Ngày 9/10, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Thông tư mỗi người hiểu một kiểu, giáo viên hạng II tức tưởi vì xuống hạng III”.
Có phản ánh trường hợp 1 giáo viên tiểu học hạng II cũ của 1 giáo viên tiểu học Thầy giáo H. (đề nghị không nêu tên) cho biết: “Tôi ra trường được 6 năm, đã giữ hạng II được 4 năm, hiện đang ăn mức lương 2.67. Nếu theo quy định của Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT thì tôi có đầy đủ các yêu cầu nên phải được xét chuyển qua hạng II mới với hệ số lương là 4.0. Thế nhưng, nhà trường lại chuyển tôi xuống hạng III với lý do chưa đủ năm công tác (và chưa đạt hệ số lương 3.99). [1]
Ngày 10/10, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục đăng tải bài viết “Bổ nhiệm lại chức danh theo Thông tư mới Bộ không hướng dẫn, giáo viên kêu ai?” của cùng tác giả Phan Tuyết. [2]
Trong bài viết này tác giả Phan Tuyết tiếp tục nêu vấn đề chuyển từ hạng II cũ ở bậc tiểu học ở hạng II mới và trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo của thầy giáo Phạm Khánh (Thái Nguyên) gửi cho Bộ Giáo dục [3].
Ảnh chụp màn hình. |
Cụ thể: Thầy giáo Phạm Khánh là giáo viên dạy bậc trung học cơ sở hiện đang giữ hạng giáo viên trung học cơ sở hạng II cũ (mã số V.07.04.11) nhưng chưa đủ 9 năm, có bằng cử nhân sư phạm và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II, giáo viên dạy giỏi cấp trường.
Thầy Phạm Khánh thắc mắc liệu mình có đủ điều kiện về thời gian công tác để xét chuyển sang hạng II mới (mã số V.07.04.31) hay không?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời như sau:
Quy định về thời gian giữ hạng tại Điểm k Khoản 4 Điều 4 Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT là quy định đối với trường hợp viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS từ hạng III (mã số V.07.04.32) lên hạng II (mã số V.07.04.31).
Trường hợp của ông Phạm Khánh không phải là thi hoặc xét thăng hạng mà là bổ nhiệm lại hạng chức danh nghề nghiệp từ quy định cũ (Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) sang hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định mới (Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT) nên không cần phải xét tiêu chuẩn về thời gian giữ hạng.
Chuyển từ giáo viên tiểu học, trung học cơ sở từ hạng II cũ sang hạng II mới có cần đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn không?
Ảnh minh hoạ: TTXVN |
Đọc phần trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo [3] được tác giả Phan Tuyết trích dẫn qua bài viết trên, tôi vô cùng bất ngờ.
Nếu như vậy thì 100% giáo viên ở hạng II cũ (hệ số lương 2,34- 4,98) là giáo viên ở tiểu học, trung học cơ sở đều được chuyển sang hạng II mới (hệ số lương 4,0 – 6,38) mà không cần tuân thủ điều khoản chuyển tiếp của thông tư mới?
Phần trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo trên tôi cho rằng chưa phù hợp với các lý do sau đây:
Thứ nhất, tại các Thông tư 02, 03/2021/TT-BGDĐT về bổ nhiệm xếp lương mới của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở thì tại mỗi hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên đều có các tiêu chuẩn gồm: Tiêu chuẩn về nhiệm vụ; Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp; Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Mỗi tiêu chuẩn có nhiều tiêu chí, đó là các tiêu chuẩn của giáo viên ở mỗi hạng để được bổ nhiệm ở hạng nào phải đáp ứng các tiêu chuẩn của hạng đó.
Theo Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT có quy định:
Ở Điều 6. Nguyên tắc bổ nhiệm theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên tiểu học
“1. Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên tiểu học quy định tại Thông tư này phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận và bảo đảm đạt tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp được quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 và quy định tại Điều 7 Thông tư này.”
Tại Điều 7. Các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học
[…] 3. Giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.07) chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng theo quy định tại Điều 4 Thông tư này thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29).
Tại Điều 9. Điều khoản chuyển tiếp quy định:
[…] 3. Trường hợp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.07) do chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng II (mã số V.07.03.28) nên bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư này sau khi đạt các tiêu chuẩn của hạng II (mã số V.07.03.28) thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) mà không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng.
Ở Thông tư 02 cũng như Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT đều quy định như trên, tức là giáo viên tiểu học, trung học cơ sở ở hạng II cũ để được bổ nhiệm hạng II mới phải đảm bảo các tiêu chuẩn hạng đang giữ, nếu không thì phải xếp hạng III mới, sau đó khi nào đủ tiêu chuẩn thì được chuyển lên hạng II mới mà không phải thi/ xét thăng hạng.
Thứ hai, Công văn 971 của Bộ về hướng dẫn bổ nhiệm, chuyển xếp lương cũng yêu cầu đảm bảo đủ tiêu chuẩn.
Cụ thể Công văn Số: 971/BGDĐT-NGCBQLGD về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Ở mục “2. Một số lưu ý cụ thể
a) Việc bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên ở từng cơ sở giáo dục phải đúng người đúng việc, bảo đảm đủ các yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề ở từng hạng. […]”
Thứ ba, nếu tất cả hạng II cũ đều được chuyển qua hạng II mới thì không hợp lý?
Như đã trình bày ở trên, giáo viên ở tiểu học, trung học cơ sở nếu đang ở hạng II cũ (hệ số lương 2,34 – 4,98) không đảm bảo tiêu chuẩn đều được chuyển qua hạng II mới có hệ số lương 4,0 đến 6,38 thì rất bất hợp lý, việc này không căn cứ vào tiêu chuẩn sẽ là một bất công, thiệt thòi rất lớn cho hàng hàng giáo viên đang có trình độ thạc sĩ, đại học đang hưởng lương trung cấp, cao đẳng khi chuyển lương mới chỉ được hạng III mới được tác giả Minh Khôi nêu trong bài viết “Chuyển hạng, xếp lương giáo viên còn nhiều bất cập, mất công bằng” và nhiều bài viết khác.
Nếu như tác giả Phan Tuyết phản ánh thầy H. ở Biên Hòa công tác 6 năm có hệ số lương 2,67 và nhiều trường hợp khác nếu được chuyển qua hạng II mới có hệ số lương 4,0 thì sẽ cao hơn nhiều giáo viên có bằng đại học hơn 10 năm, dạy hơn 20 năm. Nếu vậy có công bằng?
Thực tế, Thông tư xếp lương mới còn có rất nhiều vấn đề bất cập, bất hợp lý cần được xem xét. Một lần nữa rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện và xin Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm đến những bất công, thiệt thòi của những giáo viên có trình độ đại học, thạc sĩ đang hưởng lương trung cấp, cao đẳng khi chuyển xếp lương mới rất thiệt thòi.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thong-tu-moi-nguoi-hieu-mot-kieu-giao-vien-hang-ii-tuc-tuoi-vi-xuong-hang-iii-post221588.gd
[2]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-nhiem-lai-chuc-danh-theo-thong-tu-moi-bo-khong-huong-dan-giao-vien-keu-ai-post221610.gd?
[3]https://chinhsachonline.chinhphu.vn/Chi-tiet-cau-hoi/Khong-xet-thoi-gian-giu-hang-khi-bo-nhiem-lai-chuc-danh-nghe-nghiep/30001.vgp
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.