“Viết thư giới thiệu học sinh của tôi với một số trường đại học cũng được tôi làm từ khá lâu, nhất là đối với những học sinh có ý định du học nước ngoài. Và vài năm trở lại đây cũng có một số trường đại học trong nước trong quá trình xét tuyển, cũng có thêm yêu cầu thư giới thiệu. Học sinh của tôi ở trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm cũng khá giỏi, trong quá trình các em nộp hồ sơ vào các trường đại học cũng mong muốn được các thầy cô giới thiệu thêm về thông tin của mình, mặc dù đây là những học sinh xuất sắc.
Còn theo tôi, thư giới thiệu học sinh của các thầy cô giáo cũng là một kênh để các trường đại học tham khảo thêm, cân nhắc giữa các thí sinh với nhau, bởi trong hồ sơ của các em cũng có đủ thông tin như kết quả học tập, chứng chỉ IELTS, cũng như các chứng chỉ chuẩn hóa.
Thông qua thư giới thiệu, hội đồng tuyển sinh có thể nắm bắt thêm các thông tin như các hoạt động ngoại khóa, sự tương tác của thí sinh với các hoạt động xã hội, giao tiếp,…cũng như một số kĩ năng đặc biệt, qua đó hội đồng tuyển sinh có thêm sự đánh giá, cân nhắc tốt hơn về thí sinh”, thầy Nguyễn Thành Công - Giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên (Đại học Sư phạm Hà Nội_ đã chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Thầy Nguyễn Thành Công - Giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên (Đại học Sư phạm Hà Nội). Ảnh: NVCC. |
Các trường cần thay đổi phương thức tuyển sinh
Theo thầy Công: “Các trường đại học nên thay đổi cách thức tuyển sinh bởi hiện nay thị trường giáo dục giữa các trường đại học cũng đã có sự cạnh tranh khốc liệt. Các trường cần có sự vận động để tìm được những thí sinh tốt, đặc biệt là các trường TOP.
Thứ nhất: Phải thay đổi chất lượng đào tạo, tăng giá trị thương hiệu của trường, công khai tỉ lệ việc làm đúng ngành đào tạo sau khi sinh viên tốt nghiệp,…tất cả những việc đó sẽ tạo thành một sức hút mạnh để kéo thí sinh về trường mình.
Thứ hai: Cần thay đổi phương án xét tuyển, thi tuyển. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nói Kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông chỉ là kì thi tốt nghiệp, vì vậy với đề thi đó chúng ta khó có thể kì vọng quá lớn vào việc phân hóa được chất lượng sinh viên vào đại học, trong khi thi đại học thì mức độ cạnh tranh lại khốc liệt hơn.
Nếu chúng ta cứ trông chờ vào điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, thì có nhiều nhà trường và đặc biệt là các trường TOP trên có lẽ sẽ khó khăn trong việc tuyển đúng đối tượng thí sinh, bởi các em đều có điểm rất cao dẫn đến nhiều thí sinh 30 điểm vẫn trượt. Tính chất đề thi như vậy nên bắt buộc mức điểm phải cao, vì vậy các trường đại học cần phải có biện pháp khác.
Biện pháp đầu tiên: Sử dụng kết quả học tập của học sinh trường chuyên, trong số các đối tượng học sinh thì có thể nói học sinh trường chuyên cũng có những điểm khác biệt hơn, và các trường đại học có thể tạm thời tin tưởng.
Biện pháp thứ hai: Sử dụng kết quả của các kì thi chuẩn hóa, ví dụ như kì thi IELTS, iBT, SAT,…những điểm đó có thể làm căn cứ để xét tuyển.
Biện pháp thứ ba: Các trường có thể sử dụng kì thi đánh giá năng lực riêng, và trong năm vừa qua, một số trường đã tổ chức các kì thi riêng, nhưng do diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên nhiều trường phải hoãn thi.
