Tăng học phí đại học là một trong những vấn đề nóng đang được bàn luận hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải tăng học phí trường công để nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là trong bối cảnh tự chủ đại học. Tuy nhiên, câu chuyện tăng học phí cũng gặp phải những rào cản khi nó tác động không nhỏ đến cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của người nghèo.
Vậy câu hỏi đặt ra là phải làm sao để nâng cao chất lượng giáo dục mà không làm hạn chế cơ hội học tập của người nghèo?
Xoay quanh vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia.
Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia. (Ảnh: NVCC) |
- Thưa ông, cơ chế tài chính cũng như chính sách học phí đại học ở nước ta còn tồn tại những vấn đề bất cập nào, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện tự chủ như hiện nay?
Tiến sĩ Phạm Hiệp: Có hai công cụ để thực hiện đổi mới giáo dục đại học, thứ nhất là tự chủ và thứ hai là tài chính. Tự chủ đã được bàn nhiều trong những năm qua nhưng vấn đề về tài chính dường như ít được quan tâm hơn, mặc dù nó cũng có mức độ tác động rất lớn với hoạt động trực tiếp tại trường đại học, nhất là khi xu thế “tự chủ tài chính” (thực ra là tự túc tài chính, cắt giảm ngân sách chi thường xuyên, chi đầu tư cho các đại học công lập) đang ngày càng hiển hiện.
Cơ chế tài chính trong giáo dục đại học hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.
Suất đầu tư, bao gồm ngân sách nhà nước và học phí trên đầu sinh viên ở Việt Nam đang quá thấp. Chúng ta có quá nhiều trường đại học công lập (hệ quả của việc mở quá nhiều giai đoạn 2000-2010) nên mặc dù Chính phủ đã liên tục tăng đầu tư cho giáo dục đại học nhưng ngân sách nhà nước đầu tư trên đầu sinh viên vẫn còn quá thấp. Ngân hàng thế giới cũng đã có báo cáo nói về vấn đề này. Trong khi đó, trường hợp của các nước khác như Philippines, Malaysia hay Indonesia ít trường công, nhiều trường tư nên tiến hành cải cách giáo dục đại học dễ hơn nhiều.
Nói về chính sách học phí, chúng ta đang tồn tại học phí “2 thấp”, nghĩa là học phí thấp và hỗ trợ thấp. Hỗ trợ ở đây bao gồm cả chính sách về học bổng và tín dụng sinh viên.
- Với những bất cập nêu trên, theo ông, chúng ta phải đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục đại học như thế nào?
Tiến sĩ Phạm Hiệp: Mục tiêu kép trong giáo dục đại học là nâng cao chất lượng và mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho người nghèo. Tuy nhiên, hai mục tiêu này lại luôn giằng co, mâu thuẫn với nhau, nếu ta ưu tiên mục tiêu này thì lại ảnh hưởng tới mục tiêu kia và ngược lại. Chính vì vậy, bài toán học phí khó về cả chính sách lẫn thực thi.
Tôi cho rằng rất cần thiết đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục đại học hiện nay.
Thứ nhất, suất đầu tư, bao gồm ngân sách nhà nước và học phí trên đầu sinh viên đều phải tăng lên.
Thứ hai, phương án lâu dài là phải giảm quy mô giáo dục đại học công để chú trọng đầu tư tinh hoa, đầu tư vào sau đại học, đầu tư vào những ngành/lĩnh vực thiết yếu như khoa học cơ bản, sư phạm, y tế, nông nghiệp hay xã hội nhân văn. Muốn đáp ứng nhu cầu đi học của xã hội thì cần mở rộng giáo dục đại học tư thục (thực tế NQ14/2005/NQ-CP về đổi mới giáo dục đại học cũng đã đưa ra phương án này). Tuy vậy, phương án lâu dài này khó thực hiện ngay vì để giảm quy mô giáo dục đại học thì phải đóng cửa một số trường công không hiệu quả hoặc ít nhất là thực hiện sáp nhập. Đây là việc làm không hề dễ.
