Ôn thi tốt nghiệp, thí sinh hãy gạt bỏ tâm thế học tủ và ngồi chờ vận may

09/05/2021 06:40
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thầy Khương khuyên học sinh thời gian này nên có một thời gian biểu hợp lí và thực hiện một cách nghiêm túc. Đặc biệt các em tránh tình trạng học tủ, chờ vận may.

Thí sinh ôn luyện môn Văn cho kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông cần đặc biệt lưu ý về cấu trúc đề thi, nội dung và phương pháp ôn tập, kĩ năng làm bài...Đó là một vài chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam của Tiến sĩ Đặng Ngọc Khương – giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI và Trường trung học phổ thông Chuyên ngoại ngữ.

Lưu ý về cấu trúc đề

Theo thầy Khương, căn cứ vào đề tham khảo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố vào ngày 31/3/221 thì Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 nhìn chung không có gì thay đổi so với năm 2020. Cấu trúc tổng thể vẫn gồm hai phần chính là Đọc hiểu và Làm văn với thời gian làm bài là 120 phút

Phần Đọc hiểu vẫn gồm 4 câu hỏi nhỏ phân theo mức độ: nhận biết – thông hiểu – vận dụng và vận dụng cao.

Phần Làm văn gồm hai phần nhỏ, gồm Nghị luận xã hội (viết đoạn văn) và Nghị luận văn học (viết bài văn)

Mặc dù cấu trúc tổng thể không có thay đổi nhưng đi vào chi tiết, học sinh vẫn cần có một số lưu ý cụ thể như sau:

Tiến sĩ Đặng Ngọc Khương (ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Đặng Ngọc Khương (ảnh: NVCC)

Ở câu 4 phần Đọc hiểu (vận dụng cao) đề 3 năm gần đây thường có xu hướng yêu cầu học sinh bày tỏ quan điểm, suy nghĩ về một vấn đề nào đó mang tính nghị luận xã hội. Tuy nhiên, câu 4 trong đề tham khảo 2021 lại nghiêng về nghị luận văn học (nhận xét về tình cảm của tác giả đối với miền Trung được thể hiện trong đoạn trích?)

Ở phần Nghị luận văn học (câu 5 điểm), đề 2018, 2019, câu lệnh có 2 vế: vế chính yêu cầu học sinh phân tích, cảm nhận. Vế phụ yêu cầu học sinh từ nội dung phân tích, cảm nhận có thể liên hệ để đưa ra một nhận xét, đánh giá nào đó.

Năm 2020, trên tinh thần giảm tải do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, câu nghị luận văn học chỉ còn 1 vế cảm nhận (không yêu cầu đưa ra nhận xét). Tuy nhiên, trong đề tham khảo năm 2021, kiểu câu hỏi gồm 2 vế đã xuất hiện trở lại (Phân tích hình tượng sông Hương và nhận xét về tính trữ tình trong bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường)

Lưu ý về nội dung ôn tập và phương pháp ôn tập

Thầy Khương nhấn mạnh, để làm tốt bài thi môn Ngữ văn trong kì thi tốt nghiệp yêu cầu học sinh cần có sự đầu tư nghiêm túc và một quá trình ôn luyện tập trung, lâu dài. Tuy nhiên, đến thời điểm nước rút – 2 tháng trước khi thi (tháng 5, tháng 6), về phương diện nội dung, các em cần ôn theo hướng chuyên sâu, trọng điểm. Cụ thể:

Với phần Đọc hiểu, Ngữ liệu tuy không giới hạn, nhưng học sinh nên tập trung vào các vấn đề vừa mang tính thực tiễn, mang ý thời sự, lại vừa có tính triết lí, nhân văn sâu sắc, không nên ôn luyện lan man.

Với làm văn, đặc biệt là phần Nghị luận văn học, học sinh nên tập trung chủ yếu vào nội dung chương trình lớp 12. Nên phân chia mức độ ưu tiên để tập trung vào những tác phẩm chính, quan trọng. Có thể giảm mức độ ưu tiên với những tác phẩm đã ra trong 2 năm gần đây.

Về phương pháp ôn tập, học sinh có thể chia nhỏ đề thi làm 3 phần với thời gian tương ứng để luyện từng ngay cho đỡ áp lực và luyện đề tổng hợp cuối tuần như một bài thi thử. Cụ thể:

Luyện từng ngày luân phiên nhau 1 trong 3 phần thi: Đọc hiểu (25 phút), Nghị luận xã hội (25 phút), Nghị luận văn học (60 phút). Thời gian của từng phần khi luyện nên ít hơn thời gian thi thực tế 5 – 10 phút để khi vào làm bài thi thực tế đảm bảo được tốc độ.

Luyện theo tuần: Mỗi tuần 1 bài thi thử. Ngữ liệu đọc hiểu có thể tùy chọn, nhưng phạm vi câu Nghị luận văn học nên bám sát các tác phẩm trọng tâm.

