Đó là nghịch lý đang xảy ra tại Trường Trung học phổ thông Võ Chí Công (xã A Xan, huyện Tây Giang, Quảng Nam) khiến dư luận bức xúc bởi quy trình thẩm định, đầu tư thiếu hiệu quả, có nguy cơ gây lãng phí hàng tỷ đồng tiền ngân sách. Vấn đề đặt ra là ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc đầu tư, xây dựng lãng phí như trên?
Thầy, trò “tháo chạy” trong đêm
Xuất phát từ nhu cầu học tập của học sinh thuộc 4 xã biên giới Tây Giang nên từ năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã đầu tư hơn 63 tỉ đồng xây dựng Trường trung học phổ thông Võ Chí Công với 2 giai đoạn.
Quả đồi phía sau Trường trung học phổ thông Võ Chí Công (Tây Giang) sạt lở sau trận mưa lớn khiến thầy trò phải di dời trong đêm. Ảnh: MC |
Trong đó, giai đoạn 1 do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, với mức đầu tư phê duyệt hơn 33 tỉ đồng.
Năm 2018, Trường được đưa vào sử dụng bước đầu. Đến năm 2019, tỉnh Quảng Nam tiếp tục phê duyệt dự án giai đoạn 2 với mức đầu tư gần 30 tỉ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư với các hạng mục công trình như: nhà đa năng, kè chắn…
Mặc dù mới đưa vào sử dụng nhưng sau đợt mưa lớn, tình trạng sạt lở đe dọa nghiêm trọng sự an toàn của các dãy nhà nội trú, phòng học.
Vào tháng 10/2020, quả đồi lớn phía sau trường sạt lở xuống, khiến bùn đất tràn vào lớp học. Ngay trong đêm, Ủy ban nhân dân huyện Tây Giang đã huy động lực lượng để di dời học sinh và giáo viên đến nơi an toàn.
Trao đổi vớiTạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Lượm – Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho hay: “Dự án đang làm dở thì nó xảy ra sạt lở, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn của học sinh, giáo viên nên huyện có họp bàn với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam và các đơn vị liên quan để di dời học sinh về học ở Trường trung học phổ thông Tây Giang.
Mùa mưa năm 2020, toàn bộ học sinh, giáo viên đã được di chuyển về dưới này. Dưới này, chúng tôi bố trí trụ sở của Ban tuyên giáo huyện làm nơi ăn ở, nội trú cho học trò. Còn học thì học bên Trường trung học phổ thông Tây Giang”.
Cũng theo ôn Lượm việc không được học ở Trường trung học phổ thông Võ Chí Công khiến học sinh các xã biên giới phải đi học xa nhà hơn 50 km.
“Việc ăn ở, học tạm ở trường khác gây ra nhiều khó khăn nên giáo viên, nhà trường phải vận động tư tưởng, hỗ trợ cho các em”, ông Lượm nói.
Có lãng phí nguồn ngân sách?
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tây Giang, huyện này đã có kiến nghị với Ủy ban tỉnh sớm khắc phục sạt lở để học sinh trở lại trường tiếp tục học tập.
Lực lượng chức năng huyện Tây Giang phải hỗ trợ di dời học sinh từ Trường trung học phổ thông Võ Chí Công đến nơi an toàn sau đợt sạt lở. Ảnh tư liệu: AN |
“Huyện đã có kiến nghị và tỉnh đã có trả lời. Trong đó, tỉnh đã có ý kiến về việc bổ sung kinh phí để khắc phục thiên tai, xây dựng kè chắn sạt lở cho trường nhưng Hội đồng nhân dân tỉnh không đồng ý. Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu khảo sát xây dựng trường ở vị trí khác”, ông Lượm cho hay.
Theo tìm hiểu thì Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi Hội đồng nhân dân tỉnh này đề nghị đầu tư thêm 29 tỷ đồng xây bờ kè chống sạt lở cho Trường Võ Chí Công.
Sau đó, thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam trả lời sẽ xây dựng trường mới Võ Chí Công tại địa điểm an toàn. Còn cơ sở cũ sẽ được tính toán để sử dụng cho mục đích khác.
Với văn bản này, dư luận cũng đặt vấn đề, tại sao một ngôi trường trị giá hàng chục tỷ đồng mới được xây dựng nay lại không thể sử dụng được?
Dù có “đổ” thêm 29 tỷ đồng để xây bờ kè chắn sạt lở thì liệu có sự lãng phí nguồn ngân sách hay không khi việc khảo sát, xây dựng không tính toán đến các nguy cơ về thiên tai, sạt lở? Trách nhiệm của các đơn vị chủ đầu tư (Sở Giáo dục và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam) ở đâu?
“Cái này ở ngoài tầm của huyện bởi chủ đầu tư là Ban và Sở. Huyện chỉ hỗ trợ về địa điểm, công tác tư tưởng phụ huynh học sinh. Còn trong phạm vi của huyện cũng đã có những hỗ trợ hết mình cho các em học sinh. Khi xây dựng thì không ai nghĩ đến việc sạt lở, thiên tai bão lũ nó diễn ra dữ dội như vậy”, ông Lượm nhìn nhận.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 13/12, ông Nguyễn Công Thành – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cho biết: “Hiện nay thì Sở cũng đã đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ban quản lý xây dựng đầu tư tỉnh nhanh chóng, thi công khắc phục sạt lở để đưa các em trở lại trường học trong thời gian sớm nhất. Đó là nguyện vọng. Để khắc phục thì mình phải xây dựng thêm bờ kè chống sạt”.
Trả lời câu hỏi vì sao lại lựa chọn vị trí xây trường ở nơi có nền địa chất yếu, nguy cơ sạt lở lớn thì ông Thành nói, trước khi khảo sát thì huyện là đơn vị chọn vị trí, bởi mặt bằng miền núi thì khó khăn.
Ông Thành cho rằng việc lựa chọn địa điểm đó là “tối ưu” vào thời điểm đó. Bây giờ không có chỗ nào khác chỗ đó nữa. Trả lời câu hỏi về việc đã đầu tư như vậy rồi còn phải gánh thêm một khoản chi phí hàng chục tỷ đồng làm kè bảo vệ hoặc phải di dời có gây tốn kém, ông Thành cho rằng, ở đây không phải lãng phí tốn kém mà trước đây nền địa chất nó khác. Còn vài năm trở lại đây thì tình trạng sạt lở ở miền núi diễn ra nhiều nơi, không chỉ ở mỗi vị trí đó.
Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã giao Thanh tra toàn diện đối với các gói thầu liên quan chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020 do Sở Giáo dục - Đào tạo quản lý.