Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân cho biết: căn cứ vào tiến độ thực tế các hạng mục xây dựng tại Hòa Lạc thì tháng 9/2022, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ đủ điều kiện để đón sinh viên đến học tập tại cơ sở Hòa Lạc.
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân chủ trì cuộc họp (ảnh: VNU) |
Đại học Quốc gia Hà Nội ưu tiên cho nhóm sinh viên tuyển sinh mới vào năm 2022 ở một số lĩnh vực đào tạo về kỹ thuật công nghệ, khoa học xã hội và kinh tế, luật… theo mô hình A+B có sự phối hợp đào tạo liên ngành, liên đơn vị sẽ học tập tập chung tại cơ sở Hòa Lạc. Những năm tiếp theo sẽ căn cứ vào diện tích xây mới thực tế để tăng quy mô đào tạo tại Hòa Lạc nhằm giảm sự quá tải tại nội thành Hà Nội.
Các nội dung trao đổi tại cuộc họp bàn sâu đến các vấn đề như: phương án hoàn thiện cơ sở vật chất của giảng đường, khu sáng tạo, thư viện, không gian học sống và học tập cho sinh viên, giảng viên; giao thông nội khu, kết nối hệ thống xe buýt nội thành; hệ thống ký túc xá với các phòng ở, phòng sinh hoạt chung như nhà bếp, phòng tự học cho sinh viên theo chuẩn hiện đại, chất lượng cao với hệ thống điều hòa không khí.
Tại cuộc họp lãnh đạo các Ban chức năng đã phân tích thực trạng tiến độ các hạng mục đã và đang triển khai tại Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. Đặc biệt, là các vướng mắc cần tháo gỡ để giải quyết kịp thời đồng bộ trong thời gian tới.
Giám đốc Lê Quân nhấn mạnh: tổ hợp các tòa nhà HT1, HT2 thuộc zone 4 của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, khu Ký túc xá số 4 đã sẵn sàng đáp ứng để tiếp nhận theo quy mô thiết kế là gần 4000 sinh viên học tập và sinh sống với môi trường đại học hiện đại, tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế.
Giám đốc Lê Quân đề nghị, thủ trưởng các đơn vị, lãnh đạo các Phòng Ban liên quan cần phối hợp chặt chẽ với nhau để triển khai công tác nhanh, hiệu quả và chất lượng. Không bàn khó, không bàn lùi. Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tiến hành thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác triển khai nhiệm vụ cụ thể.
Đối với chương trình đào tạo, Ban Giám đốc yêu cầu Ban Đào tạo làm đầu mối để thống nhất tên chương trình đào tạo nhưng cần dựa vào nguyên tắc mô hình đào tạo A+B. Các đơn vị liên quan phối hợp với Ban Đào tạo để chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh năm 2022. Các chương trình đào tạo cần thiết kế theo hướng giáo dục khai phóng, sinh viên có thể được tùy chỉnh lựa chọn nhiều ngành học; chương trình đào tạo cũng phải gắn với chuyển đổi số nhằm thực hiện 05 nhiệm vụ mục tiêu của năm học mà Đại học Quốc gia Hà Nội đã đặt ra.
Hình ảnh Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc (ảnh: VNU) |
Ngày 5/10/2021 trong buổi làm việc giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Tập đoàn T&T về mô hình đối tác công tư (PPP) với triển vọng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt với dự án xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. Đại học Quốc gia Hà Nội kêu gọi Tập đoàn T&T hợp tác đầu tư xây dựng và phát triển các khu dịch vụ, khu liên hiệp thể thao cho cán bộ, sinh viên sinh hoạt và học tập với quy mô từ 50 nghìn đến 60 nghìn người.
Ngày 1/10/2021 tại buổi làm việc giữa Đại học Quốc gia Hà Nội với Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, các cơ quan đã ủng hộ Đại học Quốc gia Hà Nội đa dạng hóa nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng, cần có đề xuất, kiến nghị mới phù hợp với tình hình thực tế và kế hoạch dài hạn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Bộ Xây dựng hoàn toàn ủng hộ và sát cánh cùng Đại học Quốc gia Hà Nội trong các công việc liên quan để đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất đã cùng trao đổi, thảo luận nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tồn tại như: cơ chế đầu tư, giải phóng mặt bằng, quy hoạch… Các đại diện đều cho rằng, thời gian qua sự phối hợp giữa Đại học Quốc gia Hà Nội với các bộ, ngành rất hiệu quả. Quan điểm của các bộ, ngành và Thành phố Hà Nội là luôn hỗ trợ tối đa với Đại học Quốc gia Hà Nội theo đúng quan điểm “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển bền vững”.
Tại cuộc họp giao ban công tác xây dựng Hòa Lạc mới đây, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan của Đại học Quốc gia Hà Nội cùng quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu đại hội Đảng lần thứ VI về công tác đầu tư xây dựng, phấn đấu từ năm 2022 đến năm 2025 sẽ chuyển dần công tác điều hành, công tác dạy và học, nghiên cứu của các đơn vị lên Hòa Lạc. Đến năm 2025, cơ sở vật chất của Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc sẽ được hoàn thành giai đoạn 1, đưa vào khai thác phục vụ đào tạo, nghiên cứu cho 15.000 sinh viên.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Lê Quân cho biết, để đón sinh viên lên học thì hiện nay Nhà trường đang bắt tay vào triển khai nhiều việc đi kèm như vấn đề ăn, ngủ, nghỉ của sinh viên cũng như dịch vụ đưa đón,...
Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hoà Lạc sẽ bao gồm 21 dự án thành phần với quy mô khoảng 65.000 học sinh, sinh viên; diện tích sử dụng đất sử dụng đất khoảng 1.113,7 ha, trong đó khu các dự án thành phần Đại học Quốc gia Hà Nội là 887,9 ha; khu các cơ sở nghiên cứu cao cấp là 112,1 ha; khu tái định cư là 113,7 ha.
Đối với công tác thực hiện đầu tư dự án, trong quý III năm 2021, nhiều công trình của dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc đã có những chuyển biến tích cực, các công trình được thi công xây dựng khẩn trương và hoàn thiện theo tiến độ đăng ký vốn năm 2021. Tổ hợp 2 toà nhà thuộc Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã bước vào giai đoạn hoàn thiện hạ tầng dùng chung, HT1 đã hoàn thành với quy mô 15.000m2 sàn xây dựng, HT2 đang triển khai hoàn thiện nội thất với quy mô 20.000m2 sàn xây dựng. Dự kiến đến quý II/2022, toàn bộ cụm công trình sẽ hoàn thành đáp ứng cho 4.000 sinh viên.
Tổ hợp tòa nhà HT1 cao 5 tầng với hơn 14 nghìn mét vuông sàn, với 3 giảng đường 120 chỗ, 18 phòng học chia đều các tầng từ 50 đến 80 chỗ, 10 phòng thí nghiệm, 90 phòng làm việc khác. Tổ hợp tòa nhà HT2 cao 5 tầng, hơn 20 nghìn mét vuông diện tích sàn với 2 giảng đường 120 chỗ, 4 giảng đường 80 chỗ, 22 phòng thí nghiệm, 11 phòng học, khoảng 100 phòng làm việc với công năng khác nhau. Cả 2 công trình HT1 và HT2 gần tương đương với diện tích của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên hiện nay ở nội thành Hà Nội.