LTS: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục ghi nhận ý kiến từ Chủ tịch Hội đồng đại học/ Hội đồng trường của một số cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng qua quá trình thành lập, kiện toàn và hoạt động Hội đồng trường thời gian vừa qua.
Phóng viên có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Trí Thành - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.
Phóng viên: Khi nghiên cứu hệ thống văn bản pháp luật, ông thấy hệ thống hành lang pháp lý còn có bất hợp lý nào trong quá trình quản trị, quản lý điều hành khiến cho Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường khó thực hiện đúng vai trò của mình không?
Tiến sĩ Phạm Trí Thành: Luật Giáo dục đại học 2018 (gọi tắt là Luật số 34) và Nghị định 99/2019/NĐ-CP cũng đã nêu tương đối rõ về quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng trường và Chủ tịch hội đồng trường, nhưng trong thực tiễn thì các trường chưa thực sự hiểu và thực hiện đúng theo quy định văn bản luật ấy.
Phần quyền lợi kinh tế của ủy viên Hội đồng trường vẫn chung chung và không có văn bản luật tài chính cụ thể nên khó điều hành và động viên được sự nhiệt thành của các thành viên Hội đồng trường nhất là thành viên là người bên ngoài trường.
Tiến sĩ Phạm Trí Thành - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội (ảnh: website Nhà trường) |
Mối quan hệ giữa Chủ tịch hội đồng trường, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trường nhà trường còn chưa được quy định rõ trong các văn bản luật tạo nên khó khăn trong sự phối hợp, làm cho Chủ tịch Hội đồng trường khó thực hiện đúng vai trò của mình. Các phòng ban chưa hiểu đúng về vai trò của Hội đồng trường và Chủ tịch Hội đồng trường nên công việc giám sát, chỉ đạo, ra văn bản còn vướng mắc, chậm trễ.
Hoạt động tự chủ, mở rộng hoạt động với các đơn vị cơ quan hữu quan còn chưa năng động sáng tạo. Nghị định 115 được áp dụng với cơ sở giáo dục đại học còn nhiều vấn đề chưa thực sự phù hợp bởi vì một cơ sở giáo dục đại học có hai nhiệm vụ vừa là một đơn vị sự nghiệp có thu theo yêu cầu ngành nghề của đơn vị chủ quản, đồng thời là một cơ sở giáo dục đại học theo những văn bản quy phạm pháp luật mà Bộ Giáo dục Đào tạo xây dựng dự thảo. Rất cần có những văn bản hướng dẫn hợp lý của nhà nước, Bộ Giáo dục Đào tạo và các bộ/ngành chủ quản để gỡ khó cho Hội đồng trường để nhà trường thực hiện tốt cả hai nhiệm vụ song song.
Chưa kể các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền liên quan đến giáo dục đại học chưa thực sự thống nhất với nhau. Rất cần có những văn bản định hướng cho việc thực hành Luật 34 và Nghị định 99 thật hợp lý, đúng đắn và phù hợp.
Những vấn đề đặt ra trước đây như vai trò của Hội đồng trường, Chủ tịch hội đồng trường có danh nhưng không có thực quyền, vậy trên thực tế khi kiện toàn xong, Hội đồng trường Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội làm gì để có thực quyền để đảm đương vai trò pháp luật quy định?
Tiến sĩ Phạm Trí Thành: Hội đồng trường đã bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm và sự giúp đỡ của Đảng ủy, Ban giám hiệu để đưa ra quy chế tổ chức và hoạt động của trường, quyết nghị thành bổ nhiệm Thư ký hội đồng và Thường trực hội đồng trường theo đúng luật định. Tranh thủ xin ý kiến Vụ Tổ chức, lãnh đạo Bộ Văn hóa , Thể thao và Du lịch, Ban cán sự Đảng ủy khối các trường đại học thành phố Hà Nội để tăng cường các hoạt động của trường.
Mở rộng mối quan hệ với các Hội đồng trường bạn, Câu lạc bộ Chủ tịch hội đồng trường của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và nhiều ban ngành cơ quan hữu quan để tìm ra những hoạt động đề án phù hợp phục vụ nhiệm vụ của trường. Động viên, gặp gỡ các cán bộ phòng, ban, khoa và giảng viên, đoàn thanh niên, công đoàn trong trường để đẩy mạnh sáng tạo trong công việc nhất là công việc tự chủ.
Tạo mối quan hệ mật thiết, hữu cơ giữa Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng trường để xử lý công việc.Thiết lập các tổ chức, đề án, công việc nâng cao vai trò tự chủ của nhà trường. Đây chính là nét tích cực trong nhà trường, Đảng ủy, Ban giám hiệu, Hiệu trưởng là thành phần trong thường trực hội đồng trường rất ủng hộ và tạo điều kiện cho Hội đồng trường hoạt động.
Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Thành lập Thường trực hội đồng trường, bổ nhiệm thư ký hội đồng trường. Đang tiến hành rà soát để ban hành quy chế dân chủ và quy chế chi tiêu nội bộ của trường dù vẫn còn nhiều vướng mắc trong các văn bản luật quy định.
Giám sát các hoạt động về tổ chức nhân sự, đào tạo, tuyển sinh , đánh giá chất lượng của trường. Tuy nhiên mọi việc đang ở những giai đoạn đầu tiên nên còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay chưa có tiêu chuẩn cứng đối người được bầu làm Chủ tịch hội đồng trường. Nếu để góp ý cho tiêu chuẩn cứng đó thì thầy sẽ góp ý gì?
Tiến sĩ Phạm Trí Thành: Theo tôi, Chủ tịch hội đồng trường phải là người có trình độ, học vị đúng ngành nghề và có kinh nghiệm quản lý phù hợp với ngành nghề của cơ sở đào tạo. Có như vậy mới hiểu và giám sát, động viên, thúc đẩy cán bộ giảng viên thực hiện tốt công tác tự chủ của cơ sở đại học.
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Phạm Trí Thành.