Thứ ba, phương án có thể áp dụng ngay là điều chỉnh chính sách về tài chính, thực hiện cơ chế tài chính “2 cao”: học phí cao – hỗ trợ cao (hỗ trợ bao gồm học bổng và tín dụng sinh viên). Cơ chế này sẽ một mặt vừa giúp tăng suất đầu tư trên đầu sinh viên (là điều kiện cần để đảm bảo chất lượng, đảm bảo thu nhập cho giảng viên), vừa không làm ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của người nghèo. Cơ chế “2 cao” này được nhiều người kỳ vọng sẽ xử lý tốt hơn cơ chế “2 thấp” (học phí thấp, hỗ trợ thấp) trong việc đồng thời giải quyết mục tiêu kép: nâng cao chất lượng – mở rộng cơ hội đi học đại học cho người nghèo.
- Ông có đề cập đến cơ chế “2 cao” bao gồm học phí cao và hỗ trợ cao. Vậy đối với chính sách hỗ trợ cao thông qua học bổng và tín dụng sinh viên, chúng ta nên triển khai như thế nào để thực sự giải quyết được vấn đề về cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của người nghèo?
Tiến sĩ Phạm Hiệp: Chúng ta có tín dụng sinh viên, học bổng sinh viên nhưng vẫn chưa đảm bảo tiếp cận được đến mọi đối tượng có nhu cầu hiện nay. Bên cạnh đó, về mặt chính sách, cách thức triển khai cũng còn tồn tại những hạn chế nhất định.
Theo tôi, chính sách học bổng và tín dụng phải đảm bảo là dù tăng học phí nhưng người nghèo vẫn có cơ hội học tập. Tùy vào từng đối tượng, trường hợp khác nhau mà có thể áp dụng chính sách về học bổng hoặc chính sách vay vốn hoặc kết hợp cả hai. Cụ thể, người học có 3 lựa chọn hỗ trợ.
Thứ nhất là học bổng cho sinh viên nghèo, đây phải là quỹ học bổng do Nhà nước quản lý. Ở nước ta hiện nay tôi chưa thấy có quỹ học bổng này.
Trước đây, ngân sách nhà nước cấp cho các trường thì bây giờ, nhà nước giữ lại một phần để làm quỹ học bổng do mình quản lý. Bên cạnh đó, chúng ta có thể kêu gọi các nguồn xã hội hóa, sự đóng góp của các doanh nghiệp, các mạnh thường quân cho quỹ học bổng này.
Về mặt lý thuyết chính sách thì chúng ta hiểu là chuyển nguồn tiền từ bên cung (trường đại học) sang bên cầu (người học), cấp thẳng trực tiếp cho người học thay vì thông qua trường đại học.
Chúng ta cần phải phân biệt quỹ học bổng cho sinh viên nghèo với quỹ học bổng cho sinh viên có thành tích xuất sắc.
Quỹ học bổng cho sinh viên nghèo phải do Nhà nước quản lý thì mới điều phối và thực hiện hiệu quả, đúng đối tượng. Tất nhiên, sinh viên nghèo cũng phải đảm bảo đạt được các yêu cầu, tiêu chí về đầu vào, phải đỗ vào các trường đại học.
Học bổng này không chỉ đáp ứng mức học phí mà còn cả về sinh hoạt phí cho sinh viên, sẽ có các mức học bổng cho từng đối tượng, ai có khả năng chi trả thấp thì mức học bổng sẽ cao.
Chính sách miễn học phí của chúng ta hiện nay chỉ mới áp dụng cho sinh viên thuộc diện hộ nghèo nhưng chưa có cho hộ cận nghèo, hộ thu nhập trung bình thấp cũng rất cần hỗ trợ. Phải xét từng trường hợp, sinh viên phải có đơn xin học bổng, trong đơn làm rõ điều kiện hoàn cảnh của mình và phải thể hiện sự nghiêm túc của mình về việc học.
