“Với tôi, dạy học bằng cả trái tim và trải nghiệm của chính mình”

21/11/2021 07:38
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi của trường, thay vì lựa chọn, tôi để cho các em tự đăng ký tham gia và không bao giờ từ chối những học sinh có ý thức vươn lên.

“Nhiều năm liền tôi được ban giám hiệu nhà trường tin tưởng phân công chủ nhiệm lớp có những học sinh rất “đặc biệt” cả về tính cách và hoàn cảnh, bởi tôi luôn đồng hành cùng học trò, lắng nghe, tìm hiểu về tâm tư, hoàn cảnh và tính cách của từng con, uốn nắn giúp các con tiến bộ. Nhớ những năm trước, lớp tôi có một trường hợp học sinh lưu ban, học lực kém, hoàn cảnh gia đình khó khăn, muốn bỏ học. Tôi và đại diện phụ huynh lớp đã tới nhà để động viên học sinh quay lại trường.

Mặt khác, tôi nhờ sự tác động từ những người bạn thân của em học sinh đó, đồng thời cũng báo cáo ban giám hiệu và hướng dẫn phụ huynh làm đơn để được hỗ trợ giảm học phí. Khi em học sinh đó quay trở lại trường, tôi chủ động tìm hiểu, giúp đỡ, đồng thời giao thêm cho em một số công tác lớp. Cuối năm học, em đó đã đạt kết quả và được lên lớp.

Có năm, lớp tôi nhận 02 học sinh rối loạn tâm lí phổ tự kỉ, nhưng có năng khiếu riêng và chơi đàn piano rất giỏi, để giúp các em hòa nhập, bớt tự ti, mặc cảm, tôi đã động viên các em tham gia biểu diễn trong các buổi văn nghệ của nhà trường để các em hòa đồng với các bạn. Mặt khác, tôi tổ chức cho cả lớp xem bộ phim điện ảnh “Cậu em lý tưởng” để giúp học sinh hiểu hơn về cuộc sống của những người có tính cách “đặc biệt”.

Cô Nguyễn Thu Thảo, giáo viên Trường Trung học cơ sở Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã tham gia dự thi “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 năm học 2020 - 2021). Ảnh: NVCC.
Cô Nguyễn Thu Thảo, giáo viên Trường Trung học cơ sở Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã tham gia dự thi “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 năm học 2020 - 2021). Ảnh: NVCC.

Trong buổi chiếu phim, đã rất nhiều học sinh rơi nước mắt, và qua nhiều hoạt động như vậy, tôi thấy các em học sinh có tính cách đặc biệt cũng bớt rụt rè, các bạn trong lớp đều yêu thương các em nhiều hơn”, cô Nguyễn Thu Thảo, giáo viên Trường Trung học cơ sở Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã cho biết khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. (Cô Thảo sinh năm 1990, tham gia dự thi “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 năm học 2020 - 2021).

Cô Thảo chia sẻ: “Năm học 2019, tôi đã dẫn một số học sinh trong lớp có điều kiện nhưng lại chưa chăm học tới thăm nhà bạn P.T.M, một cậu học trò nghèo nhưng luôn là học sinh giỏi, sao đỏ gương mẫu, được nhà trường tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. Qua việc thực tế trải nghiệm tận mắt nhìn thấy cả ngôi nhà của bạn đi thuê chỉ có mấy mét vuông, nghe nhận xét của bác chủ nhà và lời chia sẻ từ chính bạn mình, các em trong lớp có thể thấy những tấm gương vượt khó không đâu xa mà ngay ở xung quanh. Khi ra về, những bạn chưa chịu khó học tập cũng đã có suy nghĩ và dần vươn lên trong học tập.

Bên cạnh đó, tôi thực hiện nhiều hình thức động viên tích cực, tận dụng không gian trống của rèm cửa trong lớp để thiết kế và đưa một số khẩu hiệu tạo môi trường động lực cho học sinh cố gắng. Mặt khác, khi học sinh làm được nhiều việc đáng khen ngợi, chứ không chỉ về học tập, ví dụ như đạt được 50 sao khen, em sẽ được nhận một phần thưởng đặc biệt. Em sẽ được quyền giới thiệu về bài hát, hay một nghệ sĩ mà em yêu thích... Sau đó, các học sinh khác có thể cảm ơn hay khen ngợi, hay đưa ra những câu hỏi, ý kiến tranh luận như: Lời của bài hát đó mang đến cho người nghe thông điệp gì?

