Giữa Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng, đừng phân biệt cao thấp

17/06/2021 06:50
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quan trọng nhất là nhận thức về vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng, thống nhất cùng làm việc vì mục tiêu chung.

Từ khi các trường đại học bước vào con đường tự chủ, một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi là mối quan hệ giữa Hội đồng trường và Ban giám hiệu, giữa Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng.

Từ thực tiễn hoạt động của các trường đại học hiện nay, việc thực thi quyền hạn, nhiệm vụ, chức năng của Chủ tịch Hội đồng trường vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp (bên phải) trong lễ ra mắt Câu lạc bộ Khối trường đại học, cao đẳng miền Đông Nam Bộ. (Ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp (bên phải) trong lễ ra mắt Câu lạc bộ Khối trường đại học, cao đẳng miền Đông Nam Bộ. (Ảnh: NVCC)

Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ Dầu Một nói rằng, muốn thực tiễn hoạt động của Hội đồng trường đi vào thực chất, cần phải thay đổi nhận thức trong hệ thống giáo dục đại học, đó là nhận thức về cơ chế, chế độ trách nhiệm, nhận thức về trách nhiệm công việc của mỗi cá nhân, đơn vị trong trường cũng như sự chuyển đổi nhận thức về quy chế.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hiệp, bên cạnh những rào cản vướng mắc về cơ chế, hành lang pháp lý thì vấn đề nhận thức cũng chính là khó khăn hiện nay với các trường đại học. Một khi “nhận thức chưa tới” thì thực tiễn hoạt động sẽ không thể đạt được những hiệu quả mong muốn.

Đầu tiên là vấn đề về cơ chế, từ cơ chế xin-cho chuyển sang cơ chế tự chủ, nghĩa là các trường được quyền tự quyết đi cùng với tự chịu trách nhiệm.

Trên cơ sở đó, cần có sự thay đổi nhận thức về chế độ trách nhiệm. Trước đây, khi chưa thực hiện tự chủ, trách nhiệm chỉ thuộc về một cá nhân là Hiệu trưởng. Tuy nhiên, cơ chế tự chủ đặt ra trách nhiệm cho một tập thể lãnh đạo.

Khi đó, mỗi cá nhân, cán bộ, viên chức cũng phải nhận thức rõ về vấn đề tự chịu trách nhiệm trước công việc của mình.

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hiệp cho biết, pháp luật đã quy định, Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất, thực hiện vai trò đại diện cho chủ sở hữu để thực hiện quyền của chủ sở hữu, quyết định mọi mặt hoạt động của nhà trường.

Hội đồng trường có chức năng giám sát, thực hiện giám sát đối với cả Ban giám hiệu; Có trách nhiệm báo cáo cơ quan thẩm quyền và giải trình trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn; Chịu trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan quản lý có thẩm quyền và các bên có liên quan; Chịu sự giám sát của cá nhân, các tổ chức, xã hội và chịu sự thanh tra của các cơ quan có thẩm quyền”.

Từ đó, vai trò của Chủ tịch Hội đồng trường chính là người chủ trì hoạt động của Hội đồng trường, là chủ trì cuộc họp của lãnh đạo trường.

Đặc biệt cần nhận thức đúng với vai trò của Hiệu trưởng, Hiệu trưởng là người quản lý, tổ chức, thực hiện các nghị quyết của Hội đồng trường. Hiệu trưởng ban hành các quy định khác theo quy chế hoạt động của Hội đồng trường.

“Phải giải quyết được vấn đề nhận thức nêu trên mới có thể xây dựng được một quy chế làm việc phù hợp.

Trên thực tế, giữa Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng, chúng ta không nên phân cao thấp, rằng ai cao hơn ai, điều quan trọng ở đây là nhận thức về vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của mỗi người, và tất cả cùng thực hiện công việc vì một mục tiêu chung là sự phát triển của trường.

Không nên đặt vấn đề cao thấp mà phải đặt vấn đề về chức năng, không nên đưa cái tôi của mình lên cao hơn người người khác mà nên hướng về mục tiêu phát triển trường, thống nhất quy chế làm việc.

Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất mà người điều hành là Chủ tịch Hội đồng trường, còn Hiệu trưởng là người quản lý, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng trường và pháp luật”, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hiệp nhận định.

Từ đó, vấn đề cuối cùng là phải thay đổi nhận thức về hoạt động của nhà trường.

Mỗi trường đại học phải xây dựng một quy chế hoạt động riêng

Theo quan điểm của Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hiệp, trong bối cảnh hệ thống văn bản pháp lý chưa rõ ràng, cụ thể, mỗi trường đại học cần phải có quy chế hoạt động của riêng mình.

Những quy định được ban hành theo luật pháp còn nhiều nội dung mang tính chất chung chung, chưa rõ ràng, thậm chí là mỗi người, mỗi trường còn có những cách hiểu khác nhau.

Đi vào thực tiễn hoạt động của từng trường, cần có những quy định cụ thể, chi tiết hơn. Đó chính là lý do mỗi cơ sở giáo dục đại học cần ban hành quy chế hoạt động cho chính mình.

“Tại Trường Đại học Thủ Dầu Một, chúng tôi thực hiện phân công trong lãnh đạo, từ Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng, Hiệu phó, các Ủy viên ban thường vụ đều thống nhất với nhau bằng 1 quy chế làm việc chung.

Đồng thời, ủy quyền cho Chủ tịch Hội đồng trường xử lý công việc giữa hai kỳ họp của Hội đồng trường, báo cáo trong cuộc họp gần nhất của Hội đồng. Nếu có những việc gấp thì phải họp Hội đồng trường ngay để bàn luận, thông qua và quyết định.

Bên cạnh đó, trong quy chế tổ chức hoạt động, trường sẽ phân định rõ trách nhiệm từng vị trí, xác lập thiết chế ra quyết định, tổ chức thực hiện và giám sát.

Cuộc họp lãnh đạo trường được thực hiện với các nội dung như: Những vấn đề chưa có chủ trương của Hội đồng trường cần phải xử lý và giải quyết ngay; chuẩn bị các nội dung công việc để Hội đồng trường quyết định; thống nhất các hoạt động trong trường bao gồm Đảng, đoàn thể, chuyên môn. Lãnh đạo trường bao gồm Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, các Ủy viên ban thường vụ Đảng ủy”, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hiệp chia sẻ.

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hiệp cũng cho rằng, cần phải hoàn thiện cơ chế, hành lang pháp lý để các trường thực hiện đúng theo tinh thần tự chủ. Hiện nay, các trường vừa phải tuân theo Luật Giáo dục đại học, lại chịu sự ràng buộc bởi các luật chuyên ngành. Hệ thống văn bản pháp lý chồng chéo đang gây khó khăn cho thực tiễn hoạt động của các trường đại học.

“Các văn bản pháp lý cũng cần phải có nội dung rõ ràng hơn, cần sử dụng câu từ phù hợp.

Ví dụ hiện nay, các văn bản đang dùng từ “người đứng đầu” đang gây nhiều tranh cãi. Ai là người đứng đầu trường đại học, vấn đề này giữa các trường cũng hiểu khác nhau.

Thực tế, nhiều trường hiểu người đứng đầu là Hiệu trưởng, nhưng hiện nay một số trường đang khuyết vị trí Hiệu trưởng, vậy văn bản chỉ đạo sẽ không có ai ký, công việc cần làm không thể giải quyết được, đây là vấn đề bất cập hiện nay.

Thay vì dùng “người đứng đầu”, văn bản pháp lý nên điều chỉnh thành “lãnh đạo trường”, như vậy, những người trong tập thể lãnh đạo trường đều có thể ký và quyết định công việc dựa trên việc họp bàn, trao đổi, công khai minh bạch và thực hiện đúng trách nhiệm giải trình. Như vậy mới đúng với tinh thần tự chủ”, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hiệp khẳng định.

Phạm Minh