Nhiều trường học thành bệnh viện dã chiến, khu cách ly
Ngày 28/8, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.
Cả lớp 32 học sinh nhưng chỉ có 1/2 học sinh có điều kiện tham gia lớp học (Ảnh P.T) |
Theo đó, các cấp học sẽ tựu trường vào ngày 1/9 và khai giảng năm học mới vào ngày 5/9. Riêng đối với các cơ sở giáo dục tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ; cơ sở giáo dục được trưng dụng làm cơ sở cách ly y tế thì không tổ chức tựu trường và khai giảng trực tuyến.
Còn đối với các cơ sở giáo dục còn lại, tùy theo tình hình, người đứng đầu các cơ sở giáo dục chủ động phân chia giờ tập trung học sinh theo lớp (đối với tựu trường trực tiếp) và hạn chế số học sinh tham dự (đối với khai giảng trực tiếp), đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.
Đọc kế hoạch xong, không riêng gì tôi mà rất nhiều đồng nghiệp cùng tâm tư: sẽ tổ chức dạy và học như thế nào trong tình hình dịch bệnh tại địa phương đang diễn biến hết sức phức tạp?
Theo tài liệu Tổng điều tra dân số năm 2019 (Ảnh chụp từ tài liệu) |
Nếu tính số ca nhiễm Covid chung của cả tỉnh Bình Thuận thì tỉnh tôi sẽ không nằm trong tốp những tỉnh thành bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
Nhưng nếu tính riêng thị xã La Gi, nơi chưa tới 110 ngàn dân mà số người nhiễm Covid trưa ngày 29/8 là 1.526 ca, cuối ngày 29/8 đã là 1.547 ca và vẫn còn những ca ngoài cộng đồng, số ca nhiễm tăng hằng ngày, quả thật là đáng lo ngại.
Hình ảnh được nhà trường chuyển về cho giáo viên |
Nhiều trường học của chúng tôi đã trưng dụng làm khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Nhiều giáo viên bị dương tính, là F1, F2 đang cách ly tập trung và cách ly tại nhà. Nhiều thầy cô giáo hiện là tình nguyện viên và đang được điều động vào các đội giúp dân, test Covi. Nhiều gia đình học sinh bị nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm cả nhà cũng đang điều trị tại các bệnh viện và khu cách ly.
Bộn bề nỗi lo, khó có thể tổ chức học online
Dịch tan, nỗi lo về vệ sinh học đường cũng không hề nhỏ. Một trường học cách ly hàng trăm người nhưng chỉ có một dãy nhà vệ sinh đơn sơ vừa làm chỗ đi vệ sinh, vừa là nơi tắm giặt. Có người đi cách ly tại đây cho biết, một số người đã không giữ vệ sinh nên rác thải bị quăng vứt lung tung, có người đi vệ sinh cả bên ngoài.
Tình hình này, đến khi tan dịch nhà trường cũng phải dày công dọn dẹp, phải mất không ít thời gian thì mới mong có lại môi trường học an toàn cho các em.
Thị xã thực hiện lệnh giãn cách, phong tỏa đã hơn 40 ngày cũng là chừng ấy thời gian người dân ngừng làm việc ở nhà trông chờ vào sự cứu trợ của chính quyền, của các Mạnh Thường Quân.
Cuộc sống vốn khốn khổ càng trở nên bi đát hơn khi đêm 28/8 bất ngờ nước lũ đổ về cuốn phăng khá nhiều ghe thuyền đang neo đậu. Nhiều gia đình đã mất trắng cơ nghiệp chỉ trong phút chốc khi vừa vay ngân hàng đóng ghe chưa kịp đi chuyến biển nào thì nay đã mất trắng.
Nhận được cuộc gọi của phụ huynh mà xót xa cả cõi lòng: "Mất hết rồi cô ơi! Vay nợ để sắm nghề. Sắm xong gặp dịch giờ trôi hết rồi, phủi tay luôn. Nhiều người nằm sóng xoài khóc cả đêm. Biết lấy gì mà sống?"
Những chiếc ghe đã bị nhấn chìm và cuốn trôi đi mất. Thật là đau thương, tài sản bạc tỷ của người dân chỉ phút chốc đã tan tành trong nước lũ.
Vì dịch đến bất ngờ (khi chưa kết thúc năm học) nên phần đông phụ huynh chưa mua sách vở, bút viết cho con. Có phụ huynh nói rằng “sách lớp 3 tôi còn đi xin được nhưng sách lớp 1 và lớp 2 phải mua mới cô ạ. Bộ sách hoàn chỉnh cũng gần 500 ngàn đồng thì lấy đâu ra tiền mua sách lúc này hả cô?”.
Lo về dịch bệnh hằng ngày, lo mất phương tiện làm ăn, lo lấy tiền đâu trả nợ, khổ càng chồng thêm khổ mà ngay thời điểm này họ còn tâm trí đâu để học cùng con? Đã có khung thời gian năm học, không đến trường học tập trung được, nhà trường sẽ phải tổ chức dạy online mới đảm bảo khung chương trình quy định.
Nếu dạy cho xong, dạy cho có để báo cáo kết thúc chương trình thì được nhưng dạy vì chất lượng, vì học sinh thì sẽ không hiệu quả. Đã có những phụ huynh khi được cô thông báo dạy online nói ngay rằng “nhà em có mỗi cái điện thoại cà dật cà tang nhưng có tới 2 đứa học biết làm thế nào?”. Người lại nói “mạng nhà em mắc nhờ nhà hàng xóm, lúc vào được, lúc lại không”.
Tôi đã tổ chức ôn tập cho các em. Nhưng một lớp hơn 30 học sinh cũng chỉ có hơn chục em là tham gia học đều đặn. Vài em đang học, khi có điện thoại mẹ lại thoát ra và giờ học bị gián đoạn. Có em học gần hết giờ mới đăng nhập được vào lớp. Và, còn khoảng 15 em, có những em không thể liên lạc được nên cũng không biết tình hình của gia đình các em hiện thế nào.
Có em thì phụ huynh cho biết không thể cho con học online vì nhà không có máy tính và điện thoại thì cùi bắp, nếu phải mua gia đình không có tiền.
Sự cần thiết để điều chỉnh thời gian học tập
Tổ chức dạy chương trình mới chỉ cần một lớp vài em không thể tham gia học cũng đã không đành. Bởi phương châm của giáo dục không để học sinh nào ở lại phía sau. Chỉ là vài em không theo học được khi trở lại trường những học sinh này sẽ theo học thế nào đây?
Huống hồ một lớp phải có phân nửa học sinh sẽ không tham gia học được online. Vậy, việc tổ chức dạy online sẽ còn ý nghĩa gì?
Chúng tôi cứ nghĩ, có cần thiết phải tổ chức năm học ngay tại thời điểm này không? Cứ cho thời gian này là thời gian nghỉ hè của học sinh cho năm học 2021-2022. Dịch tan lúc nào, sẽ bắt đầu tổ chức năm học ngay thời điểm đó.
Tuy xáo trộn thời gian năm học khác với bình thường nhưng như thế vừa đảm bảo an toàn cho giáo viên, cho học sinh, vừa đảm bảo chất lượng dạy và học theo mục tiêu giáo dục đề ra.
Tài liệu tham khảo:
https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2019/12/Ket-qua-toan-bo-Tong-dieu-tra-dan-so-va-nha-o-2019.pdf
(*) Văn phòng, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.