Không thay đổi cách ra đề thi, chấm thi, khó lòng triệt tiêu văn mẫu

27/12/2021 06:40
Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để chấm dứt tình trạng dạy và học theo văn mẫu, nhiều giáo viên cho rằng giải pháp tốt nhất là liên tục đổi mới đề thi, rèn luyện kỹ năng tư duy cho học sinh.

Đề thi Văn phải mang tính gợi mở

Có thể nói, chuyện dạy và học theo văn mẫu đã “ăn sâu, bén rễ” vào tâm lý của học sinh. Chúng ta đã bàn luận rất nhiều nhưng tại sao văn mẫu vẫn có "đất sống".

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Thanh Huyền, giáo viên môn Ngữ văn, trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (Hà Nội) cho biết:

“Bản thân tôi không kỳ thị hay cấm cản việc các con tham khảo tài liệu bởi văn mẫu trước hết là những bài văn hay, đã được chọn lọc. Đọc một bài văn hay, sẽ khơi gợi cảm xúc, tăng cảm hứng viết bài cho các con. Văn mẫu không sai, có chăng chỉ sai ở mục đích sử dụng của chúng ta.

Những lớp tôi dạy, rất nhiều học sinh biết tổng hợp tài liệu, học hỏi những ý hay, câu đẹp từ văn mẫu để triển khai bài của mình. Lúc này văn mẫu như một công cụ, một phương tiện giúp học sinh rèn luyện kỹ năng. Bài viết của các con là sản phẩm của sự sáng tạo cá nhân, không phải dập khuôn, bê nguyên văn mẫu”.

Cô Lê Thanh Huyền, giáo viên môn Ngữ văn, trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (Hà Nội). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Lê Thanh Huyền, giáo viên môn Ngữ văn, trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (Hà Nội). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Lê Thanh Huyền cũng đưa ra hai lý do chính khiến tình trạng dạy và học theo văn mẫu chưa thể chấm dứt.

Theo đó, thời lượng dạy trên lớp khó có thể đủ để giáo viên truyền tải hết tâm tư, ý nguyện của mình với học trò. Bên cạnh đó, học sinh cũng không thể tiếp nhận, chép kịp hết tất cả kiến thức thầy cô giảng nên khi được giao bài tập, soạn văn, học sinh sẽ mở văn mẫu hoặc tự tìm tài liệu trên mạng để hoàn thành nhiệm vụ.

Mặt khác, không thể phủ nhận hiện nay nhiều giáo viên chưa giỏi chuyên môn hoặc chưa có tâm, dạy hời hợt, áp đặt học sinh... Chính vì vậy, không thể tránh khỏi việc học sinh đi chép văn mẫu như một cách đối phó để đạt điểm cao.

“Với môn Văn, trường tôi thường đánh giá theo 6 đầu điểm gồm 4 điểm kiểm tra thường xuyên, một điểm kiểm tra giữa kỳ và một điểm kiểm tra học kỳ.

Những điểm kiểm tra thường xuyên tôi thường đan xen kiểm tra trắc nghiệm qua phần mềm Azota kết hợp với các hoạt động như vẽ sơ đồ tư duy, thiết kế poster tác phẩm văn học, giới thiệu sách…

Tôi nhận thấy giờ học có thêm nhiều hoạt động thực hành giống như vừa học vừa chơi được học sinh hưởng ứng và rất hứng thú. Đó cũng là một trong những phương pháp hữu ích, có thể phát huy khả năng sáng tạo, kỹ năng thuyết trình, khả năng giao tiếp và phản biện của các con. Hơn nữa, các con cũng giảm bớt áp lực học tập, thi cử, không còn cần dùng tới văn mẫu.

Tuy nhiên, những hoạt động này không thể thay thế các bài kiểm tra viết. Dù sao, viết vẫn là một phương pháp kiểm tra được tư duy, kiến thức và vốn diễn đạt của học sinh”, nữ giáo viên chia sẻ.

