Vì sao nhiều thầy cô còn ngại, né khi được phân công làm tổ trưởng chuyên môn?

14/07/2021 13:28
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc khống chế xếp loại xuất sắc đối với những thầy cô là tổ trưởng, tổ phó chuyên môn là điều chưa thực sự phù hợp mà sẽ làm nản lòng những giáo viên này.

Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã được ngành giáo dục triển khai, thực hiện từ năm học 2020-2021 ở lớp 1, năm học 2021-2022 tới đây là lớp 2, lớp 6 và năm tiếp theo sẽ là lớp 3, lớp 7 và 10….

Những bỡ ngỡ, khó khăn khi tiếp cận chương trình mới sẽ là điều đội ngũ nhà giáo ở các nhà trường sẽ phải đối mặt, tháo gỡ, nhất là đối với những môn học mới như các môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở.

Tuy nhiên, nếu ngành giáo dục mà đặc biệt là các nhà trường phát huy được thế mạnh nguồn lực của nhà trường, quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ trưởng chuyên môn trong đơn vị phát huy được năng lực sẽ là điều kiện tiên quyết giúp cho việc thực hiện chương trình mới được hiệu quả.

Ảnh minh hoạ: Lã Tiến

Ảnh minh hoạ: Lã Tiến

Nhiều thầy cô đang “né” khi được hiệu trưởng bổ nhiệm làm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn

Năm học vừa qua, một số địa phương đã thực hiện việc khống chế tỉ lệ xuất sắc khi đánh giá viên chức đối với tổ trưởng, tổ phó chuyên môn ở các nhà trường. Vấn đề này có nhiều bài viết đã được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Một số nơi, họ mặc định tổ trưởng, tổ phó chuyên môn là quản lý nhà trường vì những người này được nhận phụ cấp chức vụ. Tuy nhiên, chức vụ này chỉ là kiêm nhiệm vì tổ trưởng chuyên môn được giảm 3 tiết dạy/ tuần nên nhiệm vụ giảng dạy vẫn chiếm phần lớn công việc của họ.

Chúng tôi cho rằng việc khống chế xếp loại xuất sắc đối với những thầy cô là tổ trưởng, tổ phó chuyên môn là điều chưa thực sự phù hợp mà sẽ làm nản lòng những giáo viên đang kiêm nhiệm công việc này.

Vẫn biết, mỗi trường mỗi khác, vẫn biết trong nhiều trường học vẫn tồn tại những thầy cô tổ trưởng không đi lên bằng năng lực nhưng chúng tôi cho rằng đây là con số rất nhỏ trong từng đơn vị.

Bởi, nếu không được bổ nhiệm bằng năng lực thì những giáo viên được kiêm nhiệm làm tổ trưởng chuyên môn sẽ không trụ được lâu ở vai trò này. Họ không thể điều hành tổ chuyên môn của mình qua từng năm học, chứ đừng nói nhiều năm bởi bên cạnh họ là những người cùng được đào tạo chuyên ngành giống nhau, có trình độ tương đồng với nhau.

Vì thế, phần lớn các thầy cô được hiệu trưởng bổ nhiệm, phân công làm tổ trưởng chuyên môn phải là người có chuyên môn, có những mặt nổi trội trong tổ mới được tín nhiệm và bổ nhiệm.

Tuy nhiên, từ thực tế của nhiều đơn vị, chúng tôi nhận thấy rằng việc phân công, bổ nhiệm tổ trưởng chuyên môn có những trường chưa được xem trọng. Trong khi, áp lực công việc nhiều nên cũng nhiều thầy cô đảm nhận nhiệm vụ này được 1-2 năm là xin thôi vì nó cực quá.

Cho dù mỗi tháng thì các chức vụ này được hưởng phụ cấp chức vụ và được giảm số tiết thì nhiều thầy cô vẫn không muốn kiêm nhiệm chức vụ này, nhiều người họ muốn dạy đủ tiết quy định rồi về nhà, không phải dự họp hành liên miên, không phải kiểm tra, đôn đốc các tổ viên trong tổ của mình.

Phát huy vai trò của các tổ trưởng chuyên môn khi thực hiện chương trình mới

Việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được hoàn tất trong 4 năm học tới- đây là quãng thời gian mà các nhà trường, các thầy cô giáo sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, vất vả khi phải làm quen với nhiều đơn vị kiến thức mới, nhiều phương pháp dạy học mới.

Vì thế, các nhà trường mà chú trọng xây dựng được bộ phận tham mưu tốt, xông xáo với công việc thì mọi việc sẽ suôn sẻ, ổn thỏa. Trong đó, cần đặc biệt phát huy vai trò, thế mạnh của những thầy cô đang làm tổ trưởng ở các tổ chuyên môn trong đơn vị.

Bởi, từng tổ chuyên môn mạnh hay yếu thì phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của người tổ trưởng. Nếu người tổ trưởng có năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt, có tố chất lãnh đạo sẽ biết tập hợp tổ chuyên môn của mình thành một khối đoàn kết, thống nhất để thúc đẩy chất lượng giáo dục đi lên.

Ngược lại, nếu người tổ trưởng yếu chuyên môn, bè phái, chấp nhặt, soi mói tổ viên thì tổ chuyên môn thường lục đục và mạnh ai nấy làm, mọi người trong tổ luôn phải đề phòng nhau. Tất nhiên, những tổ chuyên môn như vậy rất khó tạo thành một tập thể vững mạnh bởi nội bộ tổ luôn lục đục, nhiều thị phi.

Nhất là khi các nhà trường thực hiện giảng dạy chương trình mới thì vai trò của người tổ trưởng lại càng quan trọng hơn. Nếu người tổ trưởng chịu học hỏi, chịu tìm tòi, đổi mới sẽ xây dựng được những kế hoạch giáo dục tốt và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Chính vì thế, Ban giám hiệu các nhà trường cần lựa chọn những thầy cô tiêu biểu nhất trong từng tổ chuyên môn để đảm nhận vai trò tổ trường và điều quan trọng hơn đó là có sự bồi dưỡng, giúp đỡ để họ hoàn thành tốt các công việc của mình.

Bên cạnh sự chung tay gỡ khó những cái mới, cái khó với đội ngũ cốt cán trong nhà trường thì các thầy cô trong Ban giám hiệu cần có những động viên, khích lệ để đội ngũ tổ trưởng có thể phát huy hết khả năng, nhiệt huyết của mình cho việc phát triển chất lượng giảng dạy của từng tổ chuyên môn.

Trong trường học, Ban giám hiệu nhà trường là những người quản lý, chỉ đạo chung toàn trường, chất lượng chuyên môn của từng tổ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các thành viên trong tổ nhưng vai trò của tổ trưởng chuyên môn sẽ là người tiên phong trong đổi mới và gánh vác trách nhiệm chính.

Vì thế, việc phát huy vai trò tổ trưởng chuyên môn trong từng đơn vị là rất cần thiết để thực hiện nhiệm vụ chung của toàn ngành Giáo dục trong những năm tới đây.

HƯƠNG MAI