Bàn về những khó khăn, vướng mắc xoay quanh câu chuyện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ - CP, có nhiều ý kiến cho rằng, bài toán tài chính đang là một trở ngại lớn khi chính Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể kiểm soát được nguồn ngân sách hỗ trợ thực hiện chính sách này.
64 chủ thể đặt hàng và 90 đơn vị thực hiện đơn hàng
Trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng ra phân chỉ tiêu cho các trường dựa trên năng lực đào tạo của mỗi cơ sở , nghĩa là chỉ có một đơn vị thực hiện đặt hàng và điều phối.
Tuy nhiên, theo Nghị định 116/2020/NĐ - CP, quy trình trở nên phức tạp hơn khi có quá nhiều đơn vị được quyền đặt hàng.
63 tỉnh, thành cộng với chính phủ là có 64 chủ thể đặt hàng. Trong khi đó, có 90 cơ sở đào tạo giáo viên là đơn cung ứng, thực hiện đơn hàng. Nghĩa là một địa phương có thể đặt hàng cho nhiều cơ sở đào tạo và một cơ sở đào tạo sẽ phải làm việc với hàng chục địa phương.
Ví dụ các tỉnh xác định chỉ tiêu cho ra một con số 1000 sư phạm Toán, số lượng này được đặt hàng cho 10 trường, mỗi trường gồm 100 chỉ tiêu.
Ngược lại, với 100 chỉ tiêu của trường sư phạm, các tỉnh đều có nhu cầu, nhưng nhu cầu đó ở mỗi tỉnh không giống nhau. Có tỉnh xác định cần 2 giáo viên (nếu tính theo nhu cầu tuyển dụng) nhưng có tỉnh lên đến 20 giáo viên, 60 giáo viên,...
Ảnh minh họa: Lã Tiến |
Trong trường hợp số chỉ tiêu của trường trùng khớp với con số nhu cầu của địa phương thì không vấn đề gì. Nhưng nếu con số này chênh lệch quá lớn thì hậu quả sẽ ra sao? Nếu nhu cầu thực tế của địa phương vượt quá chỉ tiêu ban đầu thì lấy đâu ra giáo viên để đáp ứng?
Bên cạnh đó, khi bóc gói chỉ tiêu của trường theo nhu cầu của từng địa phương thì quá trình triển khai cũng vô cùng phức tạp. Khi 10 tỉnh đặt hàng cho 1 trường nghĩa là trường đó phải làm việc với cả 10 tỉnh, ký hợp đồng với cả 10 tỉnh đó. Không như trước đây đã thống nhất một đầu mối ở Bộ Giáo dục.
Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì? Nên chăng, chúng ta chỉ để 1 đơn vị thực hiện đặt hàng. Chỉ tiêu do các tỉnh xác định, báo cáo lại, tổng hợp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ sẽ thay mặt Nhà nước để đặt hàng, thông qua chỉ tiêu đã tổng hợp trước đó. Đơn vị đặt hàng cũng chính là đơn vị được nhà nước cấp và phân bổ ngân sách, từ đó dẫn nguồn ngân sách vào các trường.
Cụ thể, khi giao cho cơ sở đào tạo 1000 chỉ tiêu thì sẽ trao 1000 suất học bổng tương ứng cho sinh viên, cần phải đảm bảo được ngân sách cho học bổng thì quá trình thực hiện mới hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc không để địa phương giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên sẽ giúp hạn chế tối đa những tiêu cực có thể xảy ra.
Những lo lắng, quan ngại về vấn đề tiêu cực là có cơ sở vì địa phương được quyền giao nhiệm vụ cho chính trường của địa phương mình.
Phải khẳng định rằng, chất lượng đào tạo của các trường địa phương không được cao, thế nhưng theo cơ chế mới, trường địa phương lại được giao nhiệm vụ.
Trường địa phương có ưu thế trong xác định các chỉ tiêu tuyển sinh, quỹ học bổng. Tất nhiên tuyển sinh được hay không còn phụ thuộc điểm đầu vào của Bộ. Vừa rồi, trong khi các trường thuộc Bộ chưa được giao chỉ tiêu thì các trường ở tỉnh đã được giao chỉ tiêu rồi.
Điều đó để thấy rằng, cơ chế giao nhiệm vụ đang tạo nên sự cạnh tranh thiếu công bằng giữa các cơ sở đào tạo, hệ thống giao chỉ tiêu không nhất quán nên xảy ra nhiều bất cập.
Chính vì vậy, cần tập trung đầu mối giao nhiệm vụ, đặt hàng cho 1 đơn vị là Bộ Giáo dục và Đào tạo để hạn chế thấp nhất những tiêu cực có thể xảy ra.
