Bộ có ngân hàng đề thi, kiểm tra chung, giáo viên nào ép học thêm sẽ hết cửa

27/11/2021 06:41
Ngân Hoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có ngân hàng đề từ Bộ Giáo dục, giáo viên cơ sở cũng không thể nhá đề, mớm đề cho lớp học thêm, cũng không thể đoán đề để dạy tủ.

Sau khi đọc bài viết “Bộ nên xây dựng ngân hàng ma trận đề thi, kiểm tra dùng chung toàn quốc” của tác giả Bùi Nam đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 24/11, thầy H. hiệu trưởng một trường trung học phổ thông tại một tỉnh miền Nam Trung Bộ, gọi điện cho tôi bày tỏ sự đồng tình với chủ trương tạo ra ngân hàng đề thi chung toàn quốc.

Thầy giáo H. cho biết, mình rất mừng khi đọc được thông tin này và hy vọng những đề xuất của tác giả sẽ mau chóng được Bộ Giáo dục thông qua.

Hình minh họa, nguồn: qmo.nlu.edu.vn

Hình minh họa, nguồn: qmo.nlu.edu.vn

Vốn là giáo viên, đã trải qua thực tế nhiều năm giảng dạy, thầy H. nói rằng ngoài việc dạy học, giáo viên phải kiêm luôn nhiệm vụ ra đề kiểm tra, đề thi hết học kỳ nên cũng rất vất vả. Việc ra đề sẽ mất rất nhiều thời gian, cần phải để cho các thầy cô chuyên tâm vào công việc giảng dạy mới đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, khi giáo viên không phải ra đề sẽ “tiêu diệt” được lợi ích nhóm. Điều được lớn hơn, sẽ dần chấm dứt được tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, học sinh sẽ không còn phải gồng mình đi học thêm trong sự “cưỡng bức” của một số giáo viên nắm quyền ra đề. Và người lợi nhất trong chuyện này chính là các em học sinh.

Giáo viên còn ra đề, học thêm sẽ ngày càng biến tướng

Hiện nay, phần đông giáo viên ra đề (những môn học được coi là trọng điểm như Toán, Anh văn…) cũng là những giáo viên dạy thêm. Vì thế, mới có chuyện học sinh đi học thêm thường ôn đề trúng phóc. Những em đi học thêm dù có lực học yếu cũng không bao giờ bị điểm thấp. Những học sinh có lực học trung bình và khá lại dễ dàng đạt những được điểm giỏi.

Bất công xảy ra khi những học sinh có lực học thật sự giỏi nhưng không đi học thêm đôi khi điểm kiểm tra lại chẳng bằng những bạn học thua mình trên lớp.

Thế nên không ít em đi học về cũng chẳng cần học bài mà chỉ cần tham gia học thêm là đủ. Mọi bài tập giao về nhà cũng đã được thầy cô cho làm tại lớp học thêm.

Giáo viên ra đề, làm giàu cho nhóm lợi ích

Vì sao nói, giáo viên ra đề sẽ làm giàu cho nhóm lợi ích? Thường thì đến kỳ kiểm tra, kỳ thi mỗi giáo viên sẽ ra một đề nộp cho tổ trưởng chuyên môn duyệt. Tổ trưởng sau khi duyệt xong sẽ chuyển về nhà trường đưa vào ngân hàng đề.

Nói là ngân hàng đề cho oai chứ nhiều trường năm nào tổ chức kiểm tra cũng bốc đề ra năm đó. Các thầy cô trong tổ sẽ liên kết với nhau theo kiểu, tôi cho anh đề của tôi, anh sẽ cho tôi đề của anh để cùng ôn cho đám học trò ruột đang học thêm. Vậy là, dù nhà trường có xáo đề kiểu gì như lấy đề này vài câu, lấy đề kia vài câu thì giáo viên nào ôn tập cũng trúng.

Có trường lấy thêm đề của 2 hoặc 3 năm trước cũng chẳng hề gì vì phó hiệu trưởng nhà trường, thậm chí là hiệu trưởng cũng dạy thêm nên vẫn cần ôn tập. Mà đã ôn tập lại rất cần liên kết với giáo viên của tổ chuyên môn. Thế là, ra đề kiểu gì, xáo đề kỹ ra sao thì giáo viên dạy thêm cũng biết hết.

Vậy nên ai muốn trúng đề đạt điểm cao chỉ cần đăng ký học chính thầy cô giáo đang dạy mình trên lớp hoặc xin học tại trung tâm thầy cô phó hiệu trưởng, hiệu trưởng dạy là được.