Theo cô Lê Thanh Huyền, để hạn chế sử dụng văn mẫu trong dạy và học phải bắt đầu từ việc đổi mới liên tục đề thi. Đề thi phải mang tính gợi mở, điều này sẽ hạn chế được việc chép văn mẫu vì các nội dung thường không có trên mạng.

“Ví dụ khi học về các phương thức biểu đạt trong văn tự sự, tôi sẽ ra những dạng đề như “Em hãy kể về trải nghiệm học tập của mình trong mùa dịch” hay “Gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, kinh tế xã hội. Nhưng có lẽ đây cũng là dịp để chúng ta sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn. Em hãy viết một bài văn miêu tả một khung cảnh đã khiến em xúc động trong đại dịch này”.

Những dạng đề đó học sinh sẽ không thể tìm thấy đáp án trên mạng mà buộc phải tự tư duy, lấy chất liệu từ thực tế, trải nghiệm cá nhân để viết thành bài của mình”, nữ giáo viên cho hay.

Trước những lo ngại việc thi học kỳ trực tuyến, học sinh có thể dễ dàng sử dụng tài liệu, chép văn mẫu, cô Lê Thanh Huyền khẳng định không chỉ giáo viên, gia đình giám sát trẻ mà nhà trường cũng sử dụng các phần mềm, thiết bị công nghệ để đánh giá sự trung thực trong thời gian làm bài nên học sinh thi rất nghiêm túc, tự giác.

Tôn trọng cái tôi cá nhân của học sinh

Cùng quan điểm với cô Lê Thanh Huyền, cô Phạm Hà, giáo viên dạy môn Ngữ văn, trường Trung học phổ thông Đào Duy Từ (Hà Nội) cho rằng, “ngại thay đổi” cách ra đề và chấm thi môn Văn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng sử dụng văn mẫu.

Theo nữ giáo viên, văn mẫu có cả “công” và “tội”, nếu lạm dụng quá đà sẽ “bóp chết” cảm xúc chân thật, tư duy, khả năng quan sát của học sinh. Tuy nhiên, không thể triệt tiêu hoàn toàn văn mẫu bởi nhu cầu thưởng thức cái hay là nhu cầu rất thật và chính đáng của con người.

Cô Phạm Hà, giáo viên môn Ngữ văn, trường Trung học phổ thông Đào Duy Từ (Hà Nội). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Phạm Hà, giáo viên môn Ngữ văn, trường Trung học phổ thông Đào Duy Từ (Hà Nội). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Để thoát ly việc học văn mẫu, cô Phạm Hà cho rằng thầy cô nên đa dạng hình thức dạy học, chú trọng nhiều hơn hoạt động dạy học gắn liền với thực tiễn nhằm phát huy hết năng lực sáng tạo của học sinh. Đồng thời, cách ra đề cần mới mẻ hơn, cho phép học sinh thể hiện cái tôi cá nhân.

“Người dạy phải liên tục làm mới mình để bắt kịp yêu cầu đổi mới của thời đại thay vì cứ chăm chăm sử dụng giáo án mẫu. Một nhà giáo thực thụ không bao giờ truyền đạt những kiến thức “chết”.

Hơn nữa, nghề dạy học đòi hỏi người thầy phải nắm được tâm lý học sinh. Mà tâm lý học sinh thời nay rất đa dạng, đa tính cách. Vì thế, không cách nào khác, thầy cô phải là người thấu hiểu, tôn trọng ý kiến khác biệt, cảm nhận của các con. Không nên áp đặt, kìm hãm khả năng suy luận, bắt buộc trò làm theo khuôn khổ mà thầy cô đã vạch sẵn.

Cuối cùng, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, việc đánh giá học sinh không chỉ chú trọng vào điểm số mà còn dựa trên quá trình tạo ra sản phẩm, ý tưởng sáng tạo. Chính vì vậy đừng đặt gánh nặng điểm số cho trẻ. Hãy hỏi “hôm nay đi học có vui không” thay vì câu cửa miệng “hôm nay con được mấy điểm?””, nữ giáo viên chia sẻ.

Ngọc Ánh