Muốn tuyển hiệu trưởng giỏi, hãy mở rộng đối tượng được ghi danh đào tạo, dự thi

14/12/2021 06:50
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo chuyên gia, nếu bổ nhiệm hiệu trưởng thì chúng ta chỉ tìm ra những "gương mặt thân quen" ngay tại địa phương, mà không thu hút được nhân tài nơi khác.

Trong năm 2020-2021, tỉnh Tuyên Quang tổ chức thi tuyển hiệu trưởng tại Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú ATK (Sơn Dương), Trường Trung học phổ thông Kháng Nhật (Sơn Dương).

Qua việc tổ chức thi tuyển, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang đánh giá vẫn còn nhiều mặt hạn chế như đối tượng dự tuyển còn tâm lý e dè nên số lượng còn ít, bên cạnh đó là chưa có quy định chung, quy chế thi tuyển.

Thực tế, việc Tuyên Quang tổ chức thi tuyển hiệu trưởng được các chuyên gia giáo dục đánh giá là bước đi cần thiết để có được các nhân sự chất lượng đứng đầu các cơ sở giáo dục phổ thông.

Thạc sỹ Bùi Khánh Nguyên đã có một số chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Muốn tuyển hiệu trưởng giỏi, hãy mở rộng đối tượng được ghi danh đào tạo, dự thi ảnh 1Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên. (Ảnh: NVCC)

Phóng viên: Vừa qua, nhiều ý kiến đề xuất là nên tổ chức thi tuyển hiệu trưởng, hiệu phó để thu hút được người giỏi làm lãnh đạo các trường phổ thông. Thực tế, tỉnh Tuyên Quang cũng đã tiến hành thi tuyển hiệu trưởng hiệu trưởng 1 số trường. Ông đánh giá ra sao cách thức thi tuyển thay vì bổ nhiệm hiệu trưởng?

Thạc sỹ Bùi Khánh Nguyên: Tôi nghĩ thi tuyển lãnh đạo không phải là một gì đó quá mới vì chúng ta đã có thi tuyển giám đốc sở. Việc dùng hình thức thi tuyển công khai để tìm lãnh đạo trong ngành giáo dục, cụ thể là thi tuyển hiệu trưởng là rất đáng khuyến khích và nên mở rộng ra toàn quốc.

Nhân tài có ở khắp mọi nơi, nếu chỉ dùng hình thức bổ nhiệm sẽ chỉ tìm được những “gương mặt thân quen” trong địa phương mình mà không thể thu hút được lãnh đạo tài năng từ các địa phương khác, môi trường khác.

Đặc biệt, việc bổ nhiệm thường phụ thuộc đánh giá một chiều từ cơ quan quản lý giáo dục hoặc chính quyền địa phương nhưng thi tuyển có thể cho phép nhiều nhóm liên quan khác nhau cùng tham gia đánh giá một lúc, dựa trên những tiêu chí được công khai. Trong quản trị hiện đại, việc đánh giá một người lãnh đạo qua công cụ phản hồi 360 độ là một thông lệ phổ biến.

Thực tế, tôi thấy tại nhiều trường tư, trường quốc tế, họ có thông lệ là hiệu trưởng trước khi được trao nhiệm vụ dẫn dắt tập thể trường phải gặp gỡ nhiều nhóm công chúng (bên liên quan) khác nhau, chứ không phải là một người chỉ cần làm hài lòng cơ quan quản lí giáo dục. Họ sẽ là người được nhìn nhận dưới nhiều khía cạnh đánh giá của phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo trong trường xem có phù hợp nhất hay không.

Hiệu trưởng là một nhà lãnh đạo quan trọng trong hệ thống giáo dục, do vậy tôi ủng hộ hình thức thi tuyển công khai để mọi tài năng, có đam mê cống hiến đều có thể tự do ứng tuyển và cạnh tranh cho vị trí đó.

Phóng viên: Thực tế qua triển khai ở 1 trường ở Tuyên Quang, qua báo cáo đưa ra nhận định, việc thi tuyển hiệu trưởng cũng có hạn chế là chưa có quy định chung và số lượng tham gia thi rất ít. Ông đánh giá ra sao về điểm này?

Thạc sỹ Bùi Khánh Nguyên: Tôi e là bấy lâu nay việc đào tạo nguồn hiệu trưởng rất hạn chế số người tham gia. Các trường sư phạm và trường bồi dưỡng cán bộ giáo dục chỉ tập trung đào tạo các “cán bộ hạt giống” chứ không mở cửa cho tất cả những ai có nhu cầu học và đáp ứng yêu cầu chương trình đào tạo. Do vậy, nguồn dự bị nhân lực có đủ điều kiện ứng tuyển cho các kỳ thi tuyển cũng vì thế mà bị giới hạn lại.

Ở các trường đại học giáo dục hay sư phạm nước ngoài, những người có bằng cử nhân phù hợp và kinh nghiệm phù hợp đều có thể ghi danh vào các khóa học đào tạo chức danh hiệu trưởng. Còn họ có tìm được công việc hiệu trưởng hay không lại là câu chuyện khác.

Nếu chúng ta siết ngay số lượng từ đầu vào đào tạo, thì sẽ không có nhiều người có chứng chỉ bồi dưỡng hiệu trưởng, hiệu phó để ứng tuyển. Rõ ràng là hiện nay, một giáo viên bình thường sẽ không đủ điều kiện để ứng tuyển chức danh hiệu trưởng. Hoặc nhiều thạc sỹ, tiến sỹ giỏi được đào tạo về giáo dục ở nước ngoài về cũng không đủ điều kiện ứng tuyển hiệu trưởng.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, việc thi tuyển hiệu trưởng nên có thêm quy định cho cả trường tư, bởi có lo ngại hiệu trưởng tại một số trường tư chỉ đứng trên danh nghĩa "giấy tờ"?