Phần thưởng cũng có thể là một hoạt động do các em khởi xướng. Ví dụ tổ chức thi đấu thể thao, thi nấu ăn, v.v... Có học sinh đã chia sẻ mong muốn nhận phần thưởng là được gặp bố và cùng ăn bữa cơm với cả bố và mẹ bởi em có hoàn cảnh gia đình “đặc biệt”. Việc đặt ra mốc 50 sao cũng tạo động lực cho học sinh đều có thể đạt được, tránh khen chỉ theo tuần, tháng sẽ tập trung ở một nhóm học sinh nhất định”.

Cô Thảo cho biết: “Trong công tác giảng dạy, tôi luôn cố gắng phối hợp sử dụng nhiều phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin". Ảnh: NVCC.
Cô Thảo cho biết: “Trong công tác giảng dạy, tôi luôn cố gắng phối hợp sử dụng nhiều phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin". Ảnh: NVCC.

Ứng dụng Công nghệ số trong giảng dạy

Cô Thảo cho biết: “Trong công tác giảng dạy, tôi luôn cố gắng phối hợp sử dụng nhiều phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo không khí hào hứng trong lớp học. Những năm gần đây, tôi đã tích cực tham mưu với ban giám hiệu, thực hiện nhiều chuyên đề về hướng dẫn các phần mềm dạy học trực tuyến.

Tôi cũng đã áp dụng mô hình “Lớp học đảo ngược” khi mà giáo viên sẽ đưa ra những hướng dẫn giúp học sinh nghiên cứu qua các tài liệu tham khảo để tìm ra những kiến thức cơ bản và làm một số bài tập, gửi cho giáo viên trước khi học ít nhất 2 ngày.

Trong quá trình dạy học kiến thức mới, giáo viên sẽ tổ chức thảo luận, giải đáp thắc mắc kết hợp chữa bài tập để từ đó rút ra những kết luận quan trọng, đồng thời chú ý các lỗi mà học sinh thường mắc phải, giúp học sinh hiểu bài sâu hơn, tăng cường khả năng tự học.

Trong dạy học, tôi xây dựng mục tiêu với từng cá nhân, giúp các em phát huy khả năng sở trường tốt hơn dựa trên những điểm mạnh. Ví dụ một học sinh gặp khó khăn trong môn Hoá nhưng lại rất giỏi tiếng Anh, dựa vào sở trường ngoại ngữ của học sinh, tôi đã giao cho em tìm hiểu và thực hiện biên tập các đoạn phim, tư liệu tiếng Anh ở chủ đề hoá học, qua đó giúp nâng cao lòng yêu mến của các em đối với môn Hoá học.

Trong giờ học, tôi cũng lồng ghép kể cho học sinh nghe câu chuyện về cuộc sống và tạo động lực học tập, có liên quan đến nội dung của môn học. Ví dụ như câu chuyện về kim cương và than chì, dù cùng được tạo nên từ 1 nguyên tố hóa học là cacbon, nhưng hoàn toàn có tính chất, giá trị khác nhau.

Ở sâu trong lòng đất, chịu được nhiệt độ cao, áp suất cao đã hình thành những viên kim cương quý giá cũng giống như các em học sinh có chịu khó, chăm chỉ, nỗ lực sẽ đạt đến thành công. Tiếp đó, tôi thường xuyên quan tâm và động viên học sinh, ghi nhận sự tiến bộ dù là rất nhỏ”.

Cô Thảo nói: "Trong dạy học, tôi xây dựng mục tiêu với từng cá nhân, giúp các em phát huy khả năng sở trường tốt hơn dựa trên những điểm mạnh". Ảnh: NVCC.
Cô Thảo nói: "Trong dạy học, tôi xây dựng mục tiêu với từng cá nhân, giúp các em phát huy khả năng sở trường tốt hơn dựa trên những điểm mạnh". Ảnh: NVCC.

