Ngày 8/11, Ban Văn hóa – Xã hội của Hội Đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố về vấn đề học tập trực tuyến của học sinh trong tình hình dịch Covid-19.
Dự kiến từ ngày 10/12, học sinh sẽ đến trường học trực tiếp
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dự kiến, từ ngày 10/12, học sinh sẽ được quay trở lại trường học trực tiếp với những địa phương cấp độ dịch là cấp 1,2, còn sẽ kết hợp cả học trực tuyến và trực tiếp ở địa phương cấp độ dịch là cấp 3.
Trước khi học sinh quay trở lại, ngành sẽ tập huấn phòng chống dịch cho cán bộ, giáo viên, nhân viên của các trường vào ngày 8/12, họp phụ huynh vào ngày 9/12.
Địa phương có cấp độ dịch là 1,2 (nguy cơ thấp, trung bình), trường học sẽ được tổ chức dạy học trực tiếp, không tổ chức các hoạt động ngoài nhà trường. Trường nào muốn mở cửa cần đáp ứng được bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong cơ sở giáo dục. Các trường cũng phải chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng để chuyển sang dạy học trực tuyến nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Địa phương có cấp độ dịch là 3 (nguy cơ cao), sẽ kết hợp học cả trực tuyến và trực tiếp, không tổ chức hoạt động giáo dục ngoài lớp học.
Tùy vào điều kiện thực tế, các quận huyện và thành phố Thủ Đức sẽ quyết định kế hoạch dạy học trực tiếp cho từng lớp, từng khối lớp. Các khối 1,2,6,9 và 12 có thể được ưu tiên. Các lớp học sẽ được bố trí học lệch ca, lệch giờ, không tập trung đông người.
Toàn cảnh buổi làm việc của Ban Văn hóa Xã hội với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L) |
Địa phương có cấp độ dịch là 4 (nguy cơ rất cao), sẽ chỉ học trực tuyến, học qua truyền hình giao bài cho học sinh tự học.
Trong tổng số 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh, hơn 59% địa phương đạt vùng xanh, gần 32% địa phương là vùng vàng, còn lại có 2 huyện là vùng cam gồm Nhà Bè và Cần Giờ.
Các công việc cần làm trước khi học sinh quay lại trường
Ngoài mốc thời gian, Sở này cũng đề ra các công việc cụ thể cho từng cấp học cần làm trước khi học sinh quay trở lại trường.
Trong đó, đối với giáo dục mầm non: Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận huyện, thành phố Thủ Đức rà soát lại các cơ sở đủ điều kiện đón trẻ. Địa phương phân công các trường mầm non công lập tiếp nhận trẻ khi trường mầm non ngoài công lập ngưng hoạt động.
Giáo viên, nhân viên cần được tiêm đủ 2 mũi vắc xin được ít nhất 14 ngày. Trường thông báo cụ thể đến các phụ huynh kế hoạch đón trẻ, cho trẻ làm quen với thầy cô, nhóm lớp qua các video để trẻ nhanh thích nghi với môi trường mới.
Giáo dục tiểu học: Các trường sẽ lên kế hoạch sửa chữa cơ sở vật chất sau khi được bàn giao lại.
Giáo dục trung học: Trường tận dụng “khoảng thời gian vàng” khi thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh để học sinh đi học trực tiếp. Ban đầu, nhà trường có thể kết hợp dạy học trực tuyến kết hợp với trực tiếp, sau thì nâng dần học trực tiếp cho đến khi hoạt động giáo dục ổn định trở lại.
Địa phương nào kiểm soát được dịch có thể chủ động báo cáo, đề xuất tổ chức dạy học trực tiếp ngay trong học kỳ 1.
Theo lãnh đạo Sở đánh giá, trẻ đến trường học trực tiếp sẽ giúp giáo viên dễ dàng hơn quá trình dạy học, chăm sóc, có sự tương tác với thầy cô và bạn bè. Tuy nhiên, với cấp học mầm non thì cũng khó duy trì, cũng như tự ý thức bảo đảm khoảng cách, đeo khẩu trang.
Bậc phổ thông: Tình hình dịch bệnh kéo dài gây ra tâm lý e ngại cho phụ huynh. Họ chưa yên tâm cho học sinh đến trường, phần vì nhiều học sinh chưa được tiêm vắc xin.
Giáo viên đang nhiễm bệnh, hay vừa khỏi bệnh có thể gây ảnh hưởng đến việc phân công dạy học. Học sinh bị nhiễm bệnh, hay mồ coi vì dịch bệnh cũng có thể bị ảnh hưởng về tâm lý, tinh thần và thể chất.
Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L) |
Để học sinh sớm quay trở lại trường học, ổn định việc dạy học, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đề xuất thành phố sớm có kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ từ 3 đến 12 tuổi.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh - ông Lê Hoài Nam, rất khó ấn định ngày cụ thể học sinh quay trở lại trường trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay.
Ngành giáo dục chỉ xây dựng sẵn sàng các phương án, kế hoạch, tiêu chí đánh giá an toàn trường học ở các bậc học, để khi có quyết định thì có thể khởi động ngay, không bị động, không lúng túng.
"Quyết định cuối cùng về thời gian học sinh trở lại trường học là của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh", ông Lê Hoài Nam nhấn mạnh.
“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.