Nhiều thầy cô hạng II phải xuống hạng III trong ấm ức vì thiếu "nhiệm vụ"

11/08/2021 08:34
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giữ nguyên cách xếp hạng theo thông tư chỉ thêm từ đã trong câu phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận thành căn cứ vào vị trí việc làm đã và đang đảm nhận

Bài viết: “Không được giao nhiệm vụ hạng II phải xuống hạng, giáo viên cầu cứu Bộ Giáo dục” của một số giáo viên tiểu học ở thành phố Đà Nẵng đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã không còn là tiếng nói đơn lẻ của các thầy cô giáo ở một địa phương mà nhiều giáo viên ở khắp mọi miền đất nước đều có chung nỗi niềm này.

Bất cập trong việc chuyển xếp hạng

Trong thư gửi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một số thầy cô giáo tiểu học có nêu: “Hiện tại chúng tôi đang là giáo viên Tiểu học hạng II, đa số có thâm niên công tác trong ngành giáo dục và đào tạo đã 10 năm trở lên.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: vpubnd.thuathienhue.gov.vn

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: vpubnd.thuathienhue.gov.vn

Đối chiếu với các tiêu chuẩn qui định tại điều 4 Thông tư 02/2021 thì chúng tôi đầy đủ các tiêu chuẩn qui định tại khoản 2, 3, 4 tức là về đạo đức nghề nghiệp, về năng lực chuyên môn nghiệp vụ, về đào tạo, bồi dưỡng, có người có cả bằng thạc sĩ chuyên ngành; chúng tôi có đủ bằng cấp, chứng chỉ và giấy khen cho các thành tích cấp trường, quận trở lên…

Chỉ có những nhiệm vụ nêu ở điểm a, b, c, d khoản 1, điều 4 là chúng tôi chỉ thực hiện được một số nhiệm vụ chứ chưa thực hiện hết tất cả các nhiệm vụ nêu trong qui định như: Làm thanh tra, tham gia khảo sát giáo viên giỏi, tham gia công tác kiểm định chất lượng.

Lí do, chúng tôi chỉ là giáo viên bình thường không phải là tổ trưởng chuyên môn nên không được nhà trường giao những nhiệm vụ này. Mặc dù, nếu được giao chúng tôi nghĩ là chúng tôi vẫn làm tốt và có thể sẽ tốt hơn cả đội ngũ tổ trưởng chuyên môn.

Tuy nhiên, nhà trường căn cứ vào đây cho rằng chúng tôi không đạt các yêu cầu về nhiệm vụ tại khoản 1, điều 4 nên không chuyển hạng II cho chúng tôi mà chuyển xuống hạng III.

Không riêng Đà Nẵng, nhiều trường học ở tỉnh Bình Thuận vừa qua cũng đang thực hiện việc chuyển xếp hạng giáo viên theo thông tư mới (các trường xếp trước nhưng phòng Nội vụ chưa ra quyết định).

Đó là, chỉ 1 số ít giáo viên là tổ trưởng chuyên môn trong nhà trường mới đủ điều kiện để giữ hạng II còn đại đa số giáo viên đang giữ hạng II cũ phải chuyển sang hạng III mới.

Trong số những thầy cô giáo bị xuống hạng, có không ít giáo viên trước đây cũng đã làm tổ trưởng chuyên môn, đã trải qua các nhiệm vụ mà thông tư yêu cầu, đã có khá nhiều thành tích vượt trội hơn nhiều đồng nghiệp đang đảm nhận chức danh tổ trưởng hiện nay nhưng vẫn không được xem xét.

Nếu căn cứ vào các chùm Thông tư 01/02/03/04/ 2021/TT-BGDĐT quy định, nhiều địa phương đang xếp hạng là không sai

Trong bài viết này chúng tôi chỉ lấy ví dụ về bậc tiểu học (các bậc học cũng có nguyên tắc xếp hạng như nhau).

Chuyển xếp hạng cho giáo viên theo thông tư mới, nhiều địa phương đã căn cứ vào những nguyên tắc xếp hạng được quy định như sau:

Điều 6. Nguyên tắc bổ nhiệm theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên tiểu học theo Thông tư 02/2021 nêu rõ:

1. Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên tiểu học quy định tại Thông tư này phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận và bảo đảm đạt tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp được quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 và quy định tại Điều 7 Thông tư này.

Những quy định ở Điều 3, Điều 5, Điều 7 giáo viên hạng II cũ đều đảm bảo đủ nhưng Điều 4 (tiêu chí b, c, d) chỉ có những thầy cô đang làm tổ trưởng chuyên môn mới đủ yêu cầu.

Ví như Điều 4. Giáo viên tiểu học hạng II - Mã số: V.07.03.28 phải đạt:

1. Nhiệm vụ

Ngoài những nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng III, giáo viên tiểu học hạng II phải thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Là báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên tiểu học hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp mới từ cấp trường trở lên;

b) Chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn/chuyên đề ở tổ, khối chuyên môn; tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp trường trở lên;

c) Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp trường trở lên; thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên cốt cán trường tiểu học;

d) Tham gia các hoạt động chuyên môn khác như kiểm định chất lượng giáo dục, thanh tra, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm từ cấp trường trở lên; tham gia hướng dẫn, đánh giá thực tập sư phạm của sinh viên (nếu có).

Một số giáo viên thắc mắc mình có bề dày thành tích, đã từng làm tổ trưởng chuyên môn nên những nhiệm vụ quy định ở Điều 4 cũng đã làm qua nhưng nay không được giữ hạng sẽ rất thiệt thòi.

Tuy nhiên, thông tư đã quy định phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận vì thế dù thấy có thiệt thòi cho các thầy cô nhưng địa phương vẫn không thể làm khác.

Kiến nghị Bộ Giáo dục và Bộ Nội vụ giữ nguyên hạng cho giáo viên đang ở hạng II cũ được chuyển sang hạng II mới

Thứ nhất, Chùm Thông tư vừa được ban hành (01/02/03/04/2021) chỉ dùng để xét chức danh nghề nghiệp cho những giáo viên đủ điều kiện để thăng hạng lần này.

Thứ hai, những thầy cô giáo đã được xét thăng hạng từ Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV mà trong suốt quá trình không vi phạm đạo đức nghề nghiệp, không vi phạm kỷ luật chuyên môn, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm trở lên sẽ được giữ hạng II và được phiên qua hạng II mới mà không phải căn cứ vào Điều 4 của thông tư này.

Thứ ba, giữ nguyên cách xếp hạng theo thông tư chỉ thêm từ đã vào câu "...phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận" thành "...phải căn cứ vào vị trí việc làm đã đang đảm nhận".

Thứ tư, Bộ cần ban hành quy chế xét xuống hạng nếu giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, vi phạm nội quy, quy chế chuyên môn của ngành, vi phạm an toàn giao thông…

Có như vậy, mới khuyến khích được nhà giáo luôn tự học tập và bồi dưỡng nâng cao trình độ, mới động viên được những thầy cô giáo đã hết mình phấn đấu cho sự nghiệp giáo dục không cảm thấy bị thiệt thòi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết