Ngày 02/02/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT của quy định việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông có hiệu lực từ 20/3/2021.
Tuy nhiên đến giai đoạn này, các Thông tư mới có hiệu lực đã 6 tháng nhưng việc chuyển xếp lương, bổ nhiệm lương mới vẫn gần như “giậm chân tại chỗ”.
Giáo viên vô cùng thắc vì sao Thông tư xếp lương mới có hiệu lực 6 tháng vẫn chưa thể triển khai và thực hiện?
Từ khi ban hành chùm Thông tư mới đó đến nay, dù có rất nhiều bất cập, hạn chế được nhiều nhà giáo góp ý, chỉ ra trên diễn đàn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, tuy nhiên, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ban hành một Công văn hướng dẫn rất chung chung.
Đó là Công văn Số: 971/BGDĐT-NGCBQLGD về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. [1]
Cũng như nhiều văn bản điều hành khác, người viết không thể tìm thấy công văn này trên Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng có thể tìm thấy trên website các sở, phòng giáo dục và nhiều nhà trường. [2] [3]
Ảnh chụp màn hình kết quả tìm kiếm công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD trên cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo. |
Kết quả tìm kiếm Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD trên Google. |
Trong bài viết này, người viết sẽ phân tích làm rõ những nội dung nào trong công văn hướng dẫn số 971 nói trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chưa cụ thể, gây khó cho các địa phương trong việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mới.
4 thông tư xếp hạng liên quan đến cả triệu giáo viên cả nước từ mầm non đến trung học phổ thông, đáng lý Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành hướng dẫn chi tiết cách chuyển lương, xếp hạng,… thì Bộ lại ban hành một công văn rất chung chung, nội dung chỉ gói vỏn vẹn trong 3 mặt giấy A4 thì làm sao các đơn vị có thể triển khai và thực hiện, vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, các Sở Giáo dục không thể thay thế vai trò của Bộ trong việc quy định cụ thể chuyển-xếp lương giáo viên
Thay vì hướng dẫn cụ thể, Cục Nhà giáo lại chuyển trách nhiệm cho các Sở Giáo dục và Đào tạo.
Tại mục 1. Nội dung quán triệt chung đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo thì có các hướng dẫn sau:
“Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh để phối hợp với Sở Nội vụ và Ủy ban nhân dân huyện/ thành phố xây dựng phương án triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ….”
(Ảnh minh họa: A.N) |
4 thông tư xếp lương chung cho giáo viên cả nước nhưng lại giao cho các Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương xây dựng phương án xếp lương.
Hiện đang có nhiều cách hiểu khác nhau về quy định chuyển xếp lương trong 04 thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu Bộ không hướng dẫn cụ thể mà giao cho các sở sẽ khó tránh khỏi có nhiều phương án khác nhau, sẽ dẫn đến cách xếp lương khác nhau thì sẽ như thế nào?
Thực tế phản ánh của nhiều đồng nghiệp trên các diễn đàn giáo viên cho thấy một số địa phương cũng có các phương án chuyển xếp lương khác nhau, nơi cho chuyển xếp lương tương đương, nơi xếp xuống hạng,… vô cùng rắc rối thiếu đồng bộ, không thống nhất cả nước.
Do đó, đến thời điểm này gần như việc thực hiện các phương án bổ nhiệm, xếp lương giáo viên về cơ bản chỉ nằm trên “bàn làm việc”.
Thứ hai, Cục Nhà giáo hướng dẫn quá sơ sài, chung chung
Tại mục 2. Một số lưu ý cụ thể thì hướng dẫn của Cục Nhà giáo cũng vô cùng chung chung như:
“a) Việc bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên ở từng cơ sở giáo dục phải đúng người đúng việc, bảo đảm đủ các yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề ở từng hạng…” có nghĩa là giáo viên chuyển sang hạng nào phải đảm bảo 100% tiêu chuẩn ở tất cả các hạng mới, nếu điều này triển khai thì các địa phương rất khó có giáo viên đáp ứng các hạng mới, thậm chí giáo viên xuống hạng nhiều hơn chuyển hạng.
Trong 04 thông tư mới thì khi yêu cầu bổ nhiệm thì lại có các yêu cầu:
Đối với giáo viên mầm non:
Giáo viên mầm non hạng IV cũ (hệ số lương 1,86 – 4,06) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III mới (hệ số lương 2,1 đến 4,89); Giáo viên mầm non hạng III cũ (hệ số lương 2,1 đến 4,89) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III mới (hệ số lương 2,1 đến 4,89); Giáo viên mầm non hạng II cũ (hệ số lương 2,34 đến 4,98) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II mới (hệ số lương 2,34 đến 4,98).
Đối với giáo viên tiểu học:
Giáo viên tiểu học hạng IV cũ (hệ số lương 1,86 – 4,06) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III mới (hệ số lương 2,34 – 4,98); Giáo viên tiểu học hạng III cũ (hệ số lương 2,1 – 4,89) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III mới (hệ số lương 2,34 – 4,98); Giáo viên tiểu học hạng II cũ (hệ số lương 2,34 – 4,98) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II mới (có hệ số lương 4,0 – 6,38).
Đối với giáo viên trung học cơ sở:
Giáo viên trung học cơ sở hạng III cũ (hệ số lương 2,1 đến 4,98) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III mới (hệ số lương 2,34 – 4,98); Giáo viên trung học cơ sở hạng II cũ (hệ số lương 2,34 – 4,98) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II mới (hệ số lương 4,0 - 6,38); Giáo viên trung học cơ sở hạng I cũ (hệ số lương 4,0 - 6,38) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I (hệ số lương 4,4 – 6,78).
