Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhiều trường đại học đã phải chủ động thay đổi, tiếp cận những phương án mới trong công tác giảng dạy, tuyển sinh, thực tập, hỗ trợ… để phù hợp hợp hoàn cảnh khi sinh viên chưa thể quay lại trường.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thúy - Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thúy - Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen (Ảnh NVCC) |
PV: Thưa bà, Trường Đại học Hoa Sen đã triển khai những phương án nào trong năm học mới khi dịch bệnh khiến sinh viên chưa thể quay lại trường?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thúy: Trước tình hình diễn biến phức tạp trên cả nước, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, nhà trường vẫn đang tổ chức triển khai phương án dạy học trực tuyến cho sinh viên. Đối với hệ thống học trực tuyến, nhà trường luôn cố gắng hoàn thiện nhất có thể, đặc biệt về hệ thống đường truyền để đảm bảo chất lượng kỹ thuật trong quá trình dạy và học.
Vì học trực tuyến, sinh viên sẽ không thể trực tiếp đến trường và sự tương tác với các giáo viên, bạn bè cũng bị hạn chế. Vì thế nhà trường tập trung vào chất lượng giảng dạy của các thầy cô ví dụ như chất lượng giảng viên, chất lượng bài giảng…
Bắt đầu từ học kỳ này, nhà trường xúc tiến chú trọng vào công tác tổ chức chi tiết ở các khoa. Tại các khoa năm học mới đã hình thành vị trí mới là các Giám đốc chương trình. Mỗi ngành sẽ có một Giám đốc chương trình thay vì trước đây một số ngành mới có một trưởng bộ môn.
Vì vậy, hiện nay tại trường có 49 ngành thì sẽ có 49 Giám đốc chương trình và nhiệm vụ của họ là chăm lo tất cả về mảng chuyên môn của một ngành để đảm bảo được những công việc như mời giảng được các thầy cô tâm huyết, rà soát, kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng học tập cho sinh viên.
Đối với công tác học vụ nhà trường xây dựng hệ thống Mlearning. Với hệ thống này các em có đầy đủ các tài liệu do các thầy cô cập nhật để đảm bảo khi học trực tuyến vẫn có đủ thông tin, học liệu bổ sung cho bản thân mình. Đồng thời các em sẽ có một hệ thống làm bài kiểm tra mà đến nay nhà trường đang vận hành tương đối ổn định.
Trong quá trình triển khai học tập trực tuyến, sinh viên rất cần sự hướng dẫn và mong muốn được trao đổi với thầy cô. Chính vì thế, quan điểm của nhà trường là các giáo viên luôn cố gắng hết sức với lớp học trực tuyến để truyền tải kiến thức đầy đủ nhất, giải đáp nhiều thắc mắc của các em.
Đồng thời ngoài những giờ lên lớp, các thầy cô được phân công làm cố vấn học tập bắt đầu từ học kỳ này. Mỗi cố vấn học tập sẽ thực hiện hoạt động nhóm với 40-80 sinh viên, để giải đáp những băn khoăn, vướng mắc của các em trong công tác học tập trong thời gian giãn cách xã hội.
Đối với sinh viên, ngoài việc học tập thì các hoạt động trải nghiệm cũng rất quan trọng, nhưng do giãn cách xã hội không được tham gia nhiều, đó là thiệt thòi của sinh viên trong thời gian này. Ví dụ các em bị hạn chế trong việc được nhà trường, thầy cô hướng dẫn đi thực tập.
Đặc trưng của Trường Đại học Hoa Sen là bên cạnh thực tập tốt nghiệp có thêm hoạt động thực tập nhận thức. Hiện nay, hầu hết các hoạt động thực tập của các em đều phải trì hoãn lại. Có những sinh viên có thể thực tập trực tuyến, tuy nhiên không thể nào hoàn toàn đáp ứng được mục tiêu của hoạt động trải nghiệm thực tế.
Ngoài ra, những hoạt động trải nghiệm của các em tại các câu lạc bộ đều bị tạm ngưng. Tuy nhiên, nhà trường cũng cố gắng hết sức để chuyển đổi các hoạt động trải nghiệm thành chuyên môn, chuyên đề số hóa.
Thời gian sắp tới nhà trường sẽ liên tục có những Webinar - một nền tảng đào tạo trực tuyến, cho phép quản lý cuộc họp ảo mà không cần gặp nhau trực tiếp. Qua đây, mọi người có thể chia sẻ bài trình diễn với sinh viên mà không cần phải gặp trực tiếp.
Mỗi khoa được giao trách nhiệm mỗi tháng ít nhất phải xây dựng được 2 Webinar, livestreams trực tiếp trên fanpage của nhà trường và livestreams chéo giữa các khoa để các em sinh viên được học nhiều chuyên đề khác nhau trong chuyên ngành của mình.
