Đã có ý kiến cho rằng một số tổ trưởng chuyên môn ở các nhà trường là những người giỏi nịnh bợ hoặc họ phải là những người thân cận của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng mới được bổ nhiệm hàng năm vào chức vụ này.
Sự việc này phải nói thẳng ra là có nhưng rất ít và nếu làm tổ trưởng mà không có năng lực thì người tổ trưởng đó vất vả vô cùng và tất nhiên là giáo viên trong tổ sẽ xem thường và không phục về cách điều hành của người đứng đầu tổ chuyên môn.
Trong giai đoạn hiện nay, khi mà ngành giáo dục đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, triển khai việc tập huấn chuyên môn qua các mô-đun và nhất là những địa phương đang phải dạy học trực tuyến thì những thầy cô tổ trưởng chuyên môn thực sự vất vả.
Họ đang là những người đứng mũi chịu sào môn học mà mình phụ trách.
Tổ chuyên môn sinh hoạt định kỳ (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa: thducgiang.longbien.edu.vn). |
Rất nhiều thầy cô kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn ở các nhà trường đã và đang làm tốt vai trò của mình trong việc kiến tạo, định hướng cho giáo viên trong tổ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giảng dạy môn học mà mình đang phụ trách.
Tổ trưởng chuyên môn mà không có năng lực là đang tự làm khổ mình
Trong các trường phổ thông, những thầy cô kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn được xem là những cánh tay đắc lực cho Ban giám hiệu nhà trường, họ luôn có những ý kiến tham mưu tốt để nhà trường có những chỉ đạo phù hợp trong việc giảng dạy đối với từng bộ môn.
Tuy nhiên, chính vì công việc kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn rất vất vả, chịu áp lực với Ban giám hiệu nhà trường và ngay cả với giáo viên trong tổ nên nhiều cũng đã có nhiều thầy cô khi được phân công, bổ nhiệm thì thường tìm lý do để không phải đảm nhận công việc này.
Chính vì thế, nếu tìm được, bổ nhiệm được các tổ trưởng chuyên môn trong trường hội tụ được cả tâm và tài, dám dấn thân, xông xáo trong công việc thì Ban giám hiệu nhà trường "rất khỏe" và chất lượng bộ môn trong nhà trường cũng được nâng lên rõ rệt.
Ngược lại, nếu bổ nhiệm một tổ trưởng chuyên môn mà không có năng lực chuyên môn để điều hành tổ thì bao giờ tổ chuyên môn đó cũng lục đục vì giáo viên không phục tùng tổ trưởng nên thường dẫn đến cự cãi và mất đoàn kết nội bộ.
Câu chuyện các thành viên tổ chuyên môn Văn - Giáo dục công dân nhắn tin "dập cho chết" đồng nghiệp xảy ra tại Trung học phổ thông Nguyễn Huệ (Thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận) đến nay vẫn chưa thấy công bố kết quả xử lý, là một nốt nhạc buồn, tuy chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, nhưng cũng phần nào cho thấy vai trò của tổ trưởng chuyên môn trong công việc và sinh hoạt hàng ngày tại các trường phổ thông quan trọng như thế nào.
Những tổ trưởng chuyên môn mà không có năng lực sẽ phải lệ thuộc rất nhiều vào các tổ viên bởi là người đứng đầu tổ mà không dám quyết, không giúp được tổ viên, khi gặp khó khăn thì phải nhờ cậy Ban giám hiệu nhà trường xuống giải quyết, dàn xếp thì làm sao chất lượng tổ có thể đi lên được.
Lúc đó, không chỉ tổ trưởng chuyên môn khổ tâm, vất vả, lệ thuộc vào người khác mà tiếng nói của mình đối với tổ viên gần như không có trọng lượng, họ bị xem thường và uy tín của tổ trưởng, của tổ chuyên môn cũng mai một dần.
Vì thế, xây dựng được đội ngũ tổ chuyên môn giỏi về chuyên môn, có khả năng điều hành, tạo dựng được mối đoàn kết cho giáo viên trong các tổ là cả một kỳ công và nghệ thuật của Ban giám hiệu các nhà trường.
