Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục ghi nhận ý kiến từ Chủ tịch Hội đồng đại học/ Hội đồng trường của một số cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng qua quá trình thành lập, kiện toàn và hoạt động Hội đồng trường thời gian vừa qua.
Luật Giáo dục nghề nghiệp chính thức có hiệu lực ngày 1/7/2015, quy định cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường cao đẳng. Kể từ đó, hệ thống trường cao đẳng (trừ cao đẳng sư phạm) chính thức chuyển từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý.
Ba năm sau, Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 được ban hành (có hiệu lực từ ngày 1/7/2019) quy định các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ, hoàn toàn không có bậc cao đẳng.
Chính vì vậy, các trường cao đẳng thực hiện theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, chứ không thực hiện theo Luật Giáo dục đại học nữa.
Theo như nhiều chuyên gia và chủ tịch Hội đồng trường một số cơ sở phản ánh cho thấy Điều 16, Luật Giáo dục đại học 2018 cũng như Nghị định 99 chưa phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng của trường đại học công lập.
Điều 10, Thông tư 46/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định về Điều lệ trường cao đẳng cũng như Dự thảo sửa đổi Thông tư này lại càng không nêu rõ trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng trường đặc biệt là vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng trường. Không những vậy, Thông tư 46 cũng như Dự thảo sửa đổi cũng không quy định việc Chủ tịch Hội đồng trường đồng thời là Bí thư Đảng ủy trường theo tinh thần của Nghị quyết 19/TW.
Ảnh minh họa: Tấn Tài |
Phản ánh với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng trường một trường cao đẳng (đề nghị không nêu tên) thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiết lộ:
“Vì Thông tư 46 không quy định Chủ tịch Hội đồng trường là Bí thư đảng ủy nên một số trường cao đẳng thành lập Hội đồng trường nhưng Hiệu trưởng sẽ kiêm Bí thư đảng ủy và kiêm luôn Chủ tịch Hội đồng trường. Một cá nhân kiêm 3 chức vụ.
Khi Hiệu trưởng kiêm nhiệm cả 3 chức năng như vậy thì vai trò của Hội đồng trường chẳng khác gì không có, hữu danh vô thực”.
Cũng theo vị này, hiện nay Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang dự thảo Thông tư quy định về Điều lệ trường cao đẳng tuy nhiên ở Điều 10 quy định số lượng, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trường; nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch, thư ký Hội đồng trường thì dự thảo cũng không có gì thay đổi so với cũ.
“Để Hội đồng trường có thực quyền ở các cơ sở giáo dục đại học cũng như cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì cần có hướng dẫn cụ thể để mọi người (bao gồm cả cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo) nhận thức đầy đủ về chức năng, quyền hạn của Hội đồng trường, của hiệu trưởng và phân định rõ hơn nữa vai trò, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ giữa Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng chứ không sẽ dẫn đến hình thức dẫn tới khó khăn trong triển khai hoạt động”, vị Chủ tịch Hội đồng trường nhận thấy.
Như vậy để thấy, vấn đề hội đồng trường không mới, nhưng qua thực tế triển khai đang cho thấy còn nhiều băn khoăn, vướng mắc mà cơ quan quản lý cần có hướng dẫn cụ thể để tổ chức này có được thực quyền.