Thạc sỹ Bùi Khánh Nguyên: Hiện nay hiệu trưởng trường công được “bổ nhiệm”, còn hiệu trưởng trường tư được “công nhận”, yêu cầu là ngang nhau. Tuy nhiên, tính chất công việc không giống nhau.

Một hiệu trưởng của trường tư hiện đại sẽ không phải chỉ lo vấn đề chuyên môn như chất lượng, thi cử, mà còn phải giữ vai trò như một tổng giám đốc (CEO) trong trường, chịu trách nhiệm đối nội, đối ngoại, tuyển sinh, marketing, phát triển chương trình, xây dựng chiến lược phát triển, quan hệ với phụ huynh…

Do vậy trên thực tế, đã có nhiều trường hợp người được thuê làm hiệu trưởng trường tư chỉ đứng tên trên giấy tờ, còn hiệu trưởng thực sự điều hành trường lại là một người khác. Đây cũng là một vấn đề bất cập, vì người thực tế giữ vai trò hiệu trưởng có thể chưa đạt chuẩn chuyên môn hoặc thiếu các điều kiện về chứng chỉ chuyên môn hay các điều kiện khác ngoài chuyên môn.

Để giải quyết vấn đề này, theo tôi Luật giáo dục cần thay đổi theo hướng tập trung vào các quy định chuyên môn, giảm các yêu cầu về hành chính như một công chức với hiệu trưởng. Đồng thời, trường đại học sư phạm nên đào tạo nhiều hơn chuyên ngành quản trị trường học.

Các hiệu trưởng được đào tạo về quản trị trường học sẽ có những lợi thế khác với một giáo viên hay hiệu phó chuyên môn chuyển lên làm hiệu trưởng. Chúng ta cần nhiều nguồn đào tạo bổ sung cho nhau. Hiện mới chỉ có Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đào tạo chuyên ngành quản trị trường học.

Phóng viên: Rõ ràng như ông phân tích, thì cần cởi trói nhiều điểm để có đông đảo hơn ứng viên phù hợp vị trí hiệu trưởng. Vậy về đối tượng dự tuyển, nên thực hiện như nào, thưa ông?

Thạc sỹ Bùi Khánh Nguyên: Về nguyên tắc, ai là người sở hữu trường thì sẽ quyết định việc tuyển dụng người lãnh đạo trường. Nếu là trường công thì đó là phòng / sở giáo dục và đào tạo hay ủy ban nhân dân huyện, tỉnh. Với trường tư thì sẽ là hội đồng quản trị của công ty sở hữu trường vì trường tư hiện nay vận hành như một doanh nghiệp.

Khi tuyển dụng, chỉ cần đưa ra bảng mô tả công việc và các tiêu chí tuyển dụng, đánh giá, ai đáp ứng được đều có thể dự tuyển. Chúng ta nên tạo ra những tiêu chí ngay từ đầu để không có sự thiên vị. Tại vì mục đích cuối cùng là tuyển được những người có năng lực lãnh đạo tốt làm hiệu trưởng.

Phóng viên: Sở Giáo dục tỉnh Tuyên Quang nhận định việc thi tuyển tại địa phương còn hạn chế do chưa có quy định chung, theo chuyên gia việc này nên có Bộ Giáo dục chủ trì?

Thạc sỹ Bùi Khánh Nguyên: Theo tôi khung tiêu chuẩn không nên dựa vào Bộ, mà cơ quan nào tuyển dụng thì đưa ra các tiêu chuẩn riêng, chỉ cần không thấp hơn Luật Giáo dục.

Luật Giáo dục của chúng ta đã quy định rõ thế nào là chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giáo viên. Trong đó chuẩn hiệu trưởng như tôi đã nói là nên giảm bớt những yêu cầu ít liên quan đến chuyên môn, và tăng cường đào tạo nguồn ở trường đại học sư phạm, trường đào tạo cán bộ giáo dục. Nếu không cả huyện mở ra cũng chỉ có vài người thi tuyển.

Sau khi người dự tuyển nộp đơn thì tiêu chuẩn là do địa phương quy định, nếu cần người hiệu trưởng như thế nào thì công bố tiêu chuẩn đó ra. Người được tuyển dụng phải phục vụ nhu cầu của địa phương đó. Tại nước ngoài thì tôi thấy họ cũng thi tuyển như vậy.

Tôi cũng cho rằng không nên áp đặt các địa phương phải giống nhau. Ví dụ như ở Tuyên Quang chưa cần thiết ngoại ngữ như Thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh, nếu chúng ta đặt ra tiêu chuẩn quá cao về ngoại ngữ cho Tuyên Quang là mình tự trói tay mình. Địa phương phải chủ động đưa ra tiêu chuẩn và phải công khai thông tin, để cộng đồng giám sát.

Phóng viên: Trong việc thi tuyển cần chú ý thêm những điều gì thưa ông?

Thạc sỹ Bùi Khánh Nguyên: Theo tôi đề án thi tuyển hiệu trưởng/phó hiệu trưởng cần được công khai, để các bên liên quan có thể phản biện, góp ý, giám sát. Trong phần thi nên có phần phỏng vấn trực tiếp và hội đồng tuyển chọn có thể mời thêm các chuyên gia giáo dục, giáo sư trường sư phạm, đại diện hiệp hội nghề giáo, thậm chí cả các chuyên gia nhân sự để có ý kiến đánh giá các ứng viên… Hoặc có thể bỏ phiếu, theo đó những người liên quan bỏ phiếu lựa chọn cho một ứng viên.

Trân trọng cảm ơn ông!

Mạnh Đoàn