Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đã tiến hành ôn tập, kiểm tra học kỳ I. Theo hướng dẫn, khi kết thúc học kỳ I bắt buộc các trường phải đánh giá, xếp loại học sinh.
Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19 nhiều trường phải dạy và học trực tuyến, một số ý kiến cho rằng học trực tuyến cả năm thầy trò chưa gặp mặt, việc đánh giá phẩm chất, năng lực và xếp loại hạnh kiểm khó đảm bảo tính chính xác, công bằng.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của một số lãnh đạo trường, giáo viên chủ nhiệm về vấn đề trên.
Nên có văn bản hướng dẫn đánh giá, xếp loại học sinh đối với các trường dạy và học trực tuyến
Trao đổi với phóng viên, cô Vũ Thị Hương - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Yên Thường (Hà Nội) cho biết, từ đầu năm học nhà trường triển khai dạy và học trực tuyến. Học kỳ I sắp kết thúc, việc đánh giá phẩm chất và năng lực của học sinh vẫn được giáo viên chủ nhiệm tiến hành bình thường.
Nhà trường cũng đã hướng dẫn giáo viên đánh giá, xếp loại học sinh theo đúng tinh thần của Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT.
Đối với khối lớp 1, 2 đánh giá theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT. Khối lớp 3, 4, 5 áp dụng Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT.
Việc đánh giá phẩm chất và năng lực cần quan tâm đến quá trình rèn luyện của học sinh trong cả một học kỳ. Tránh đánh giá học sinh tùy tiện, cảm tính, gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của các em. (Ảnh minh họa: P.N) |
Về nội dung đánh giá, giáo viên chủ nhiệm sẽ đánh giá dựa trên sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh thông qua những phẩm chất chủ yếu như yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm...
Các phương pháp đánh giá giáo viên trường Tiểu học Yên Thường sử dụng gồm:
Phương pháp quan sát: Giáo viên theo dõi, lắng nghe học sinh trong thời gian giảng dạy trực tuyến. Sử dụng phiếu quan sát, bảng kiểm tra, nhật ký ghi chép lại các biểu hiện của học sinh để sử dụng làm minh chứng đánh giá phẩm chất và năng lực thông qua quá trình học tập, rèn luyện của các em.
Phương pháp đánh giá qua hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh: Giáo viên đưa ra nhận xét, đánh giá theo từng nội dung về các sản phẩm, hoạt động của học sinh.
Phương pháp vấn đáp: Giáo viên sẽ trao đổi với học sinh, phụ huynh thông qua việc hỏi đáp để thu thập thông tin nhằm đưa ra những nhận xét, biện pháp giúp đỡ kịp thời.
Cuối cùng, để đánh giá phẩm chất và năng lực của học sinh một cách khách quan, công bằng, cần có sự phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, phụ huynh và học sinh.
“Việc đánh giá, xếp loại cần quan tâm đến quá trình rèn luyện của học sinh trong cả một học kỳ và những trải nghiệm của các em thông qua quá trình đó. Tránh tình trạng giáo viên đánh giá tùy tiện, cảm tính, gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, tương lai của các em”, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Yên Thường cho hay.
Theo vị Phó Hiệu trưởng này, đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh đã được nhiều trường triển khai, nhưng đối với những nơi dạy và học trực tuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn nên ban hành văn bản cụ thể về việc đánh giá, xếp loại học sinh để các trường có cơ sở thực hiện sao cho đồng bộ, tránh mỗi trường làm một kiểu, không có sự thống nhất.
Thêm tiêu chí đánh giá để phù hợp tình hình
Cũng trao đổi về vấn đề trên, cô Lê Thanh Huyền, giáo viên chủ nhiệm lớp 7C1, trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (Hà Nội) cho biết:
“Tôi tiến hành đánh giá, xếp loại hạnh kiểm học sinh theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT. Trong quá trình phân loại hạnh kiểm cho các con, mặc dù căn cứ theo thông tư nhưng tôi vẫn phải đắn đo, cân nhắc để đánh giá đúng bản chất, hành vi, mức độ cố gắng, tiến bộ của mỗi học sinh. Hơn nữa, các con học trực tuyến, cô trò không gặp nhau, không tương tác trực tiếp nên tôi cũng cố gắng sâu sát và cẩn trọng hơn”.
Cô Lê Thanh Huyền chia sẻ, hàng tháng lớp đều tổ chức bình xét hạnh kiểm. Trước tiên, mỗi học sinh sẽ tự xếp loại hạnh kiểm của mình. Sau đó, các thành viên trong lớp nhận xét, bình bầu về hạnh kiểm của từng tổ, từng học sinh trên tinh thần nhẹ nhàng, xây dựng, góp ý.
Từ nhận xét chung của tập thể lớp, cuối học kỳ, cô Lê Thanh Huyền sẽ tổng hợp lại và trao đổi trực tiếp với phụ huynh, cân nhắc kỹ lưỡng, đưa ra quyết định cuối cùng và gửi kết quả xếp loại hạnh kiểm của học sinh lên nhà trường.
Xếp loại hạnh kiểm trong thời gian dạy học trực tuyến cần bổ sung thêm tiêu chí đánh giá để phù hợp với tình hình. (Ảnh: TTXVN) |
“Những hôm trống tiết dạy, tôi thường tham dự lớp của thầy cô bộ môn để kiểm tra xem học sinh có nghiêm túc, hăng hái phát biểu ý kiến xây dựng bài hay không.
Các con rất nghe lời cô giáo chủ nhiệm nhưng một vài bạn trong giờ của giáo viên bộ môn hay mất tập trung. Khi cô yêu cầu bật camera hoặc mic lại không lên tiếng hoặc một số trường hợp vào lớp muộn, hay bị thoát khỏi giờ học bởi nhiều lý do", cô Lê Thanh Huyền chia sẻ.
Theo đó, trong thời gian học trực tuyến vì dịch Covid-19, cô Lê Thanh Huyền cũng bổ sung thêm một số tiêu chí đánh giá như chấp hành quy định phòng chống dịch Covid-19, thực hiện tốt nội quy học trực tuyến…
Cũng theo nữ giáo viên, học sinh phạm phạm lỗi nặng thuộc về phạm trù đạo đức, nhân cách mới nên xử phạt và hạ hạnh kiểm. Những lỗi như vào lớp muộn, nộp bài muộn, ghi chép chưa đầy đủ… giáo viên chỉ cần hướng dẫn, nhắc nhở để các con rút kinh nghiệm và không tái phạm.
"Việc xếp loại hạnh kiểm học sinh trong thời gian học trực tuyến không thể làm khó được giáo viên chủ nhiệm nếu bản thân thầy cô hiểu đúng tâm tính và lắng nghe trò của mình. Từ đó, sẽ không bao giờ xảy ra tình trạng thiếu công bằng, vùi dập học sinh", nữ giáo viên cho hay.