Không từ chối những học sinh có ý thức vươn lên

Cô Thảo nói: “Trong thời gian tôi thực hiện bồi dưỡng học sinh giỏi môn Hóa học, Khoa học của nhà trường, thay vì lựa chọn học sinh, tôi để cho các em tự đăng ký tham gia và không bao giờ từ chối những học sinh có ý thức vươn lên. Tôi còn lập một nhóm facebook với thành viên là đội tuyển học sinh giỏi qua các năm để học sinh khóa sau có thể giao lưu, học hỏi với các anh chị khóa trước; mời cựu học sinh về động viên, chia sẻ kinh nghiệm với các học sinh khóa sau.

Nhiều năm liền, tập thể lớp do tôi chủ nhiệm, các lớp được phân công giảng dạy đều có sự tiến bộ rất rõ rệt, có học sinh giỏi cấp quận, cấp thành phố, có học sinh được hội đồng Đội, chủ tịch Ủy ban nhân dân quận khen thưởng, nhận được sự tín nhiệm của đồng nghiệp, sự yêu thương và tin tưởng của phụ huynh và học sinh. Tôi luôn cho rằng dạy học cần cả trái tim và trải nghiệm của chính mình.

Hơn tất cả, phần thưởng lớn nhất mà tôi nhận được đó là khi em Q. V. N vốn là trẻ mồ côi sống ở Trung tâm nhân đạo Hòa Bình báo tin em đã được làm đầu bếp chính ở khách sạn 4 sao. Đó là khi em N. T. H lớn lên trong hoàn cảnh bố vẫn đang thi hành án, em đã đạt giải trong cuộc thi học sinh giỏi môn Hóa học cấp Quận, và 3 năm sau đã đỗ Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội với số điểm cao, riêng môn Hóa đạt 9,25 điểm.

Đó là khi em Nguyễn Hoàng Nam nhận giải Nhì môn Khoa học lớp 9 cấp thành phố, sau đó đạt nhiều huy chương trong các cuộc thi Vật lí Quốc tế và là 144 học sinh xuất sắc của cả nước được miễn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và xét tuyển thẳng vào Đại học năm 2021. Với tôi, sự trưởng thành, tiến bộ của học sinh chính là món quà quý giá nhất mà tôi đã nhận được trong nghề”.

Cô Thảo cho biết đã tham gia biên soạn 04 đầu sách:

Phát triển năng lực trong môn Hóa học 8, 9. Hướng dẫn ôn tập thi vào lớp 10 môn Hóa học. Bí quyết chinh phục điểm cao Hóa học 8. Hiện cô Thảo đang tham gia biên soạn câu hỏi hệ thống học liệu thông minh môn Khoa học tự nhiên lớp 6 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tham gia thẩm định một số tài liệu tập huấn về hoạt động giáo dục hướng nghiệp và giáo dục STEM của Chương trình phát triển Giáo dục Trung học giai đoạn 2 do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai.

Trong 10 năm công tác, cô Thảo đã trăn trở và áp dụng nhiều biện pháp, sáng kiến trong công tác dạy học và được công nhận cấp quận, cấp thành phố và được báo cáo, phổ biến ở các cấp.

Nhiều năm liền cô Thảo được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, đạt giải nhất cấp thành phố trong Hội thi Giáo viên dạy giỏi môn Hóa học. Giải xuất sắc cấp thành phố trong cuộc thi Kĩ năng công nghệ thông tin dành cho giáo viên và nhiều giấy khen khác.

Cô Thảo cũng đã học nâng cao trình độ chuyên môn lấy bằng Thạc sĩ, tham gia tích cực tại nhiều lớp tập huấn cho giáo viên cốt cán như: Chương trình ETEP. Chương trình Trường học công dân xanh, và nhiều chương trình khác của Bộ, Sở tổ chức. Được đại diện các giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên tham gia dự án “Xây dựng video bài giảng phát trên truyền hình”.

Tùng Dương