Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải loạt bài viết về giáo viên chủ nhiệm: “Khi thầy cô đùn đẩy nhau làm chủ nhiệm, nhà trường phải làm sao?” của tác giả Hương Mai, “Tôi thấy các thầy cô không làm chủ nhiệm thật sướng và thảnh thơi” của tác giả Đỗ Quyên, “Làm giáo viên chủ nhiệm, chúng tôi sợ nhất là phải thu tiền” của tác giả Ngân Hoa.
Loạt bài viết trên là ý kiến của nhiều giáo viên hiện nay cho rằng công việc của giáo viên chủ nhiệm vô cùng vất vả, nhiều áp lực nhất trường.
Bên cạnh đó việc đãi ngộ chưa tương xứng, còn chưa công bằng giữa người làm công tác chủ nhiệm và không chủ nhiệm,…
Những điều mà các tác giả trên viết đều là sự thật, tồn tại nhiều năm mà chưa có giải pháp tháo gỡ.
Nhiều giáo viên bị cắt thi đua do làm giáo viên chủ nhiệm
Có một điều chắc chắn là các giáo viên chủ nhiệm thường rất thiệt thòi trong việc xét thi đua, đánh giá, phân loại giáo viên mỗi năm học.
Trong khi giáo viên dạy lớp thì chỉ cần thực hiện đủ nhiệm vụ, hoàn thành công việc thì đa số được xét đạt nhiệm vụ, đạt thi đua,…
Còn giáo viên chủ nhiệm thì lại bị bủa vây bởi những chỉ tiêu “trên trời” khác.
Những chỉ tiêu thì lại không phù hợp, bị “ép” nên giáo viên ngao ngán khi bị phân công làm công tác chủ nhiệm, có giáo viên còn tổ chức ăn mừng khi được thoát công tác chủ nhiệm.
Những chỉ tiêu mà đa số giáo viên chủ nhiệm bị cắt thi đua như: chỉ tiêu như chất lượng học sinh, lên lớp thẳng, duy trì sĩ số, thi đua lớp, chỉ tiêu thu tiền (học phí, sách vở, ủng hộ,…).
Nói là chỉ tiêu nhưng gần áp chỉ tiêu 100%, chỉ cần một học sinh ở lại lớp, bỏ học, không đóng tiền học phí,… thì giáo viên chủ nhiệm có thể bị cắt thi đua.
(Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn) |
Thực tế ở một số trường hiện nay, khi cuối năm xét thi đua thì những người không đạt đa phần là những giáo viên chủ nhiệm.
Do đó, như trong các bài viết đã phân tích nhiều người rất “sợ”, lo lắng và áp lực khi được phân công làm công tác chủ nhiệm nên hiệu quả không cao.
Vẫn có 1 số giáo viên “chạy” để được làm chủ nhiệm
Trong khi nhiều người lo sợ áp lực công việc, áp lực xét thi đua,... khiến nhiều giáo viên lo sợ, tìm cách từ chối khi được phân công chủ nhiệm thì lại có một số giáo viên lại “chạy” để được phân công làm công tác chủ nhiệm.
Do các trường phân công lớp chọn, lớp giỏi nên một mặc họ “chạy” né chủ nhiệm lớp thường, mặc khác lại “chạy” được chủ nhiệm lớp chọn.
Nếu được chủ nhiệm lớp chọn thì họ có thể sẽ được vô vàn lợi ích như:
Đến các ngày lễ, tết,… hầu hết sẽ có nhiều quà, thậm chí “bao thư”,…
Nếu dạy thêm thì được chủ nhiệm lớp chọn, lớp giỏi thì hấu hết sẽ tha hồ dạy thêm, thu tiền.
Lớp chọn đa số các em là những học sinh giỏi, ý thức tự giác cao, tham gia phong trào tốt,… nên giáo viên được chủ nhiệm lớp chọn rất khỏe, yên tâm lúc nào cũng đạt chỉ tiêu, được khen thưởng,… và hầu như không bao giờ bị cắt thi đua.
Vì vậy, nhiều giáo viên “chạy” được làm giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, lớp chọn là vì thế.
Bỏ lớp chọn sẽ không còn “chạy” suất giáo viên chủ nhiệm
Thực tế có sự thiếu công bằng giữa giáo viên làm công tác chủ nhiệm và giáo viên không chủ nhiệm bên cạnh đó là giữa người chủ nhiệm lớp chọn và lớp thường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản cấm lớp chọn ở bậc tiểu học, trung học cơ sở nhưng nhiều nơi vẫn cố tình vi phạm, làm cho sự bất công, bất bình đẳng trong giáo dục tăng lên.
Theo đó, để giảm các áp lực để giáo viên không còn né hay “chạy” giáo viên chủ nhiệm có thể thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, hãy giảm bớt các chỉ tiêu cho giáo viên
Các chỉ tiêu để khuyến khích học sinh ngoan, có phẩm chất, học tốt,… là điều tốt nhưng các chỉ tiêu ép buộc giáo viên thu tiền, chỉ tiêu học sinh ở lại lớp, chỉ tiêu học sinh bỏ học,… thì nên giảm hoặc bỏ bớt để giáo viên tập trung chuyên tâm vào công tác chủ nhiệm, rèn luyện đạo đức, phẩm chất và năng lực cho người học.
Giảm bớt áp lực cho giáo viên chủ nhiệm, để giáo viên không còn “sợ” công tác chủ nhiệm, cũng nên luân phiên giáo viên chủ nhiệm các năm học.
Thường xuyên khen thưởng, động viên giáo viên chủ nhiệm làm tốt công tác của mình để khuyến khích họ yên tâm, cố gắng công tác, ưu tiên trong xét thi đua.
Bên cạnh đó, phân chia công việc hợp lý không thể việc gì cũng đổ lên giáo viên chủ nhiệm.
Giáo viên chủ nhiệm lớp là những người có đầu óc quản lý, nên quy hoạch cán bộ quản lý trong tương lai từ những giáo viên chủ nhiệm giỏi này.
Thứ hai, hãy dẹp bỏ các lớp chọn trên cả nước.
Chính việc tồn tại các lớp chọn, sẽ dẫn đến các em học sinh giỏi, tốt được vào lớp chọn, các lớp còn lại chỉ là trung bình, yếu nên mới có việc nghịch lý là giáo viên né chủ nhiệm lớp thường, “chạy” chủ nhiệm lớp chọn, lớp giỏi,….
Nếu bỏ lớp chọn, lớp giỏi thì sẽ không còn tình trạng “chạy” lớp chọn, các em được công bằng, bình đẳng hơn, một lớp học có đầy đủ học sinh tốt, khá,… mới là một tập thể.
Các em học sinh học chưa tốt sẽ nhìn theo các em học sinh học tốt mà phấn đấu, hạn chế học sinh cá biệt.
Việc thi đua giữa các giáo viên chủ nhiệm cũng sẽ công bằng hơn.
Thông qua bài viết, người viết rất mong các thầy, cô khi được nhận làm công tác chủ nhiệm hãy tự hào mình là giáo viên chủ nhiệm.
Thầy, cô hãy vui nếu mình được phân công làm công tác chủ nhiệm vì chỉ có giáo viên được làm công tác chủ nhiệm mới thấy được ý nghĩa thiêng liêng của việc đi dạy, các em học sinh xem mình như những người cha, người mẹ.
Hãy cố gắng hết mình bằng tấm lòng của người thầy, chính tấm lòng, tình tương của thầy, cô chính là tấm gương sáng nhất để học sinh noi theo, để các em sẽ là những người tốt trong xã hội trong tương lai.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.