Ngày 1/11/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư số 17/2019/TT-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.
Chương trình này thuộc hình thức bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm, bao gồm Chương trình bồi dưỡng 01, 02, 03, gồm 9 module.
Để hoàn thành việc bồi dưỡng các module, giáo viên phải làm bài tập trắc nghiệm, tự luận theo quy định. Nếu như các module 1, 2, 3, giáo viên có thể hoàn thành bồi dưỡng trong một thời gian ngắn thì sang đến module 4, thầy cô phải mất khá nhiều thời gian, đáng kể nhất là phần nộp các sản phẩm cuối khóa.
Cụ thể, kết thúc bồi dưỡng module 4, giáo viên phải nộp lên hệ thống đào tạo trực tuyến LMS các sản phẩm sau: Sản phẩm 1. Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn cho 1 khối lớp (bao gồm 1 kế hoạch dạy học môn học và 1 kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục);
Sản phẩm 2. Một kế hoạch bài dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh – theo các phụ lục của Công văn 5512.
Điều đáng nói là, nhiều giáo viên vì những lí do khác nhau đã lên mạng tìm mua các sản phẩm để nộp cho xong chuyện, thậm chí, có thầy cô còn cung cấp tài khoản thuê người học thay.
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp |
Theo tìm hiểu của tôi, nhiều trang Facebook dành cho giáo viên luôn tấp nập kẻ mua người bán các tài liệu liên quan, trong đó có sản phẩm cho các module.
Một số tài khoản Facebook cá nhân chuyên bán tài liệu ra giá cho module 4 dao động từ 150 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng, đắt gấp đôi so với các module 1, 2, 3 vì có 3 sản phẩm. Những tài khoản này cũng sẵn sàng nhận học thay cho những ai có nhu cầu với giá 300 đồng.
Vì sao giáo viên đua nhau lên mạng mua sản phẩm bồi dưỡng module 4? Có thể liệt kê những giáo viên không mấy mặn mà khi phải học các module như sau: giáo viên lớn tuổi, sắp về hưu; giáo viên không rành công nghệ thông tin; giáo viên bảo thủ, không chịu đổi mới; giáo viên không còn yêu nghề…
Nhìn chung, những giáo viên này ỷ lại mạng xã hội, hơn nữa việc bồi dưỡng thiếu sự giám sát nên họ cứ thế mà học đối phó cho xong.
Tuy vậy, nhiều giáo viên chia sẻ với người viết rằng, giá như chương trình bồi dưỡng các module (1, 2, 3, 4) đừng yêu cầu nộp các sản phẩm theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, mà trọng tâm là Kế hoạch bài dạy (giáo án) thì không đến nổi thầy cô phải học đối phó như thế.
Tôi đã bồi dưỡng xong module 4 môn Ngữ văn và nhận thấy, Kế hoạch bài dạy (giáo án) dài lê thê, khiến giáo viên có phần ngán khi phải nghe nhiều video bài giảng, sau đó soạn bài nộp theo mẫu.
Theo đó, phần “Quan niệm và vai trò của Kế hoạch bài dạy” cho biết: “Kế hoạch bài dạy (giáo án) là bản thiết kế cho tiến trình dạy học một bài học cụ thể, là bản kế hoạch mà người giáo viên dự định sẽ thực hiện giảng dạy trên lớp đối với nhóm đối tượng học sinh nào đó.
Với một bài học nào đó, với những đối tượng học sinh khác nhau, và với những giáo viên khác nhau thì sẽ có những bản kế hoạch dạy học khác nhau.
Vì thế, Kế hoạch bài dạy (giáo án) là sản phẩm cá nhân, điều này không chỉ thể hiện trong ý tưởng dạy học, mà còn cả trong cách trình bày kế hoạch của họ. Vì thế, không có một Kế hoạch bài dạy (giáo án) duy nhất, cũng như không có một khuôn mẫu duy nhất trong cách trình bày”.
Thế nhưng, phần “Trao đổi về kế hoạch bài dạy” ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dành gần 20 phút để thuyết minh về Kế hoạch bài dạy (giáo án) theo Phụ lục IV Công văn 5512, rất dài dòng.