Hiện nay, học phí đại học của chúng ta còn ở mức thấp nhưng thực tế là nhà nước đã hỗ trợ một phần rồi, nhưng bản thân người học cũng không hề biết là mình được nhà nước hỗ trợ bao nhiêu.
Ví dụ, trong 4 năm đại học, một sinh viên đã được trợ giá mỗi tháng 1 triệu đồng, trong 4 năm, sinh viễn đã được hỗ trợ 40 triệu đồng. Chúng ta chuyển phần hỗ trợ đó thành học bổng, cơ chế mới này giúp người học nhìn hết được giá trị đồng tiền (của mình, của nhà nước, của xã hội đầu tư) để học tập nghiêm túc.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cũng thấy rằng, sinh viên chọn mình, đây là đồng tiền của sinh viên đóng vào trường, nhà trường cần có trách nhiệm cao hơn với việc học của sinh viên.
Thứ hai là tín dụng sinh viên. Chính sách về tín dụng sinh viên ở nước ta đã có từ 2007, đến nay cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể chúng ta chỉ có một mức vay áp dụng cho mọi đối tượng. Mức vay cũng đang ở mức thấp, chỉ đủ để chi trả cho học phí trường công, không đủ để sinh viên chi trả học phí trường tư cũng như các khoản như sinh hoạt phí. Bên cạnh đó, bất cập của tín dụng sinh viên còn là bắt sinh viên chi trả khoản vay ngay sau khi ra trường.
Cần phải có một mô hình tín dụng sinh viên linh hoạt hơn, mức cho vay phải cao hơn để sinh viên trang trải học phí, sinh hoạt phí, phải áp dụng những mức vay vốn khác nhau cho từng đối tượng với nhu cầu khác nhau.
Tuy nhiên, nếu muốn nâng mức cho vay thì không thể bắt sinh viên chi trả ngay sau khi ra trường được. Thay vào đó, cần áp dụng mô hình tín dụng tùy theo thu nhập (income contingent loan), tức là mức trả cho sinh viên sau khi ra trường tỉ lệ tương ứng với mức lương, thu nhập của từng người.
Ví dụ, lương anh 10 triệu đồng thì anh sẽ trả nợ 2 triệu đồng/tháng, lương anh 15 triệu đồng thì sẽ trả nợ 3 triệu đồng/tháng, như vậy, khoản thu nhập còn lại họ vẫn đủ cho họ trang trải cuộc sống. Hệ thống thuế của Việt Nam hiện nay đã tốt hơn nhiều nên có thể đảm bảo kiểm soát được vấn đề này, mức thu nhập của mỗi cá nhân rất rõ ràng nên việc áp dụng mô hình này là khả thi.
Ở một số nước châu Âu vì họ có nguồn lực mạnh, trường đại học áp dụng chính sách miễn học phí hoàn toàn. Nhưng ở nước ta, trong bối cảnh chúng ta không đủ nguồn lực, ở giáo dục phổ thông, nhà nước cần đầu tư hết, còn ở giáo dục đại học, về cơ bản thì nhà nước, xã hội và người học phải cùng đóng góp vào (trừ một số ngành đặc thù như đã trình bày ở trên)
Ngoài ra, chúng ta phải có sự linh hoạt trong áp dụng chính sách tín dụng và học bổng cho sinh viên nghèo. Một sinh viên theo học chương trình này nhưng với quỹ học bổng không thể đáp ứng được hết, sinh viên đó chỉ được 50% học bổng, vậy 50% còn lại, sinh viên có thể dựa vào vay vốn.
