Đông Anh: Sau cấp 2, giờ đến phụ huynh TH Kim Nỗ tố con bị "ép" học thêm online

29/10/2021 06:41
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cô T. đã “ép” học sinh lớp 2B, Tiểu học Kim Nỗ học thêm online 3 buổi/ tuần vào sáng thứ 4, chiều thứ 7 và chiều Chủ nhật hàng tuần.

Sau các bài viết của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh về việc dạy thêm trực tuyến tại trường Trung học cơ sở Kim Nỗ, nhiều phụ huynh trường Tiểu học Kim Nỗ cũng gửi phản ánh về sự việc tương tự xảy ra với con em họ.

Theo đó, những phụ huynh có con học tại lớp 2B, Trường Tiểu học Kim Nỗ, Đông Anh, Hà Nội đã gửi các tư liệu về việc phải học thêm trực tuyến. Các phụ huynh này gửi “cầu cứu” đến Tòa soạn, mong được Tạp chí vào cuộc để dẹp bỏ vấn nạn dạy thêm đang diễn ra ở đây.

Sự việc này một lần nữa cho thấy, việc dạy thêm trực tuyến trên địa bàn huyện Đông Anh đã không còn trong phạm vi của một lớp, một trường học cá biệt nữa.

Trường Tiểu học Kim Nỗ, Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: internet

Trường Tiểu học Kim Nỗ, Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: internet

Anh H, phụ huynh có con học tại lớp 2B bức xúc chia sẻ: “Chúng tôi được biết, trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội đã có quy định về việc nghiêm cấm dạy học thêm.

Đặc biệt, trong một bài viết mới đây mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải cũng đã dẫn lời của cô Dương Thị Sáu - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Đông Anh trả lời rằng: “Việc dạy thêm và học thêm chúng tôi đã cấm tuyệt đối rồi, không được dạy thêm, học thêm trong bối cảnh học sinh đang còn phải học trực tuyến như hiện nay”.

Tuy nhiên, trên thực tế mọi việc ở Trường Tiểu học Kim Nỗ dường như đã không diễn ra theo đúng lời của lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Đông Anh trả lời trên báo chí, đặc biệt là việc dạy học thêm online do cô T. giáo viên chủ nhiệm lớp 2B tổ chức.

Cụ thể, cô T. đã “ép” học sinh lớp 2B học thêm online 3 buổi/ tuần vào sáng thứ 4, chiều thứ 7 và chiều Chủ nhật hàng tuần. Tôi nghĩ, với độ tuổi của học sinh lớp 2 thì việc học trực tiếp ở trường có khi các con còn gặp không ít bỡ ngỡ, giờ đây cô còn bắt các con học thêm theo hình thức trực tuyến thì không biết hiệu quả học tập nằm ở đâu?.

Các cháu học chính bằng hình thức trực tuyến đã rất vất vả. Các cô giáo cũng kêu, phụ huynh chúng tôi cũng thấu hiểu điều này. Nhưng sao khi tổ chức dạy thêm online, không thấy các cô kêu mà lại "nhiệt tình" xếp lịch học thế, bất chấp việc đang có giáo viên Trung học cơ sở Kim Nỗ phải làm giải trình vì ép học sinh học thêm online?”.

Một phụ huynh khác cho rằng: “Không chỉ bắt các con học thêm vào các khung giờ ngoài thời khóa biểu chính khóa, mà ngay cả trong khung giờ hành chính ngày thứ 4, cô T. vẫn bắt học sinh học thêm để nhằm mục đích kiếm tiền.

Vì thông thường, trong khung giờ hành chính của ngày thứ 4, hầu hết các bậc phụ huynh đều phải đi làm, khi không có phụ huynh kèm bên cạnh và mở máy tính, điện thoại thì không các con học kiểu gì?.

Ở một vùng quê ngoại thành, đa số các phụ huynh đều có thu nhập kinh tế ở mức bình thường, không thể trang bị dư giả các thiết bị học trực tuyến. Như vậy, nếu các phụ huynh đều đi làm và phải mang theo điện thoại thì các con lấy đâu ra các thiết bị để học trực tuyến. Chưa kể, khi các con học trực tuyến một mình thì các rủi ro như chập điện, cháy nổ thiết bị cũng có thể xảy ra, khi ấy thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm”.

