Vai trò của người đứng đầu một tổ chức nói chung và trường học nói riêng vô cùng quan trọng. Một hiệu trưởng tốt là tiền đề để có một ngôi trường hạnh phúc và ngược lại.
Trong thực tế hiện nay “Có không ít đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, không dám đấu tranh với những cái sai, ủng hộ cái đúng, thậm chí còn tiếp tay, cổ súy cho một số việc làm sai trái của đồng chí mình”[1].
Từ đó, vai trò các tổ chức đoàn thể trong nhà trường bị lu mờ, tạo điều kiện cho hiệu trưởng lộng quyền, trở thành “vua con”, cản trở sự phát triển của giáo dục.
Vì thế, vấn đề bổ nhiệm hay thi tuyển lãnh đạo nói chung, hiệu trưởng nói riêng đã và đang được dư luận quan tâm.
Vấn đề này đã được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh qua loạt bài viết: Thi tuyển hiệu trưởng minh bạch, sẽ tránh được tệ nạn “con cháu các cụ cả”; Thi tuyển hiệu trưởng sẽ hết tư tưởng “ông trời con”;
Thi tuyển hiệu trưởng công khai sẽ dẹp được "chạy chọt", xóa "vua con" ở trường. Muốn tuyển hiệu trưởng giỏi, hãy để ai cũng được ghi danh đào tạo và dự thi; …
Rào cản nào giáo viên không thể tự do thi tuyển Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng?
Phần lớn trước các cuộc thi tuyển chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, các địa phương đều có Thông báo Thi tuyển chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng của địa phương mình.
Nội dung thông báo đều na ná nhau, trong đó có tiêu chuẩn chung được mọi người quan tâm, xem xét, đối chiếu, để xem có thể mình có “qua vòng gửi xe” không.
Người viết lấy ví dụ Thông báo Thi tuyển chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng của huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu[2], một trong những địa phương tiên phong thi tuyển chức danh lãnh đạo giáo dục, làm ví dụ. Bạn đọc có thể tham khảo tại đây.
Rào cản đầu tiên để giáo viên có thể “tự do” thi tuyển mang tên “Trình độ chính trị: Trung cấp trở lên”.
Ảnh chụp màn hình trích nội dung Thông báo số 2875/TB-UBND huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. |
Muốn có “Trình độ chính trị: Trung cấp trở lên”, giáo viên phải có quyết định cho đi học, chứ không phải muốn đi học là được.
Hồ sơ để học Trung cấp Chính trị: “2. Hồ sơ dự tuyển (mẫu do nhà trường ban hành)
(1). Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Chính quyền địa phương hoặc cơ quan đơn vị công tác, có dán ảnh (4x6) đóng dấu giáp lai;
(2). Đơn xin đi học;
(3). Công văn cử dự tuyển của cấp có thẩm quyền;
(4). Bản cam kết không đang tham gia các lớp học khác (có xác nhận của Lãnh đạo đơn vị quản lý);
(5). Bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương trở lên (phô tô có công chứng);
(6). Chứng nhận sơ cấp LLCT hoặc Giấy chứng nhận tương đương Sơ cấp lý luận chính trị (phô tô có công chứng);
(7). Có xác nhận chức danh quy hoạch (nếu có) của cấp có thẩm quyền.”[3]
Như vậy, để được học Trung cấp chính trị, giáo viên phải có “Công văn cử dự tuyển của cấp có thẩm quyền”, tức phải nằm trong đối tượng “cán bộ nguồn”.
Rào cản thứ 2 mang tên “Có Chứng chỉ Quản lý giáo dục”
Thông tư số: 28/2014/TT-BGDĐT quy định việc bồi dưỡng và cấp chứng chỉ nghiệp vụ quản lý giáo dục: Các đối tượng học quản lý giáo dục:
“Là cán bộ quản lý ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp. Cán bộ quản lý khoa, phòng cơ sở giáo dục đại học. Cán bộ quản lý sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo. Công chức, viên chức dự nguồn đã được quy hoạch cho các chức danh quản lý trên (sau đây gọi tắt là cán bộ quản lý) và tổ chức, cá nhân liên quan”.
Thời gian đào tạo tập trung hoặc bán tập trung; nói cách khác, giáo viên không phải “nguồn” không có quyết định của cơ quan chức năng, không thể tham gia khóa học này, không thể có Chứng chỉ Quản lý giáo dục.
“Muốn tuyển hiệu trưởng giỏi, hãy để ai cũng được ghi danh đào tạo và dự thi” phải nói là ý kiến rất hay, rất trúng, rất đúng tâm tư của những giáo viên trung thực, có năng lực, phẩm chất lãnh đạo.
Vì thế, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có chương trình tự bồi dưỡng, đào tạo Sơ cấp chính trị, Trung cấp chính trị, Quản lý giáo dục; mở rộng đối tượng, cho phép bất cứ giáo viên nào muốn học Sơ cấp chính trị, Trung cấp chính trị, Quản lý giáo dục đều có thể được tham gia, tự đóng kinh phí học tập.
Làm được như thế, cái lợi thứ nhất, thuộc về nhà nước, giảm ngân sách đào tạo; cái lợi thứ hai, có nguồn tham gia dự thi đông đảo, có thể chọn được ứng viên tốt nhất;
Cái lợi thứ ba, các chính sách, pháp luật của nhà nước được tuyên truyền sâu rộng đến giáo viên; cái lợi thứ tư, chính là biến Thi tuyển các chức danh lãnh đạo đi vào thực chất.
Hiệu trưởng giỏi, lãnh đạo giỏi, có tầm, có tâm, đảm bảo tiền đề đầu tiên để xây dựng một trường học tốt, và ngược lại; đó là thực tế đã và đang xảy ra ở cơ sở hiện nay.
Đổi mới giáo dục, xây dựng trường học hạnh phúc phải bắt đầu từ hiệu trưởng, Bộ nên tham khảo, học hỏi, các trường tư thục cách chọn hiệu trưởng, trả lương cho giáo viên, để có phương thức quản lý giáo dục tốt nhất.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://vov.vn/chinh-tri/co-khong-it-dang-vien-thay-dung-khong-bao-ve-thay-sai-khong-dau-tranh-905167.vov
[2]https://chauduc.baria-vungtau.gov.vn/article?code=NDCB&item=9085e5b04895b0b48ee7a04eea58792c
[3] http://truongchinhtrina.gov.vn/tin-tuc-16/mo-lop-trung-cap-ly-luan-chinh-tri-hanh-chinh-he-khong-tap-trung-2150
- Thông tư số: 28/2014/TT-BGDĐT
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.