Có ngân hàng đề chung từ Bộ, biến tướng học thêm sẽ mất, tuy nhiên thầy giáo H. cho rằng điều này chỉ được thực hiện khi chúng ta chọn đúng người trong ban ra đề kiểm tra, đề thi. Bởi, chọn sai người thì nạn học thêm không biến mất mà còn gây áp lực lớn cho học sinh những vùng khó khăn.

Giáo viên ra đề không cần học hàm học vị, chỉ cần hiểu giáo dục toàn diện

Hiện nay, ngoài những học sinh phải đi học thêm bắt buộc khi bị chính thầy cô giáo dạy dùng “thủ thuật” ép buộc thì một bộ phận không nhỏ học sinh thật sự có nhu cầu học thêm. Nhiều em khẳng định nếu không đi học thêm sẽ chẳng bao giờ thực hiện được ước mơ vào học những trường thuộc tốp đầu.

Lý do, một phần do chương trình nặng nhưng chủ yếu vẫn là việc ra đề kiểm tra, đề thi hiện nay luôn vượt xa những kiến thức căn bản, kiến thức chuẩn được dạy trong sách giáo khoa.

Có giáo viên phải thốt lên học một đằng thi một nẻo, những kiến thức cứ như trên trời rơi xuống mà không nhờ học thêm các em sao có thể làm được.

Bởi thế, thầy H. cũng cho rằng chuyện chọn giáo viên trong ban ra đề của Bộ vô cùng quan trọng. Không cần người có học hàm, học vị, không cần giáo viên dạy giỏi theo danh hiệu cấp nọ cấp kia, không cần cả giáo viên cốt cán của huyện, tỉnh…vì thường họ ở những trường điểm, trường lớn nên không hiểu rõ giáo dục vùng khó.

Vì vậy, đề ra thường trên mây trên gió, lấy khuôn của thành phố, thị xã để áp vào học sinh thôn quê, nên học sinh vùng khó các em theo không kịp và tạo ra bất bình đẳng trong giáo dục.

Những thầy cô giáo am hiểu giáo dục toàn diện sẽ biết ra đề cân đối, hài hòa giữa các vùng miền. Kiến thức căn bản nằm trong sách giáo khoa, nên đề ra cũng nên ở mức bình thường. Học sinh nắm chắc kiến thức trong sách sẽ đạt được 5 đến 7 điểm.

Khi có ngân hàng đề từ Bộ Giáo dục, giáo viên cơ sở cũng không thể nhá đề, mớm đề cho lớp học thêm, cũng không thể đoán đề để dạy tủ. Lúc này, các thầy cô giáo phải dạy kỹ tất cả nội dung trong sách giáo khoa.

Khi học sinh nắm chắc kiến thức căn bản và làm bài đạt điểm từ trung bình đến khá cũng chẳng cần phải học đi học thêm làm gì. Lúc đó, chỉ còn số ít những học sinh cần học nâng cao mới phải tìm thầy cô giáo giỏi để ôn luyện.

Ngân hàng đề chung sẽ thuận lợi cho việc xét học bạ vào đại học

Hiện nay, xu hướng các trường đại học tuyển sinh bằng học bạ ngày một nhiều. Sẽ rất bất công cho học sinh khi đề kiểm tra ở mỗi trường lại có mức độ dễ khó khác nhau.

Vì thế điểm giỏi của trường này đôi khi chỉ bằng điểm khá, thậm chí điểm trung bình khá của trường kia. Học sinh giỏi của trường này lại có lực học thua xa của trường khác. Và, vì đi học thêm nên biết trước đề sẽ đạt điểm cao. Khi có được điểm học bạ đẹp sẽ lợi thế hơn nhiều học sinh khác.

Nhưng nếu là đề kiểm tra chung thì kết quả sẽ rất công bằng và không tạo ra nghịch lý cho các trường tuyển sinh bằng học bạ, học sinh giỏi bị trượt học sinh kém hơn lại đỗ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng hoàn toàn đồng ý với đề xuất xây dựng một kho đề thi chung cho cả nước. Từ ngân hàng đề thi này, các địa phương sẽ lấy từ đó để làm căn cứ kiểm tra, đánh giá học sinh.

Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, và để mình có thể nhận thấy kết quả chung của toàn miền, và thậm chí còn hỗ trợ cho việc thi cử sau này.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ngân Hoa