Công tác học tập hiện nay của nhà trường tập trung đảm bảo chất lượng, gia tăng cải thiện về công nghệ số hóa. Trong quá trình học tập trực tuyến sẽ có những hạn chế về đường truyền, về thực tập, về giao tiếp của sinh viên với nhà trường cũng sẽ bị chậm hơn. Đó là những khó khăn do hoàn cảnh thực tế mà nhà trường đang khắc phục và cố gắng hoàn thiện nhất có thể.
PV: Dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng gì đến công tác tuyển sinh năm nay, thưa bà?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thúy: Dịch bệnh ảnh hưởng khá nhiều đến công tác tuyển sinh năm học này. Trường Đại học Hoa Sen là một trường có mức học phí khá cao. Đó là một trong những lý do hiện nay, nhiều em mong muốn học tại trường và trước khi dịch bùng phát kéo dài có nộp hồ sơ vào, nhưng vì khó khăn của gia đình mà phải thay đổi nguyện vọng.
Tâm lý là sợ dịch bệnh kéo dài, thu nhập của gia đình giảm xuống và duy trì học tập tại nhà trường đảm bảo được về tài chính. Vì thế mà ảnh hưởng khá lớn đến việc tuyển sinh của năm nay so cùng kỳ các năm và thông qua việc trao đổi với các thí sinh có nguyện vọng.
PV: Nhà trường có chính sách nào để hỗ trợ sinh viên mùa dịch không?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thúy: Thực tế thì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và nhà trường cũng thế bởi vẫn phải duy trì hoạt động trên nhiều lĩnh vực.
Có những chi phí cố định trong nhà trường sẽ không bao giờ thay đổi cho dù có dịch bệnh xảy ra hay không. Đối với Trường Đại học Hoa Sen mũi nhọn là chất lượng giảng dạy nên dù khó khăn vẫn phải duy trì đảm bảo nguồn lực để đáp ứng.
Mọi chính sách hỗ trợ tính theo số lượng sinh viên rất lớn và so với mặt bằng chung thì Trường Đại học Hoa Sen cũng đang có những chính sách tốt nhất trong giảng dạy và hỗ trợ sinh viên.
Giai đoạn đầu tiên thì nhà trường đã hỗ trợ cơ bản trong khả năng có thể của nhà trường là cam kết không tăng học phí trong vòng 4 năm dù trước đó, theo chính sách của nhà trường có tăng học phí từng năm. Đồng thời giảm 5% học phí cho những sinh viên chính quy học kỳ I năm học 2012-2022.
Ngoài ra nhà trường có chính sách hỗ trợ, cho sinh viên đóng tiền học phí 2 lần/học kỳ để giảm tải mức đóng và kéo dài thời gian đóng tiền của học kỳ này sau giãn cách xã hội.
Ngoài ra nhà trường phối hợp cùng một số ngân hàng cho vay với lãi suất 0 đồng để hỗ trợ sinh viên trong việc đóng học phí. Sinh viên không cần chứng minh bất kỳ điều gì, chỉ cần là sinh viên của Trường Đại học Hoa Sen thì các em được vay chi trả học phí không lãi suất để hoàn thành học phí, tiếp tục học tập tại trường.
Nhà trường rất hiểu mong đợi của sinh viên và gia đình chính là giảm học phí nhiều nhất. Vì thế, trong điều kiện có thể, tính trên hệ thống của cả một Tập đoàn thì đây là những hỗ trợ hết sức cơ bản, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ nhất định với các em sinh viên và gia đình.
PV: Bà mong muốn có những hỗ trợ, giải pháp gì cho giáo dục đại học trong tình thế dịch bệnh phức tạp như hiện nay?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thúy: Đối với công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay, nhà trường đánh giá cao các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và chính quyền thành phố. Đối với nhà trường thì sự an toàn của sinh viên, giáo viên, nhân viên phải đặt lên đầu.
Đối với ngành giáo dục, do tiếp xúc xã hội rất lớn vì vậy nếu mở lại một cách ồ ạt thì sẽ rất khó trong việc kiểm soát dịch bệnh. Điều này buộc các trường phải có những phương án thích ứng.
Tôi mong đợi chúng ta sẽ có đủ vaccine để tiêm cho các em sinh viên sớm nhất có thể. Chỉ khi sinh viên có đủ 2 mũi tiêm thì mới có thể yên tâm phần nào để quay trở lại trường. Vaccine được xem như “chìa khóa” mở cửa trở lại cho các trường đại học nên cần tiến hành nhanh chóng.
Trường công hay trường tư đều phải đảm bảo chất lượng giáo dục và đảm bảo đời sống cho đội ngũ giáo viên. Vì vậy, ngoài những nỗ lực hỗ trợ hết sức cho sinh viên thì vẫn cần những chính sách hỗ trợ cho giáo viên. Đây được xem là sự hỗ trợ cho các đối tượng ngành nghề quốc sách hàng đầu. Đó là sự động viên, chia sẻ không chỉ về vật chất mà còn khích lệ tinh thần rất quan trọng trong thời gian dịch bệnh.
Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư!