Thời điểm này, ngành giáo dục nhiều địa phương trên cả nước đang tiến hành cho giáo viên bồi dưỡng thường xuyên module 5 và 9 Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Giáo viên vừa dạy trực tuyến vừa bồi dưỡng thường xuyên 2 module trong tháng 12/2021 khá vất vả. Điều đáng nói là, ở module 5, thầy cô có thâm niên dạy học hàng chục năm (kể cả sắp về hưu) vẫn phải học lại tâm lí học sinh.
Những nội dung bồi dưỡng về tâm lí học sinh cũ kĩ
Trong phạm vi bài viết này, tôi phân tích nội dung module 5 của giáo viên bậc trung học phổ thông để chứng minh cho nhận định, giáo viên phải học lại tâm lí học sinh với những điều cũ kĩ.
Theo đó, module 5 có nội dung “Tư vấn, hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục và dạy học” là một trong hệ thống 9 module được thiết kế dành cho giáo viên trung học phổ thông cốt cán với mục đích phát triển năng lực nghề nghiệp để triển khai các hoạt động tiếp theo cho giáo viên đại trà nhằm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ảnh minh họa, nguồn: Nhandan.vn |
Nội dung của module 5 gồm 4 phần như sau:
1. Những vấn đề chung về tư vấn, hỗ trợ học sinh trung học phổ thông trong hoạt động giáo dục và dạy học.
2. Xây dựng, lựa chọn, thực hiện chuyên đề tư vấn tâm lí cho học sinh trung học phổ thông và phân tích trường hợp thực tiễn trong hoạt động dạy học, giáo dục.
3. Thiết lập kênh thông tin phối hợp với gia đình trong tư vấn và hỗ trợ học sinh trung học phổ thông.
4. Xây dựng kế hoạch tự học và hỗ trợ đồng nghiệp triển khai hoạt động tư vấn, hỗ trợ học sinh trung học phổ thông trong giáo dục và dạy học.
Là giáo viên bậc trung học phổ thông có thâm niên dạy học hàng chục năm, tôi khẳng định, thầy cô không cần phải bồi dưỡng những phạm vi kiến thức này để cấp giấy chứng nhận. Bởi, trong 4 năm học ở trường đại học sư phạm, giáo viên đã học những học phần liên quan đến tâm lí lứa tuổi, tâm lí giáo dục, tư vấn, hỗ trợ học sinh.
Kể cả người được đào tạo ngành ngoài sư phạm nhưng khi làm giáo viên thì cũng phải học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, và tâm lí học vẫn là một trong những học phần không thể thiếu.
Tôi lấy ví dụ, Thông tư 40/2011/TT-BGDĐT ngày 16/9/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên trung học phổ thông có các học phần: Tâm lý học; Giáo dục học đại cương và lý luận giáo dục; Giao tiếp và ứng xử sư phạm; Quản lý nhà trường và công tác giáo viên chủ nhiệm lớp; Đánh giá trong giáo dục trung học phổ thông…
Hay Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT ngày 5/4/20212011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông, gồm các học phần:Tâm lý học giáo dục; Giáo dục học; Đánh giá trong giáo dục; Giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống…
Ngoài ra, hàng năm giáo viên đều phải đăng kí các chuyên đề bồi dưỡng thường xuyên theo quy định, trong đó có nhiều chuyên đề liên quan đến tâm lí học sinh. Chẳng hạn: Đặc điểm tâm lý của học sinh trung học phổ thông; Giáo dục học sinh trung học phổ thông cá biệt; Chăm sóc hỗ trợ tâm lý học sinh nữ, học sinh người dân tộc thiểu số trong trường trung học phổ thông…
Nếu không bồi dưỡng module 5, giáo viên có dạy học được không?
Phần mục tiêu của khoá bồi dưỡng cho biết, sau khóa học này học viên cần đạt những mục tiêu sau (trích):
- Nhận diện được đặc điểm tâm sinh lí của học sinh trung học phổ thông, các đặc điểm của học sinh theo từng đối tượng (đặc biệt là học sinh nữ, dân tộc thiểu số, khuyết tật) và những khó khăn của học sinh trung học phổ thông trong cuộc sống học đường.