Ngoài ra, các phụ huynh cũng cho biết thêm, sau sự việc tương tự xảy ra tại Trường Trung học cơ sở Kim Nỗ được Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam phản ánh thì cô T cũng chỉ tạm thời dừng dạy thêm được 1 tuần. Sau đó, giáo viên này lại tiếp tục yêu cầu các học sinh lớp 2B học thêm và nhắn kèm với nội dung: “rất tế nhị, các bố mẹ đừng chia sẻ, nói chuyện gì nhé”.

Trao đổi với phóng viên về sự việc này, cô Bùi Thị Sinh – Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Nỗ cho biết: “Sau khi nhận được thông tin phóng viên phản ánh thì chúng tôi cũng đã ngay lập tức cho xác minh. Qua những thông tin chúng tôi thu thập được thì khẳng định rằng, việc cô T dạy thêm là có.

Khi biết có sự việc như vậy thì chúng tôi cũng đã mời cô T lên làm việc để xác nhận lại sự việc trực tiếp từ cô ấy, xem thái độ của cô ấy như thế nào trước sự việc này.

Qua báo cáo của cô T thì chúng tôi ghi nhận lại sự việc như sau, cô T năm trước được phân công dạy lớp 1 và năm nay theo lớp đó để dạy lớp 2. Hai năm liền cô T phụ trách thì đều thay đổi sách giáo khoa. Không những thế, ở trong lớp 2B thì có một số phụ huynh rất lo lắng về việc, đầu năm thì thay sách giáo khoa mà cuối học kỳ 2 các con lại bị nghỉ giữa chừng vì ảnh hưởng của dịch bệnh covid – 19.

Vì thế, khoảng thời gian từ đầu tháng 8 thì nhà trường mới bắt đầu tập trung các học sinh để kiểm tra học kỳ theo hình thức trực tuyến, do đó kết quả học tập của nhiều em bị giảm sút, khiến phụ huynh rất lo lắng.

Khi ấy thì phụ huynh đề xuất giáo viên để kèm cặp thêm cho một số em, qua đó thì cô T cũng đã nhận lời và tổ chức dạy ngay sau khi thành phố Hà Nội kết thúc giãn cách xã hội. Theo cô T nói, thì là việc này được diễn ra từ cuối tháng 9/2021.

Cô T cũng cung cấp cho chúng tôi danh sách học sinh, đó là những cháu có học lực yếu. Sau khi tôi vào kiểm tra trong phần mềm cơ sở dữ liệu thì đó cũng đều là những em có kết quả học tập khiêm tốn và thấp thật”.

Phóng viên cũng đề cập đến chuyện, phụ huynh cho rằng cô T đang tổ chức dạy thêm với mục đích là kiếm tiền, vậy nhà trường có biết hay không?.

Về sự việc này được cô Sinh trả lời rằng: “Cô T chỉ đề cập đến chuyện nhận kèm cặp các học sinh chứ cũng chưa nói đến chuyện thu phí như thế nào. Chúng tôi cũng tìm hiểu qua các kênh thông tin, gặng hỏi và tìm giúp xem thu phí như thế nào nhưng phụ huynh cũng bảo là chưa thấy cô nói gì (nói về chuyện thu học phí học thêm – PV). Thông tin này là tôi tìm hiểu và nắm được nên phản ánh lại với báo chí như thế, còn chưa biết có chuẩn xác hay không.

Trong tuần 7, từ ngày 18 đến 22/10 trong chương trình Toán lớp 2 có một bài điển hình, dạng bài khó, có thể phụ huynh không hiểu và không hỗ trợ được cho học sinh. Vì thế, có thể phụ huynh đã gọi điện cho cô giáo đề nghị cô giáo mở phòng học trái với giờ học quy định để phụ huynh cùng nghe giảng và hỗ trợ học sinh.

Kết quả là trong ngày 24/10 (Chủ nhật) thì cô T có mở phòng học và hướng dẫn các con, nhưng cô T cũng nói rõ đây là buổi học hướng dẫn các con hoàn toàn miễn phí”.

Về việc xử lý với giáo viên vi phạm, vị Hiệu trưởng này nhấn mạnh: “Sau sự việc dạy thêm tại trường cấp 2 Kim Nỗ thì tôi cũng đã quán triệt, rút kinh nghiệm chung với tất cả các giáo viên.