Sau khi làm xong bài luyện, nền nhờ thầy cô chấm và góp ý để kịp thời bổ sung, rút kinh nghiệm. Hãy giữ lại tất cả tập bài luyện đã được góp ý, chỉnh sửa và lấy đó làm đề cương ôn tập.

Song song với việc khoanh vùng nội dung ôn tập chú ý về phương pháp ôn tập, học sinh cũng cần phân tích kĩ đề và đáp án 3 năm trở lại đây để có cách thức và kĩ năng làm bài hiệu quả nhất.

Theo chia sẻ của thầy Khương, việc phân tích kĩ đề thi những năm gần đây và đặc biệt là đề tham khảo năm 2021 sẽ giúp học sinh nhận diện được những kiểu, dạng câu hỏi, cách hỏi quen thuộc, từ đó có hướng ôn luyện phù hợp, tránh lan man, xa rời thực tiễn.

Cùng với việc phân tích kĩ đề thi, học sinh cũng nên quan tâm đến đáp án chính thức của Bộ sau mỗi kì thi để biết được cách thức và nội dung trả lời cho từng câu hỏi, cách thức cho điểm với từng

Lưu ý về kĩ năng cách thức làm bài

Để có thể làm một bài thi ở mức độ hoàn chỉnh nhất, học sinh cần có một số lưu ý về kĩ năng và cách thức làm bài như sau:

Cần có thói quen đọc kĩ đề, gạch chân từ khóa trước khi lập dàn ý và làm bài chi tiết.

Việc lập dàn ý cho phần Làm văn không thể bỏ qua, nhưng cần ngắn gọn, tránh lãng phí thời gian vô ích.

Sau khi dành 5-10 phút phân tích đề và lập dàn ý cho phần Làm văn, cần phải phân chia tổng thời gian còn lại cho 3 phần thi và thực hiện một cách nghiêm ngặt để đảm bảo tiến độ và dung lượng bài viết. Thông thường sau khi phân tích đề và Lập dàn ý sơ lược cho phần Làm văn, học sinh còn khoảng 110 phút. Khoảng thời gian này sẽ được phân chia tương đối như sau: Đọc hiều (20-25 phút), Nghị luận xã hội (20-25 phút) và Nghị luận văn học (60 – 70 phút)

Mặc dù không có quy định về dung lượng bài làm, nhưng trong khoảng thời gian 120 phút, học sinh phải có một viết với dung lượng từ 6 – 10 mặt giấy mới đảm bảo việc nói đủ, bàn sâu về các vấn đề đặt ra, đặc biệt là ở phần Làm văn.

Không chỉ cần quan tâm đến dung lượng bài viết nói chung, học sinh còn phải chú ý đến dung lượng chữ trong mỗi dòng, đảm bảo không viết quá thưa, cũng không viết quá dày. Những bài viết chữ nhỏ, xấu, viết dày chi chít sẽ là nỗi ám ảnh với người chấm bài.

“Luôn tuân thủ quan điểm “xấu đều hơn tốt lõi”, tức là một bài viết hoàn chỉnh ở mức độ khá tốt hơn rất nhiều so với một bài viết có mở bài, thân bài hay nhưng không có kết bài. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, học sinh cũng phải cố gắng hoàn thành đầy đủ bài thi ở cả phương diện tổng thể và chi tiết”, thầy Khương cho hay.

Một vài lưu ý thêm

Trong mọi tình huống không nên chủ quan, cũng không nên hoảng sợ mất bình tĩnh. Nếu các em đã ôn tập nghiêm túc và nắm cơ bản kiến thức thì đến giai đoạn nước rút cần ôn chuyên sâu và tập trung. Nếu đến thời điểm nước rút vẫn chưa nắm hết kiến thức cơ bản thì cần bổ sung kịp thời để bước vào giai đoạn tổng ôn – luyện đề.

Trong quá trình ôn – luyện phải luôn ý thức, người ra đề thường ra đề thường hỏi cái gì, hỏi như thế nào và cách trả lời từng câu hỏi ra sao để tranh làm bài cảm tính, thiếu chiến thuật.

Thầy Khương khuyên học sinh thời gian này nên có một thời gian biểu hợp lí và thực hiện một cách nghiêm túc. Đặc biệt các em tránh tình trạng học tủ, chờ vận may, bởi điều này sẽ gây nên tâm lí bất an, thụ động và tiềm ẩn nguy cơ thất bại vì “lệch tủ”.

Văn học là câu chuyện của cảm xúc. Các em không thể viết một bài văn tốt nếu không có cảm xúc tự nhiên, chân thật, một tâm thế bình lặng. Khi bước vào phòng thi, các em hãy cố gắng gạt bỏ mọi nỗi sợ hãi để làm chủ cảm xúc, giúp cho mạch triển khai bài viết tự nhiên, linh hoạt.

Thùy Linh