Cụ thể, Kế hoạch bài dạy (giáo án) gồm các nội dung: Mục tiêu; Thiết bị dạy học và học liệu; Tiến trình dạy học (gồm 4 hoạt động; mỗi hoạt động đều có 4 phần: Mục tiêu; Nội dung; Sản phẩm; Tổ chức thực hiện).
Tiếp theo, phần “Các yêu cầu khi xây dựng Kế hoạch bài dạy” (giáo án) ràng buộc giáo viên với yêu cầu lấp lửng:
“Mặc dù Kế hoạch bài dạy” (giáo án) mang tính cá nhân và không có khuôn mẫu nhất định chung cho tất cả mọi giáo viên, mọi môn học/hoạt động giáo dục, mọi bài dạy; nhưng để có sự đồng bộ và thống nhất nhất định trong triển khai dạy học hướng đến thực hiện mục tiêu của chương trình, việc thống nhất một số yêu cầu cốt lõi cần có khi xây dựng kế hoạch bài dạy là cần thiết.
Chẳng hạn như những yêu cầu về diễn đạt mục tiêu bài dạy; các nội dung cơ bản cần thể hiện trong mỗi hoạt động học; trình tự thao tác trong tổ chức hoạt động dạy học; sự vận dụng các phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học; xây dựng công cụ đánh giá...”.
Tiếp đến, phần “Cấu trúc kế hoạch bài dạy” (giáo án) cho biết: “Cấu trúc, hình thức và cách trình bày Kế hoạch bài dạy” (giáo án) là linh hoạt và không bắt buộc theo mẫu có sẵn. Không có và cũng không nên có một quy định cứng nhắc về mẫu Kế hoạch bài dạy (giáo án) để bắt buộc giáo viên phải thực hiện theo.
Tùy vào từng bối cảnh cụ thể, tùy vào từng nội dung và đối tượng dạy học, giáo viên có thể linh động sáng tạo để thiết kế Kế hoạch bài dạy” (giáo án) và các hoạt động, tổ chức và hướng dẫn học sinh học tập môn Ngữ văn.
Nhưng, phần này lại tiếp tục ràng buộc giáo viên với yêu cầu: “Tuy nhiên, để đảm bảo dạy học phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, Kế hoạch bài dạy” (giáo án) môn Ngữ văn cần lưu ý hướng đến việc cụ thể hóa mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực (năng lực chung và năng lực đặc thù), đến việc tích cực hóa các hoạt động học tập của học sinh, đến phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá các mục tiêu đã đặt ra.
Kế hoạch bài dạy (giáo án) bài học môn Ngữ văn (có đầy đủ các hoạt động đọc – viết – nói và nghe) có thể được trình bày theo cấu trúc – tham khảo công văn 5512 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 18/12/2020”.
Cuối cùng, phần “Cách thức xây dựng kế hoạch bài dạy” (giáo án) yêu cầu giáo viên tham khảo phụ lục 4 – Công văn 5512 khi xác định chuỗi hoạt động học của Kế hoạch bài dạy (giáo án) và mục tiêu của hoạt động, gồm:
Chuỗi hoạt động dạy học cần thể hiện được tiến trình tổ chức dạy học gồm: (i) Mở đầu/xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập - (ii) Hình thành kiến thức mới/ giải quyết vấn đề/ thực thi nhiệm vụ đặt ra - (iii) Luyện tập - (iv) Vận dụng.
Ngoài ra, module 4 còn yêu cầu giáo viên nộp Kế hoạch dạy học môn học và Kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục theo mẫu Công văn 5512 dài dòng, vô bổ, ít liên quan đến việc dạy học nên thầy cô đi xin, đi mua, khỏi phải soạn mất công.
Có thể nhận thấy, việc bồi dưỡng các module nhằm giúp giáo viên dạy tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thế nhưng, việc soạn các sản phẩm, trong đó có Kế hoạch bài dạy (giáo án) chưa thiết thực, là một trong những nguyên nhân khiến giáo viên học đối phó. Rất mong Bộ Giáo dục rà soát lại nội dung các các module để điều chỉnh sao cho hợp lí, thiết thực.
Tài liệu tham khảo:
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-17-2019-TT-BGDDT-Chuong-trinh-boi-duong-thuong-xuyen-giao-vien-co-so-giao-duc-428683.aspx
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.