Vừa có học bổng, vừa được cho vay, đó giống như một khoản đầu tư để sinh viên thực sự quyết tâm cho việc học của mình, như vậy tránh được tình trạng sinh viên vào đại học nhưng không nghiêm túc, không tập trung vào việc học, không chọn ngành kỹ lưỡng, học vì mục tiêu khác (ví dụ để hoãn nghĩa vụ quân sự). Cái này chính là ý “học đại” như Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân có phát biểu cách đây vài tuần.
Thứ ba là học bổng theo thành tích học tập của sinh viên. Ở các trường đại học của chúng ta hiện nay đều có quỹ học bổng này nhưng vẫn ở mức thấp, học bổng được trích từ 8% tổng số học phí thu được.
Quỹ học bổng này phải do trường đại học quản lý, bởi chỉ có nhà trường mới đánh giá được thành tích của sinh viên.
Ngoài mức 8% được lấy từ tổng số học phí thu được, nhà trường cần phải huy động từ những nguồn khác, từ sự đóng góp của các doanh nghiệp, các mạnh thường quân. Hiện nay về mặt chính sách thuế đã tạo điều kiện thuận lợi cho các trường thành lập quỹ, nộp tiền vào quỹ mà không phải gặp vướng mắc, rào cản nào. Vậy vấn đề còn lại là các trường sẽ triển khai như thế nào.
Học bổng theo thành tích học tập của sinh viên cũng cần phải có tiêu chí đánh giá đa dạng. Thành tích của sinh viên không chỉ được đánh giá dựa vào một tiêu chí duy nhất là điểm số học thuật. Ví dụ sinh viên xuất sắc trong một môn học, một môn thể thao, hoặc có một thành tích đặc biệt cũng có thể nhận được học bổng.
- Thưa ông, nhiều quan điểm cho rằng việc tăng học phí phải đi cùng với cam kết về chất lượng, trường đại học khi tăng học phí cao cần có cam kết sinh viên ra trường có việc làm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tiến sĩ Phạm Hiệp: Một điều hiển nhiên là khi các trường tăng mức học phí thì phải chứng minh được về chất lượng đào tạo của mình.
Cũng giống như khi chúng ta mua một sản phẩm, chúng ta phải đưa ra được đánh giá về chất lượng sản phẩm đó. Lựa chọn cơ sở giáo dục nào thuộc về quyền quyết định của người học, và chất lượng giáo dục cũng phải được công khai, minh bạch.
Nói về đảm bảo chất lượng thì không nơi nào trên thế giới bắt các trường đưa ra cam kết sinh viên có việc làm sau khi ra trường. Đó không phải là tiêu chí duy nhất của 4 năm đại học và vấn đề về việc làm còn phụ thuộc vào những yếu tố khác nữa.
Chất lượng của một cơ sở giáo dục đại học phải được thể hiện qua hệ thống đảm bảo chất lượng, với các tiêu chí sau:
Một là về kiểm định chất lượng. Cái này chúng ta đang làm tương đối bài bản và đúng hướng.
Hai là các thông số minh bạch về kết quả đầu ra như xếp hạng; công bố khoa học của giảng viên; tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm hàng năm; mức thu nhập của sinh viên sau khi ra trường;...
Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường đại học là phải minh bạch, công khai thông tin, đồng thời phải đảm bảo người dân dễ dàng được tiếp cận thông tin này.
Ví dụ như ở Hàn Quốc, họ có Cổng thông tin cấp quốc gia, thể hiện rõ từng chỉ số của từng trường đại học, giúp người dân tiếp cận thông tin dễ dàng và có sự đối sánh về chất lượng của từng cơ sở.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường thực hiện ba công khai thì Bộ cũng phải có nghĩa vụ tổng hợp thông tin từ các trường và đưa ra 1 website chung để công khai, minh bạch những thông tin này. Nếu không làm được nghĩa là Bộ Giáo dục và Đào tạo thiếu trách nhiệm giải trình trong việc này.
Trân trọng cảm ơn ông!