dung ít như triển khai làm một kế hoạch, triển khai việc đón đoàn kiểm tra chỉ cần đơn giản 1 tin nhắn, hoặc một thông báo ngắn đưa lên email chung của nhà trường là giáo viên họ sẽ biết mình cần phải làm gì.
Bởi, những hoạt động đó là thường xuyên đâu có gì mới mà cứ phải họp mới triển khai được? Có những cuộc họp diễn ra khoảng 10-15 phút là khoảng thời gian không nhiều nhưng những giáo viên ở xa thì tội họ lắm!
Lãnh đạo Bộ đã nhiều lần lên tiếng, ra văn bản yêu cầu giảm áp lực cho giáo viên để giáo viên toàn tâm cho việc dạy học của mình nhưng xem chừng mọi thứ vẫn còn xa xỉ với giáo viên dưới cơ sở!