- Thiết lập được kênh thông tin, cung cấp tài liệu, thường xuyên trao đổi với cha mẹ học sinh về diễn biến tâm lí và các vấn đề cần tư vấn, hỗ trợ cho học sinh.
- Xây dựng được kế hoạch tự học và hỗ trợ đồng nghiệp triển khai hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ học sinh trung học phổ thông trong hoạt động dạy học và giáo dục.
Cá nhân tôi cho rằng, không cần bồi dưỡng module 5 thì giáo viên cũng đã làm tốt những mục tiêu trên. Giáo viên bộ môn, nhất là giáo viên chủ nhiệm tiếp xúc với học sinh hàng giờ, hàng tuần thì lẽ nào thầy cô không “nhận diện được đặc điểm tâm sinh lí của học sinh và những khó khăn của học sinh trung học phổ thông trong cuộc sống học đường”?
Bên cạnh đó, nhiệm vụ chính của giáo viên là dạy học và giáo dục học sinh. Muốn giáo dục học sinh có hiệu quả thì nhất thiết giáo viên chủ nhiệm phải phối hợp với giáo viên bộ môn và cha mẹ (người thân) học sinh, chứ không phải đợi lúc học xong module 5 thì giáo viên mới thực hiện được.
Bản thân tôi từng gặp rất nhiều tình huống phức tạp liên quan đến tâm lí học sinh, cả trong học tập và cuộc sống chứ không chỉ dừng lại ở một số nội dung như modul 5 đề cập. Vấn đề nằm ở chỗ, người thầy phải làm thế nào để có thể giải quyết được tất cả các tình huống liên quan đến tâm lí học sinh mới là chuyện đáng bàn.
Vậy nên, Bộ Giáo dục yêu cầu giáo viên phải bồi dưỡng lại những nội dung liên quan đến tâm lí, hỗ trợ, tư vấn học sinh khiến nhiều giáo viên cảm thấy chán ngán. Thậm chí, theo tìm hiểu của tôi, nhiều giáo viên chỉ cần học các module cho xong chuyện bằng cách đi xin, mua các bài tập cuối khóa để nộp.
Để kết thúc bài viết này, tôi xin ghi lại những trải lòng của cô giáo chủ nhiệm tôi (thời trung học phổ thông) khi cô bồi dưỡng module 5. Xin nói thêm, cô giáo tôi từng đoạt giải 3 học sinh giỏi Văn quốc gia, được tuyển thẳng vào đại học sư phạm, sau khi tốt nghiệp thì giảng dạy một ngôi trường danh tiếng ở miền Trung.
“Em à! Bồi dưỡng đến module 5 thì cô muốn về hưu nhưng chưa đủ điều kiện, không lẽ nghỉ ngang. Cô vẫn rất yêu nghề nhưng cảm thấy chán ngán khi phải học đi học lại những điều cũ kĩ chẳng mấy liên quan đến chuyên môn từ module 1 đến module 5. Mình già rồi, nói ra sợ ảnh hưởng đến tâm lí giáo viên trẻ, nhưng không nói thì bức xúc.
Ai đời sách giáo khoa mới chẳng thấy đâu mà cứ hết soạn kế hoạch bài dạy (giáo án) theo Công văn 5512 (Công văn 5512/BGDĐT ngày 18/12/2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì đến bồi dưỡng về tâm lí học sinh. Không biết các module còn lại họ “đẻ” ra cái chi nữa, mà thôi cô cũng chẳng quan tâm”.
Tài liệu tham khảo:
https://thukyluat.vn/vb/thong-tu-40-2011-tt-bgddt-chuong-trinh-boi-duong-nghiep-vu-su-pham-1f8f5.html
https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-12-2021-tt-bgddt-chuong-trinh-boi-duong-nghiep-vu-su-pham-200906-d1.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.