Học sinh lớp 1,2 không nên đặt nặng điểm số, thành tích, đừng khiến trẻ sợ học

22/12/2021 06:42
Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tổ chức kiểm tra định kỳ theo hình thức trực tiếp hay trực tuyến đều phải hướng tới mục tiêu chung là đánh giá trung thực, khách quan năng lực học tập của trẻ.

Ngày 15/12, ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định học sinh có thể được kiểm tra, đánh giá trực tuyến khi chưa đảm bảo điều kiện đến trường.

Theo đó, địa phương chưa thể cho học sinh đến trường học trực tiếp do dịch Covid -19 phức tạp và đang học trực tuyến thì có thể kiểm tra theo hình thức trực tuyến.

Đối với những khu vực đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch, học sinh có thể đến trường học tập, các trường khẩn trương ôn tập và củng cố kiến thức cho học sinh và thực hiện kiểm tra định kỳ trực tiếp.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, cần phải tổ chức kiểm tra định kỳ để đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh và tăng trách nhiệm quản lý của các cấp.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội. (Ảnh: Thùy Linh)

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội. (Ảnh: Thùy Linh)

“Nhiều người có tâm lý e ngại vì gần đây số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tăng, hơn nữa trẻ ở độ tuổi này chưa được tiêm vaccine. Một số ý kiến muốn bỏ kiểm tra định kỳ và đề xuất trao quyền đánh giá học sinh cho giáo viên.

Tuy nhiên, có kiểm tra, đánh giá thì mới biết năng lực của người học, khả năng truyền đạt của người dạy đến đâu. Việc tổ chức thi theo hình thức nào nên căn cứ vào tình hình dịch thực tế của mỗi địa phương”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, mỗi hình thức kiểm tra đều có ưu điểm hạn chế riêng, nhưng dù kiểm tra dưới hình thức nào (trực tuyến hoặc trực tiếp) cũng phải hướng tới mục tiêu chung là đánh giá trung thực, khách quan năng lực học tập của học sinh.

Từ kết quả đó, giáo viên sẽ có căn cứ để điều chỉnh chương trình dạy sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Bên cạnh đó, nhà trường nên xây dựng kế hoạch ôn tập cụ thể, sớm triển khai và nhận được sự đồng thuận từ cha mẹ học sinh.

“Phụ huynh phải cùng nhà trường khích lệ trẻ tiến bộ, không nên đặt nặng vấn đề điểm số khiến trẻ bị áp lực và ảnh hưởng đến tâm lý. Hãy coi đây là một bài kiểm tra đơn thuần, trẻ học đến đâu, hoàn thiện kiến thức đến đó”, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho hay.

Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. (Ảnh: Thùy Linh)

Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. (Ảnh: Thùy Linh)

Cùng trao đổi về vấn đề trên, Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: “Việc kiểm tra học kỳ phải được tổ chức khoa học, linh hoạt để mang lại kết quả trung thực. Trường nào kiểm tra trực tiếp phải tuân thủ quy định “5K”, thi trực tuyến phải đảm bảo tính công bằng, lựa chọn các phần mềm hỗ trợ thi giúp trẻ dễ thao tác”.

Với môn cần viết như chính tả, học sinh làm bài thi ra giấy. Sau đó, phụ huynh chụp ảnh, gửi lại cho giáo viên. Những môn có thể thi trắc nghiệm như toán, học sinh sẽ thi trên phần mềm cho thuận tiện.

Bên cạnh đó, đề thi phải hết sức khách quan, không nên quá khó vì học sinh học trực tuyến, việc tiếp thu kiến thức chắc chắn không thể bằng học tại trường. Tuy nhiên, đề thi cũng không được quá dễ, phải bảo đảm tính công bằng giữa học sinh các trường với nhau.

Trong quá trình kiểm tra, đánh giá, thầy cô cũng cần có sự tương tác, sẵn sàng hỗ trợ học sinh gặp khó khăn về thiết bị, đường truyền mạng.

“Để có thể sống chung với dịch bệnh, dần dần chúng ta phải trang bị các kỹ năng học và thi trực tuyến cho học sinh trên cả nước. Giáo dục nhà trường phải luôn trong tâm thế chủ động trước mọi tình huống.

Bên cạnh đó, đối với học sinh lớp 1, 2, việc đánh giá trẻ hầu hết liên quan đến “đọc thông, viết thạo”. Bởi vậy, chúng ta không nên đặt nặng vấn đề thành tích. Đừng biến trẻ con thành người lớn và gieo cho trẻ nỗi sợ học, sợ đến trường”, Giáo sư Phạm Tất Dong chia sẻ.

Ngọc Ánh