Đối với giáo viên trung học phổ thông:
Xếp lương có hệ số lương, hạng tương đương với Thông tư 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT.
Có đơn vị thì yêu cầu việc thăng hạng thì phải đảm bảo 100% các yêu cầu của tiêu chuẩn, còn có địa phương việc chuyển xếp lương thì thực hiện tương đương tức là cho chuyển xếp lương theo các ý trên mà không cần đảm bảo các tiêu chuẩn, cho nợ các tiêu chuẩn, bổ sung sau.
Nói chung việc chuyển xếp lương này cũng mỗi nơi một kiểu, đến nay chưa thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành một văn bản hướng dẫn chi tiết nào cho các địa phương thực hiện hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất phương án bổ nhiệm, xếp lương của địa phương nào.
Bên cạnh đó Công văn 971 cũng yêu cầu: “Các Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo phương án triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trước ngày 30/6/2021 và kết quả bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên trước ngày 31/12/2021.”
Xin được hỏi Cục Nhà giáo, ngày 30/6/2021 đã qua 3 tháng, nhưng các địa phương (Sở Giáo dục và Đào tạo) đã gửi các phương án, bổ nhiệm xếp lương giáo viên mới chưa và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt được phương án của địa phương án nào hay chưa? Phương án đó là như thế nào? Khi duyệt các phương án Bộ có thấy các địa phương thực hiện khác nhau thì sẽ giải quyết ra sao?
Khi các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện phương án và kết quả bổ nhiệm khác nhau, không thống nhất thì sẽ ra sao, không lẽ lại hủy các quyết định và thực hiện lại?
Thực tế người viết nhận thấy 04 thông tư này có quá nhiều bất cập, rắc rối, rất khó triển khai về việc chuyển xếp lương khi chuyển hạng, xuống hạng, cào bằng,… nếu tiếp tục thực hiện thì sẽ đi từ bất cập, bất công này đến bất công khác nên phải được dừng lại.
Hàng ngàn giáo viên gần 10 năm nay chưa được thăng hạng chỉ mong được thi/ xét thăng hạng theo Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT.
Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT cũng lập “kỷ lục” về thời gian có hiệu lực từ ngày 15 tháng 01 năm 2018 nhưng đến nay gần như rất ít giáo viên nào được thăng hạng.
Chuyển xếp được giáo viên chưa thăng hạng từ các năm gần đây theo các Thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT thì cơ bản đã giải quyết những bất cập hiện nay để tiến tới việc chuyển xếp lương theo vị trí việc làm theo Nghị quyết 27/NQ-TW trong thời gian tới.
Tôi ví dụ một giáo viên A bắt đầu công tác ở trường trung học cơ sở năm 2002, hưởng lương cao đẳng sư phạm, sau đó được bổ nhiệm hiệu trưởng, năm 2012 tốt nghiệp đại học sư phạm thì năm 2015 khi chuyển xếp lương theo Thông tư 22/2015/TTLT-BNV-BGDĐT thì chỉ được chuyển giáo viên trung học cơ sở hạng III, công tác 20 năm có hệ số lương khoảng 3,65.
Theo quy định Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT thì giáo viên A này sẽ được chuyển lương hạng III mới có hệ số lương 3,66. Muốn được lên hạng II, giáo viên A phải cần thêm 9 năm nữa.
Một giáo viên B khác khi nhận công tác năm 2013 (sau giáo viên A 11 năm) có bằng đại học, khi trúng tuyển thì được xếp lương đại học có hệ số lương 2,34, đến năm 2015 được xếp lương giáo viên trung học cơ sở hạng II có hệ số lương 2,34, đến nay công tác khoảng 9 năm thì hệ số lương hiện nay là 3,0.
Nếu thực hiện xếp lương theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT mới thì được chuyển xếp lương hạng II mới có hệ số lương 4,0 tức là cao hơn giáo viên A đã công tác 20 năm trong khi giáo viên A có bằng đại học khi giáo viên B còn chưa nhận công tác.
Với cách chuyển xếp như vậy thì có hợp lý không? Có khoa học không? Một Thông tư mà cả giáo viên 2,67- 3,99 đều cùng được chuyển qua 4,0 thì quá vô lý, không đáng có trong một ngành được cho là sư phạm.
04 thông tư mới có nhiều tồn tại, hạn chế bất cập thì nên được dừng lại và hàng ngàn giáo viên cả nước có bằng đại học chỉ mong được Thăng hạng theo các Thông tư 20, 21, 22, 23/TTLT- BNV-BGDĐT theo quy định của Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT về hướng dẫn thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên là đã biết ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo rất nhiều.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://sogddt.soctrang.gov.vn/mDefault.aspx?sname=sgddt&sid=1293&pageid=2644&p_steering=22426
[2]https://moet.gov.vn/pages/tim-kiem.aspx?kwd=971/BGD%C4%90T-NGCBQLGD
[3]https://www.google.com/search?q=971%2FBGD%C4%90T-NGCBQLGD+pdf&rlz=1C1SQJL_enVN902VN902&ei=FGxKYYvTHciY4-EPk5CSkAM&oq=971%2FBGD%C4%90T-NGCBQLGD+pdf&gs_lcp=Cgdnd3Mtd2l6EAM6BwgAEEcQsAM6BAgAEB46BwghEAoQoAFKBAhBGABQ5yRYxylg5SxoAXACeACAAaQBiAHvA5IBAzAuNJgBAKABAcgBCMABAQ&sclient=gws-wiz&ved=0ahUKEwiLra69nZHzAhVIzDgGHROIBDIQ4dUDCA4&uact=5
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.