Tổ trưởng chuyên môn không có năng lực, khó đáp ứng được yêu cầu công việc hiện nay
Một người tổ trưởng chuyên môn giỏi thì ngoài năng lực chuyên môn ra, thầy cô đó phải chấp nhận những thiệt thòi, vất vả bởi luôn đi đầu trong các công việc. Thầy cô đó phải xông xáo, gương mẫu trong các hoạt động của tổ, của trường và tất nhiên là tránh sự lệ thuộc, nhờ cậy tổ viên của mình.
Bởi lúc này, nhiều môn học mới đã được đưa vào giảng dạy tại các trường phổ thông khác hoàn toàn so với chương trình cũ.
Trong khi, nhiều hướng dẫn của Bộ, Sở Giáo dục là để các trường tự quyết, tự chủ các hoạt động dạy học. Nhưng, Ban giám hiệu trường thường cũng…không quyết mà chuyển email xuống cho các tổ chuyên môn tự bàn bạc, tháo gỡ khó khăn.
Thế nhưng, nhiều môn học mới như: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí; Nghệ thuật; Nội dung giáo dục địa phương; Hoạt động trải nghiệm…không hề dễ dàng thực hiện trong việc bố trí thời gian giảng dạy, tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học trò.
Các môn học khác cũng được bố trí nội dung, phương pháp hoàn toàn khác với chương trình trước đây.
Vì thế, nếu người tổ trưởng chuyên môn không cập nhật được các văn bản mới, không nắm được chương trình môn học và không có những định hướng để giáo viên trong tổ thảo luận, tháo gỡ thì giáo viên trong tổ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Việc tập huấn các mô-đun của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 luôn có những bài tập và yêu cầu các trường chuẩn bị để báo cáo khi tập huấn tập trung và nộp bài lên trang trực tuyến.
Nhiều khi giao cho tổ viên làm bài tập tiếp- dù họ biết, họ có thể làm được nhưng nhiều người vẫn lấy lý do không biết để thoái thác. Nếu không khéo léo trong việc phân công thì gần như tổ trưởng “phải gánh” phần việc này.
Khi dạy và kiểm tra trực tuyến, có nhiều giáo viên trong tổ sử dụng công nghệ thông tin khá tốt nhưng cũng có những giáo viên gần như chẳng biết gì. Lúc đó, giáo viên tất nhiên phải hỏi, phải nhờ tổ trưởng chuyên môn hỗ trợ.
Gặp những trường hợp như vậy, tất nhiên là tổ trưởng chuyên môn phải hướng dẫn lại cho tổ viên của mình tất cả các bước để họ thực hiện. Một số môn kiểm tra tự luận thì phải nói là rất khó với nhiều giáo viên trong tổ.
Những lúc đó, tổ trưởng chuyên môn thường là người hỗ trợ giáo viên trong tổ xây dựng đề trên phần mềm, cách nộp đề qua link, cách chia sẻ đề, đổi tập tin và gửi link đến học trò. Thậm chí, khi vào chấm bài cũng phải hướng dẫn một số giáo viên trong tổ vì họ gặp khó khăn.
Những việc này, nếu người tổ trưởng không nhiệt tình, không biết công nghệ thông tin chắc chắn sẽ gặp khó trong công việc và cũng sẽ khó xử khi có giáo viên trong tổ nhờ cậy mình.
Đó là chưa kể rất nhiều đợt tập huấn, triển khai công việc chuyên môn từ Sở, Phòng, Hội đồng bộ môn chỉ triển khai cho tổ trưởng chuyên môn và sau đó về trường triển khai lại cho giáo viên trong tổ của mình để cùng thực hiện công việc chung của ngành.
Chính vì thế, phần lớn những thầy cô đang kiêm nhiệm công tác tổ trưởng chuyên môn hiện nay tương đối vất vả và phải là những người có chuyên môn tốt, nếu không sẽ khó đáp ứng được yêu cầu công việc của tổ, của trường.
Chỉ tiếc, theo quy định hiện nay nhiệm kỳ của tổ trưởng chuyên môn chỉ có một năm nên nhiều thầy cô đang làm khá tốt công việc này nhưng vì áp lực quá nhiều nên có nhiều người hết nhiệm kỳ là họ xin nghỉ.
Việc thường xuyên thay đổi nhân sự quản lý ở các tổ chuyên môn cũng khiến chất lượng giảng dạy của bộ môn, của nhà trường bị ảnh hưởng theo.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.