Bài toán ngân sách đang nằm ngoài khả năng kiểm soát của Bộ Giáo dục
Vấn đề về ngân sách để thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ - CP đang là mối quan tâm rất lớn của các cơ sở đào tạo giáo viên hiện nay.
Nghị định đã có hiệu lực từ tháng 11/2020 và bắt đầu triển khai thực hiện cho năm học 2021 - 2022, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các tỉnh đều chưa làm dự toán ngân sách đào tạo giáo viên của năm 2021.
Hiện nay, rất ít địa phương nào có đủ ngân sách để cân đối thực hiện bài toán này, hầu hết các tỉnh đều cần ngân sách từ Trung ương. Vấn đề là nếu các tỉnh muốn được cấp ngân sách vào tháng 12 thì họ phải hoàn thành mọi công việc trước khi Nghị định 116/2020/NĐ - CP có hiệu lực.
Ngân sách để chuẩn bị cho Nghị định 116/2020/NĐ - CP là một khoản ngân sách khổng lồ mà ước tính 3000 - 4000 tỷ đồng và chúng ta phải chuẩn bị từ 2020. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi thời gian triển khai đã đến gần nhưng bài toán ngân sách vẫn chưa được giải quyết. Liệu có bao nhiêu địa phương có ngân sách dự phòng để thực hiện và liệu rằng ngân sách dự phòng có được sử dụng cho hoạt động này?
Nếu không có ngân sách thì các địa phương không thể đặt hàng, các cơ sở đào tạo không thể tuyển sinh.
Bài toán tài chính mới quyết định được việc thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên. Rồi đây, sinh viên ngỡ rằng mình được hỗ trợ học phí nhưng không có học bổng cấp cho các em thì chẳng khác gì chúng ta đang “đem con bỏ chợ”.
Chúng ta đã có rất nhiều bài học trong quá khứ rồi, năm 2012, câu chuyện 47 sinh viên giỏi được tuyển chọn du học đại học nước ngoài theo đề án 322 bằng tiền hỗ trợ ngân sách nhà nước đã phải kêu cứu đến Phó Thủ tướng chính là câu chuyện về bài toán ngân sách.
Chúng ta không thể lặp lại sai lầm đó. Còn nếu không có ngân sách, không tuyển sinh thì 4 năm nữa thôi, giáo dục của chúng ta sẽ xảy ra tình trạng thâm hụt giáo viên nghiêm trọng.
Vấn đề ngân sách thuộc quyền hạn của Bộ Tài chính. Vì vậy, Bộ Tài chính cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với nhau để hướng dẫn các trường, các địa phương thực hiện cơ chế đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên. Vấn đề cần được gỡ rối đầu tiên là bài toán ngân sách.
Cần phải có giải pháp cụ thể hơn, quyết liệt hơn trong việc tháo gỡ những khó khăn, bất cập đang tồn tại của Nghị định 116/NĐ- CP.
Về giải pháp trước mắt, cần phải lùi thời gian thực hiện Nghị định 116 ít nhất trong một học kỳ. Cụ thể là tiếp tục thực hiện Nghị định 86/2015/NĐ - CP đến hết năm 2021, bởi vì ngân sách cấp cho các trường đào tạo giáo viên, miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã cấp hết năm 2021. Trong thời gian này, cần chuẩn bị, tính toán kỹ hơn về quy trình, phương pháp, trách nhiệm địa phương, bài toán tài chính như thế nào để thực hiện cơ chế đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên cho năm 2022.
Đối với khóa tuyển sinh ngành sư phạm năm học 2021 -2022, học kỳ 1 sẽ thực hiện theo Nghị định 86/2015/NĐ - CP, học kỳ 2 cho sinh viên đăng ký học bổng, phần còn thiếu ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ bù vào. Đến năm học 2022 - 2023 bắt đầu đặt hàng và đấu thầu đào tạo giáo viên.
Tuy nhiên, giải pháp lâu dài cho vấn đề này là phải gom tất cả cái đầu mối ngân sách về một đầu mối, có nghĩa là các tỉnh đặt hàng, và có ngân sách thì chuyển ngân sách đó để cấp học bổng cho học sinh. Như vậy, việc cấp học bổng chỉ nên được thực hiện bởi một đầu mối duy nhất mới thực sự phù hợp và khả thi trong bối cảnh thực tiễn quản lý của Việt Nam.
Ngân sách cấp học bổng cho sinh viên có thể do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Khi thí sinh trúng tuyển, ngân sách đó chuyển về các trường đào tạo giáo viên, các trường sẽ không còn lo lắng phải làm việc với 64 đơn vị đặt hàng.