Chúng tôi cũng đã giải thích và trao đổi thẳng thắn với cô T rằng, việc tổ chức dạy thêm và học thêm, dù chưa biết có thu phí hay không nhưng không báo cáo cho lãnh đạo nhà trường biết là cô đã sai.

Cô T cũng đã sai về mặt các văn bản quy định của ngành, các cấp quản lý và vi phạm về cam kết mà cô đã ký với lãnh đạo nhà trường trước mỗi năm học. Qua đó, cô T cũng đã nhận sai, nhận khuyết điểm và xin được nhận hình thức là kiểm điểm rút kinh nghiệm trước Ban giám hiệu. Khi nào nhà trường tổ chức cuộc họp thì cô ấy cũng sẽ rút kinh nghiệm.

Từ thời điểm này cô ấy cũng đã dừng tất cả mọi hoạt động dạy thêm mà chỉ tổ chức các hoạt động ôn tập cho học sinh khi được nhà trường phân công bồi dưỡng học sinh giỏi. Đồng thời, chỉ phụ đạo học sinh yếu vào các giờ hướng dẫn học sau khi các con đi học trực tiếp trở lại.

Từ sự việc của cô T thì chúng tôi cũng ngay lập tức chấn chỉnh ngay với tất cả mọi giáo viên để ngăn ngừa mọi sự việc trước khi nó xảy ra”.

Tin nhắn thông báo học thêm của cô giáo chủ nhiệm gửi cho phụ huynh kèm "lưu ý" các bố mẹ đừng chia sẻ. Ảnh: Phụ huynh cung cấp.Tin nhắn thông báo học thêm của cô giáo chủ nhiệm gửi cho phụ huynh kèm "lưu ý" các bố mẹ đừng chia sẻ. Ảnh: Phụ huynh cung cấp.

Khi đặt ra câu hỏi, nếu việc dạy học trực tuyến của các giáo viên trong Trường Tiểu học Kim Nỗ sẽ thông qua các ứng dụng trực tuyến do nhà trường cung cấp, vậy khi có chủ thể khác truy cập vào các khung giờ bất thường thì Ban giám hiệu có nhận được thông báo và có biết được đang có người tổ chức dạy trên nền tảng ứng dụng học trực tuyến của trường hay không?.

Về việc này cô Sinh thông tin thêm rằng: “Thực ra, với các phòng họp trực tuyến gồm ID và mật khẩu phòng học thì tôi đều nắm hết. Ngoài những khung giờ trực tuyến của trường vào buổi tối từ 19 – 21 giờ, một số lớp thì từ 17 – 19 giờ thì tôi cũng đã cùng với Hiệu phó để kiểm tra xem, khi vào trái khung giờ đó vào ban ngày thì có giáo viên nào dạy thêm không.

Chính tôi cũng vào các khung thời gian như thế của các ngày trong tuần để kiểm tra nhưng không phát hiện được giáo viên nào dạy các giờ đó.

Hiện tại thì nhà trường không đăng ký gói bản quyền mà chỉ sử dụng ứng dụng Zoom không giới hạn, một số cô thì sử dụng Google meet chứ không ứng dụng Teams nên không có thông báo. Khi dùng ứng dụng Zoom không giới hạn thì chỉ khi nào mình vào kiểm tra thì mới biết được các cô có dạy hay không.

Bản thân tôi cũng là người địa phương khác về trường công tác nên những thông tin mà phóng viên phản ánh về việc dạy thêm, học thêm ở trường tôi cũng khó nắm bắt. Để làm rõ điều này thì tôi cũng đã hỏi cô T là trước đây cô ấy dạy vào khung giờ nào, thì cô ấy nói lại là cô ấy dạy vào khung giờ chiều ngày Chủ nhật.

Chúng tôi cũng đã chấn chỉnh giáo viên rằng, nhiệm vụ của giáo viên là hướng dẫn học sinh để làm sao các con nắm được kiến thức. Nhưng trong thời điểm học trực tuyến này các cô phải tinh giản kiến thức, không được làm khó thêm. Khi nào học sinh tập trung đi học trực tiếp tại trường thì nhà trường sẽ bố trí để các cô ôn tập cho các con”.

Trung Dũng