Quy chế mới đào tạo Thạc sĩ có phần "lỏng" hơn quy chế cũ

07/09/2021 06:56
Thạc sĩ Lê Hồng Thái
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những quy định tại Quy chế mới liên quan công tác đánh giá kết quả luận văn theo định hướng ứng dụng và định hướng nghiên cứu có phần “lỏng” hơn so với hiện tại.

Vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT về Quy chế đào tạo trình độ Thạc sĩ (Quy chế mới) sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2021 và thay thế cho Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT (Quy chế cũ).

Nhìn chung, Quy chế mới có nhiều thay đổi so với Quy chế cũ. Một trong những thay đổi so với bản dự thảo xin ý kiến lần 2 (tháng 09/2020) là đơn vị soạn thảo đã bổ sung thêm hình thức tuyển sinh trực tuyến với điều kiện cơ sở đào tạo đáp ứng những điều kiện bảo đảm chất lượng để kết quả đánh giá tin cậy và công bằng như đối với tuyển sinh trực tiếp.

Sự thay đổi này được cho là cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đang diễn biến rất phức tạp trên phạm vi cả nước.

Ngoài ra, Quy chế mới cũng đặt ra yêu cầu cụ thể và cao hơn đối với người dự tuyển Chương trình định hướng nghiên cứu, người dự tuyển phải tốt nghiệp hạng khá trở lên hoặc có công bố khoa học liên quan đến lĩnh vực sẽ học tập, nghiên cứu.

Nhận thấy, quy định nội dung này sẽ khuyến khích sinh viên dành nhiều thời gian để nghiên cứu khoa học ở bậc đại học nếu có mục tiêu tiếp tục theo đuổi con đường học thuật.

Quy định này siết chặt đầu vào và yêu cầu người học phải xác định ngay từ đầu nếu muốn theo học Chương trình định hướng nghiên cứu.

Quy chế cũ không đặt ra yêu cầu cụ thể đối với người dự tuyển Chương trình định hướng nghiên cứu.

(Ảnh minh hoạ: Thuvienphapluat.vn)

(Ảnh minh hoạ: Thuvienphapluat.vn)

Theo tôi được biết, chương trình đào tạo Thạc sĩ Kinh tế tại một cơ sở đào tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh thì người dự tuyển sau khi trúng tuyển sẽ theo học một chương trình chung (dành cho người học theo Chương trình định hướng ứng dụng và định hướng nghiên cứu).

Sau khi kết thúc 2 học kỳ đầu (khoảng 12 tháng), học viên sẽ lựa chọn và đăng ký Chương trình định hướng ứng dụng hoặc nghiên cứu.

Nếu học viên lựa chọn Chương trình định hướng nghiên cứu thì sẽ tiếp tục học một số môn về nghiên cứu khoa học để phục vụ cho việc thực hiện luận văn theo định hướng nghiên cứu (Postgraduate Research Thesis).

Như vậy, Quy chế mới phân định rõ hơn hai nhóm đối tượng học viên dự kiến theo học Chương trình Thạc sĩ ngay từ đầu.

Bên cạnh những điểm tích cực, Thông tư 23 cũng bộc lộ một số điểm “thụt lùi” so với Thông tư 15.

Xin luận bàn một số vấn đề liên quan việc đánh giá luận văn đối với Chương trình Thạc sĩ theo định hướng ứng dụng và định hướng nghiên cứu theo Quy chế mới:

Người học theo Chương trình định hướng ứng dụng không phải viết luận văn mà chỉ thực hiện một học phần tốt nghiệp dưới hình thức đề án, đồ án hoặc dự án trong thời gian ít nhất 03 tháng.

Quy chế cũ yêu cầu học viên phải thực hiện luận văn trong thời gian ít nhất 06 tháng đối với cả định hướng ứng dụng và nghiên cứu. Mỗi định hướng sẽ có những yêu cầu riêng biệt đối với nội dung của luận văn.

Theo nhận định cá nhân, Quy chế mới có phần “dễ thở” ở khâu đầu ra đối với Chương trình định hướng ứng dụng. Ngoài ra, Quy chế mới chỉ yêu cầu Hội đồng đánh giá kết quả thực hiện đề án có tối thiểu 03 thành viên thay vì là 05 thành viên như Quy chế cũ.

Theo Quy chế cũ điểm tối đa của bài luận văn là 9 điểm. Quy chế cũ khuyến khích học viên nghiên cứu khoa học và công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành theo quy định của cơ sở đào tạo (đối với người học theo định hướng nghiên cứu) hoặc đề tài ứng dụng đã được nơi ứng dụng đồng ý bằng văn bản về việc chuyển giao, triển khai kết quả nghiên cứu (đối với luận văn theo định hướng ứng dụng).

Quy chế mới bãi bỏ nội dung điểm cộng liên quan việc đánh giá luận văn (cộng 1 điểm). Qua đó, nhận thấy Quy chế mới chưa khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên.

Mặc dù việc công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học chưa phải là yêu cầu bắt buộc đối với người học ở trình độ Thạc sĩ.

Tuy nhiên, quy định tại Quy chế cũ sẽ giúp học viên có động lực nghiên cứu và giúp cơ sở đào tạo phát hiện, bồi dưỡng những học viên có đam mê và có năng lực nghiên cứu khoa học để định hướng học viên tiếp tục theo học ở bậc học cao hơn.

Ngoài ra, yêu cầu về số lượng thành viên đến từ cơ sở đào tạo khác đối với Hội đồng đánh giá luận văn theo định hướng nghiên cứu cũng giảm đi 01 thành viên so với quy chế cũ.

Một luận văn ngoài việc đáp ứng được các yêu cầu về mặt học thuật, chuyên môn thì việc được các nhà khoa học, những người làm cùng chuyên môn bên ngoài có trình độ cao hơn đánh giá sẽ phản ánh đúng chất lượng của luận văn.

Nhìn chung, những quy định mới tại Quy chế mới liên quan công tác đánh giá kết quả luận văn theo định hướng ứng dụng và định hướng nghiên cứu có phần “lỏng” hơn so với Quy chế hiện hành.

Vì vậy, phải chăng chúng ta nên duy trì và tiếp tục cải tiến việc đánh giá luận văn theo hướng tăng dần yêu cầu học thuật đối với người học theo định hướng nghiên cứu và tăng dần yêu cầu về tính ứng dụng vào thực tiễn đối với người học theo định hướng ứng dụng?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thạc sĩ Lê Hồng Thái