Xu thế các trường sử dụng đề thi khó hơn đề thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông, theo tôi có mấy xu hướng, đó là tổ chức, và phối hợp tổ chức, công nhận kết quả của một số kì thi, bởi hiện nay tổ chức được một kì thi cũng khá phức tạp, hơn nữa các trường cũng muốn đảm bảo yếu tố “an toàn” số lượng cho trường mình, vậy có thể sử dụng kết quả của 3 đơn vị lớn.
Đơn vị lớn thứ nhất là Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, và họ cũng đã tổ chức từ lâu rồi, họ có truyền thống, có kinh nghiệm và số lượng trường đại học lấy kết quả đó làm tiêu chí xét tuyển cũng rất nhiều, nhất là các trường từ Nam Trung Bộ trở vào.
Ở Bắc Trung Bộ và miền Bắc, năm nay có lẽ là kì thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, và kì thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa. Với Trường Đại học Bách Khoa họ có liên minh nhóm các trường kĩ thuật, và họ có thể sử dụng chung kết quả đó.
Còn các trường của khối Kinh tế như Đại học Ngoại Thương, Đại học Kinh tế Quốc Dân thì có thể sử dụng kì thi khác, ví dụ kết quả của Đại học Quốc gia Hà Nội. Hoặc phương án xét tuyển phối hợp với căn cứ thứ nhất là thí sinh bắt buộc phải có điểm thi tốt nghiệp bởi hiện nay điểm thi tốt nghiệp không có nhận xét đánh giá giỏi hay khá. Thứ hai là kết quả kì thi mà người ta lấy làm xét tuyển thì thường có mức độ khó hơn, kiến thức rộng hơn nhưng lại xét được những thí sinh phù hợp hơn với nhà trường.
Dựa trên những bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đó có thể tách ra thành các tổ hợp, các phần khác nhau và các trường đại học có thể xét tuyển được những thí sinh phù hợp với mục tiêu đào tạo của nhà trường”.
Thầy Công trong một buổi tư vấn tuyển sinh đại học. Ảnh: NVCC. |
Thầy công cho biết: “Những thí sinh đăng kí vào trường đại học, ví dụ Trường Đại học Bách Khoa, nghe qua các năm, học sinh có thể thấy phương thức tuyển sinh của trường ngày càng đổi mới, hiện đại. Việc các thí sinh nộp hồ sơ vào trường thì hầu hết là giỏi.
Khi các em chọn xét tuyển theo phương thức xét duyệt hồ sơ kèm phỏng vấn, và khi các em đã đỗ vào trường bằng phương thức xét tuyển đó, có thể sẽ nộp hồ sơ luôn, và trong quá trình xét tuyển trên hệ thống của Bộ thì hồ sơ của thí sinh đó sẽ bị khóa nguyện vọng lại, bởi em đã đỗ bằng phương thức đó. Tiếp theo, quy trình xét tuyển của Bộ được vận hành để lọc các thí sinh đỗ theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Theo tôi, trường đại học nào xét tuyển theo phương thức xét hồ sơ phỏng vấn, thay đổi phương thức tuyển sinh để tìm ra học sinh tài năng hơn, tốt hơn, phù hợp hơn với trường. Thay đổi phương thức tương tác với thí sinh, phụ huynh và giáo viên phổ thông để có thể có thể lan tỏa tốt hơn thì trường đó là rất thực tế, sẽ lấy được đúng và trúng những thí sinh thực sự có nhu cầu vào học đúng ngành nghề, tránh được thí sinh “ảo” và những thí sinh chỉ theo học cho có bằng đại học mà thôi”.
Học sinh cũng cần phải thay đổi
Thầy Công nói: “Về phía học sinh, hiện nay các em sinh năm 2004 cũng phải chịu khá nhiều thiệt thòi bởi thời gian phải học trực tuyến khá dài. Nhưng theo tôi, trong bất kì hoàn cảnh nào với những học sinh chủ động, có sự sáng tạo thì kết quả học tập vẫn rất tốt. Còn những em nào thụ động thì sẽ rất khó khăn.
Trước những vấn đề của đề thi tốt nghiệp, các trường đại học tự chủ có xu hướng dần thay đổi phương thức xét tuyển. Vậy các em phải đối mặt với những điều gì? Đề thi tốt nghiệp sẽ chỉ là ... đề thi tốt nghiệp, không còn đủ sức phân hóa thí sinh để xét tuyển đại học. Các trường TOP trên sẽ phải đưa ra các giải pháp của mình:
Thứ nhất: Xét tuyển kết hợp dựa trên học bạ, phỏng vấn và các chứng chỉ chuẩn hóa (IELTS, iBT, SAT...).
Thứ hai: Xét tuyển phối hợp giữa thi tốt nghiệp và các điều kiện khác.
Thứ ba: Tổ chức, phối hợp tổ chức, công nhận kết quả của các kì thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các trường tổ chức như đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Điều này dẫn tới hệ quả là nếu không chủ động thích nghi, các em sẽ bị thiếu thông tin, bị hụt hơi trong nỗ lực vào được trường mong muốn. Nếu không tìm hiểu, không học tập để đa dạng hóa kĩ năng, các chứng chỉ thì chỉ còn trông mong vào điểm thi tốt nghiệp mà có thể chỉ còn các trường top dưới sử dụng xét tuyển. Tương lai nào cho thí sinh chỉ dựa vào điểm tốt nghiệp vẫn còn đang bỏ ngỏ".
Theo thầy Công: Trong ảnh là thư của trưởng khoa từ 1 trường đại học có tiếng ở Hà Nội gửi cho học sinh của mình. Với các thành tích và năng lực hiện có, bạn ấy đã có thể chắc suất vào bất kì trường kĩ thuật nào ở Việt Nam. Tôi vẫn rất ngưỡng mộ cách làm của "đại học ấy", chân thành, giản dị và ... cầu tài. Ảnh: NVCC. |
Thầy Công lưu ý: "Việc các em cần phải làm là duy trì phong độ học tập tốt, điều này rất quan trọng, vì kì thi nào đi nữa và kể cả xét học bạ, thi đánh giá năng lực tư duy hay thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thì các em đều phải có một nền tảng kiến thức tốt. Các em cần chuẩn bị “nền móng” kiến thức cho mình.
Một điều nữa khá là thiếu và yếu trong hệ thống giáo dục, đó là định hướng nghề nghiệp và phân luồng giáo dục, vậy nên các em rất cần tham gia những chương trình có thể định hướng nghề nghiệp, tìm hiểu các trường cũng như nghề nghiệp mình mong muốn sau này.
Sau khi các em đã tìm hiểu, đã chọn ra được một nhóm trường, nhóm ngành, lúc này sẽ tập trung tìm hiểu phương thức tuyển sinh của nhóm trường đó, cân nhắc làm sao để phù hợp với lực học, mong muốn cũng như khoảng cách địa lí, điều kiện kinh tế của mình, xem trường đó sẽ thi thế nào, xét tuyển hồ sơ ra sao, tuyển bằng phương thức nào,…để có kế hoạch chuẩn bị cho phù hợp.
Hiện nay có rất nhiều em học sinh thụ động, đợi thi tốt nghiệp xong, có kết quả rồi mới nộp hồ sơ, nộp điểm đề vào trường, có thể lúc đó một số trường TOP họ lấy bằng kênh điểm thi tốt nghiệp rất ít, dẫn tới việc nhiều “suất” học khác đã được các bạn nhanh nhẹn hơn nộp hồ sơ bằng phương thức khác rồi, các chỗ còn lại chỉ khoảng 20% thôi thì tỉ lệ đầu vào đòi hỏi điểm thi tốt nghiệp phải rất cao mới đỗ.
Chính vì vậy có nhiều trường tới 29 – 30 điểm mà vẫn trượt là như thế, bởi phần lớn chỉ tiêu các trường đã lấy theo các phương thức xét tuyển khác rồi, còn lại phần nhỏ bằng phương thức lấy điểm thi tốt nghiệp. Nhiều em cảm thấy thiệt thòi nhưng cũng là lỗi do chính bản thân mình không chịu tìm hiểu trước”.