Học phí trường công cần được khống chế, Chủ tịch Hội đồng trường nên là cơ hữu

26/07/2021 06:17
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, đối với hệ thống trường công, học phí phải được khống chế ở mức thu nhập trung bình của người dân nên cần phải có mức trần.

Tự chủ đại học, học phí luôn là vấn đề được quan tâm trong nhiều năm qua. Vấn đề này, ngày 25/7, tại phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Đại biểu Quốc hội Lê Quân (Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề về phát triển nguồn nhân lực trong đó nhấn mạnh đến 3 vấn đề cần điều chỉnh khi thực hiện tự chủ đại học.

Lắng nghe phát biểu của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực giáo dục đại học đánh giá cao ý kiến của Đại biểu Quốc hội Lê Quân về “nếu chúng ta triển khai tốt về tự chủ đại học, tự chủ các trường nghề thì mới nhanh có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu phát triển”.

Về vấn đề “chuyển từ cơ chế chi thường xuyên sang đặt hàng” thì Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, nhiệm vụ, trách nhiệm của nhà nước là phải hỗ trợ cho giáo dục công lập trong đó có giáo dục đại học bởi người dân đóng thuế, thuế đó chuyển thành ngân sách nhà nước. Do đó không có lý gì các phúc lợi người dân được hưởng lại không có giáo dục.

“Theo như các tài liệu mà tôi đọc, nghiên cứu cho thấy, trong chi phí đào tạo thì học phí người học đóng góp chỉ chiếm 1/3 còn 2/3 là nguồn khác trong đó nguồn chính đối với đại học công lập là ngân sách nhà nước, mà ngân sách chính là thuế do người dân đóng góp do đó đúng là có chuyện doanh nghiệp đặt hàng các cơ sở giáo dục tuy nhiên trách nhiệm của nhà nước là phải hỗ trợ cho trường công”, Tiến sĩ Khuyến phân tích.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Xuân Trung)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Xuân Trung)

Tuy nhiên Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cũng có một vài trao đổi về mức trần học phí hay đào tạo đại học thì mới được đào tạo sau đại học.

Theo đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, trên thế giới, có trường chỉ đào tạo sau đại học chứ không phải cứ đào tạo đại học thì sau đó mới được nâng lên để đào tạo sau đại học, do đó các ngành nghề ở bậc đại học và sau đại học không nhất thiết phải trùng nhau mà có thể là liên ngành hoặc theo hướng gần với nhau.

Ví dụ, đào tạo đại học là giáo viên dạy Toán, nhưng lên bậc sau đại học thì hoàn toàn có thể học về quản lý giáo dục, phương pháp giáo dục…

Còn về mức trần học phí thì Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, đối với hệ thống trường công, học phí phải được khống chế ở mức thu nhập trung bình của người dân nên cần phải có mức trần, trường tư thì học phí có thể vô hạn. Bởi chi phí đào tạo ở trường công bao gồm học phí và nhiều nguồn khác như ngân sách nhà nước, khoa học sản xuất, ủng hộ từ các Mạnh Thường Quân… do đó nếu cân bằng học phí với chi phí đào tạo là hoàn toàn sai lầm.

Nếu không cơ hữu thì Chủ tịch Hội đồng trường không thể đảm nhận Bí thư Đảng uỷ

Liên quan đến vấn đề quy định bắt buộc đối với Chủ tịch Hội đồng trường phải là cán bộ cơ hữu sẽ gây ra nhiều hạn chế. Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Nguyễn Khắc Khiêm – Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho rằng, trong thực tế, các thành viên ngoài trường hiện tại là đại diện các nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp... nên khá bận công việc, tỷ lệ vắng họp khá cao, ý kiến phản biện còn hạn chế. Mô hình trường đại học hiện là đơn vị hành chính sự nghiệp, nên việc quản trị, quản lý điều hành khác nhiều so với mô hình doanh nghiệp.

Do đó, các thành viên ngoài trường thông thường chỉ có đóng góp có tính vĩ mô, chung chung. Các cơ chế, chính sách nội bộ hiện nay vẫn phải do nội bộ Trường xây dựng, trong đó Hội đồng trường có vai trò quyết định. Theo Luật 34/2018/QH14, Hội đồng trường có vai trò quản trị rất rộng, không chỉ là định hướng, mà còn là quyết định nhiều công việc cụ thể. Do đó, Chủ tịch Hội đồng trường là cơ hữu là hợp lý. Việc này cũng đồng nhất với Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch Hội đồng trường theo Nghị quyết 19-NQ/TƯ năm 2017. Nếu không cơ hữu thì không thể đảm nhận Bí thư Đảng uỷ.

Nếu Hiệu trưởng hoặc Giám đốc đại học sẽ kiêm Bí thư Đảng uỷ thì vai trò Hội đồng trường sẽ khó phát huy...

Phó giáo sư Nguyễn Khắc Khiêm (bên trái) và Tiến sĩ Phạm Trí Thành (bên phải) đều cho rằng, Chủ tịch Hội đồng trường nên là cán bộ cơ hữu

Phó giáo sư Nguyễn Khắc Khiêm (bên trái) và Tiến sĩ Phạm Trí Thành (bên phải) đều cho rằng, Chủ tịch Hội đồng trường nên là cán bộ cơ hữu

Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Phạm Trí Thành - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội cho rằng, Chủ tịch Hội đồng trường là cán bộ cơ hữu là hoàn toàn hợp lý. Vì công việc của Chủ tịch Hội đồng trường và Hội đồng trường rất nhiều và quan trọng trong cơ chế tự chủ, do đó chỉ có làm cán bộ cơ hữu mới toàn tâm, toàn ý gắn bó hữu cơ với sự nghiệp đào tạo của trường và đại diện cho tiếng nói của cán bộ viên chức trong toàn trường.

Hơn nữa, khi chủ tịch Hội đồng trường là cán bộ cơ hữu và nếu là người hiểu biết chuyên môn sâu của trường thì càng tốt, giúp ích cho quyết định chiến lược phát triển của trường được. Đó chính là tâm nguyện, mong đợi của tập thể cán bộ, người dạy, người học của trường đó.

“Nếu muốn thu hút người tài ở ngoài vào vẫn có thể mời làm Chủ tịch Hội đồng trường mà chỉ có yêu cầu là chuyển thành cơ hữu của trường thôi”, Tiến sĩ Phạm Trí Thành nhấn mạnh.

Thùy Linh