Thực tế tại các cơ sở giáo dục, việc chuyển xếp lương theo các Thông tư 21, 22, 23, 24/2015/TTLT-BNV-BGDĐT đã không được thực hiện một cách quyết liệt, kịp thời dẫn đến thiệt thòi cho cả hàng ngàn giáo viên ở các cấp học, bậc học.
Cụ thể, những giáo viên đã tốt nghiệp trên chuẩn ở bậc mầm non, tiểu học (cao đẳng sư phạm trở lên), đại học (ở bậc trung học cơ sở) từ những năm 2012 đến nay đã gần 10 năm nhưng lại không được thi, xét thăng hạng theo các Thông tư trên đã khiến cho rất nhiều giáo viên vô cùng thiệt thòi, mất quyền lợi, lợi ích hợp pháp và chính đáng.
Một trong những bất cập nữa là việc các giáo viên tiểu học có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm (trên chuẩn từ trước 01/7/2020) đã không được chuyển xếp lương theo bằng cấp, nay lại vẫn tiếp tục hưởng lương trung cấp theo các Thông tư mới.
(Ảnh minh họa: Lã Tiến) |
Vì theo Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT về bổ nhiệm xếp lương giáo viên tiểu học công lập thì việc xếp lương được thực hiện theo quy định như sau:
“Tại Điều 9. Điều khoản chuyển tiếp
1. Giáo viên tiểu học hạng IV (mã số V.07.03.09) chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019 thì giữ nguyên mã số V.07.03.09 và áp dụng hệ số lương của viên chức loại B (hệ số từ 1,86 đến 4,06) cho đến khi đạt trình độ chuẩn được đào tạo thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) hoặc cho đến khi nghỉ hưu nếu không thuộc đối tượng phải nâng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
2. Giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.08) chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019 thì giữ nguyên mã số V.07.03.08 và áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 (hệ số từ 2,10 đến 4,89) cho đến khi đạt trình độ chuẩn được đào tạo thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) hoặc cho đến khi nghỉ hưu nếu không thuộc đối tượng phải nâng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.”
Dựa trên quy định trên thì giáo viên tiểu học hạng IV (có hệ số lương 1,86 – 4,06) khi chuyển xếp lương mới sẽ có các trường hợp sau:
Trường hợp 1: Giáo viên A có trình độ trung cấp có hệ số lương 1,86 đến 4,06 khi xếp lương theo Thông tư mới sẽ tiếp tục xếp lương trung cấp.
Trường hợp 2: Giáo viên B có trình độ cao đẳng sư phạm, nhưng chưa được xếp lương cao đẳng mà chỉ hưởng lương trung cấp có hệ số lương 1,86 đến 4,06, khi thực hiện lương mới sẽ vẫn tiếp tục xếp lương trung cấp, đối tượng này chịu thiệt thòi.
Trường hợp 3: Giáo viên C tuyển dụng 2014 có trình độ cao đẳng sư phạm, được xếp lương giáo viên tiểu học hạng III cũ (hệ số lương 2,1 đến 4,89) thì khi chuyển xếp lương mới vẫn giữ lương hệ cao đẳng cho đến khi hoàn chỉnh đại học sẽ được chuyển xếp lương giáo viên tiểu học hạng III có hệ số lương từ 2,34 đến 4,98.
Kiến nghị cho giáo viên hưởng lương theo trình độ đào tạo
Người viết nhận thấy, việc ban hành các Thông tư mới còn khá nhiều bất cập, còn nhiều điều chưa được làm rõ về việc tăng, giảm hệ số lương đã được nêu trong nhiều bài viết.
Hiện nay chỉ cần tạo điều kiện cho giáo viên được hưởng lương theo đúng trình độ đào tạo.
Theo quan điểm người viết có thể thực hiện như sau: giáo viên có trình độ thạc sĩ trở lên hưởng lương 4,0 đến 6,38; trình độ đại học hưởng lương từ 2,34 đến 4,98; trình độ cao đẳng hưởng lương có hệ số 2,1 đến 4,89; trung cấp có hệ số 1,86 đến 4,06.
Nếu được chuyển xếp lương theo trình độ đào tạo là giải quyết phần nào những bức xúc của giáo viên, chấm dứt tình trạng giáo viên có trình độ đại học hưởng lương trung cấp.
Bên cạnh đó tiến đến thời điểm 01/7/2022 sẽ được thực hiện theo lương mới theo vị trí việc làm theo Nghị quyết 27/NQ-TW.
Báo Điện tử Dân trí ngày 24/5/2021 đã đăng bài viết “Thủ tướng: Chuẩn bị nguồn lực cải cách tiền lương từ 1/7/2022” [1]
Bài viết đã nêu rất rõ sự quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong việc chuẩn bị nguồn lực để thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2022, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.
Trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều, khó khăn, thử thách, thiên tai, dịch bệnh nhưng với sự nỗ lực không ngừng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì đợt tăng lương sắp tới rất được nhân dân chờ đợi sau 2 lần trì hoãn tăng lương cơ sở ở các năm 2020, 2021.
Từ 01/7/2021 đã thực hiện lương mới theo vị trí việc làm theo tinh thần Nghị quyết 27/NQ-TW của Trung ương, nên ở thời điểm này Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư thực hiện việc chuyển xếp lương mới cá nhân người viết cho rằng là không thật sự cần thiết.
Giả sử đến thời điểm tháng 10/2021 có quyết định bổ nhiệm giáo viên theo hạng mới thì nó chỉ tồn tại chưa đến 10 tháng, vì lương mới theo vị trí việc làm là thực hiện lương không còn hệ số lương, mà là thực hiện lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc, lương dự kiến được tính bằng lượng tiền khởi động ban đầu,…
Bên cạnh đó nội dung các Thông tư còn rất nhiều điều chưa hợp lý về xếp lương, thăng hạng, xuống hạng,…
Nên một lần nữa, kính mong các cơ quan nghiên cứu tạm dừng việc chuyển xếp lương theo các Thông tư mới trên, chỉ cần tạo điều kiện cho giáo viên được xếp lương, hưởng lương theo bằng cấp, tiến đến hưởng lương mới từ ngày 0/7/2022 theo lộ trình.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://dantri.com.vn/kinh-doanh/thu-tuong-chuan-bi-nguon-luc-cai-cach-tien-luong-tu-172022-20210524202737283.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.